Cứ vào mùa khô hạn là người dân sống trên vùng đất nhiễm phèn giáp ranh giữa 2 khu vực rừng U Minh Thượng (Kiên Giang) - U Minh Hạ (Cà Mau) và một số vùng ven biển miền Tây lại đối mặt tình trạng thiếu nước sinh hoạt trầm trọng. Mùa khô năm nay, chuyện thiếu nước sinh hoạt càng trở nên gay gắt hơn bao giờ hết.
Đành phải... ở dơ
Dù sống dọc theo đôi bờ sông Trẹm nhưng 1.400 hộ dân ở xã Biển Bạch, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau lại thiếu nước sinh hoạt triền miên. Nhiều người đã gọi nơi đây là “vùng đất khát”.
Từ bao đời nay, người dân xứ này chỉ tự chủ được nước ngọt vào mùa mưa, còn đến mùa khô thì phải chạy vạy từng lít nước vì cả vùng không tìm đâu ra mạch nước ngầm có thể dùng được. Nhiều hộ dân cứ ngày đêm thay phiên nhau canh ghe nước đi ngang qua để chặn lại hầu mong mua được lu nước về xài dù giá đắt đỏ.
Gia đình ông Trình Văn Út (ấp Thanh Tùng, xã Biển Bạch) có 6 người, hằng tháng sử dụng hết sức tiết kiệm cũng hơn 10 khối (m3) nước với giá 40.000 đồng/khối. “Khổ quá, sống giữa biển nước mà cứ phải ngửa cổ lên trời mong mưa. Nhà đông người, nước thì đắt đỏ nên dùng việc gì cũng phải suy nghĩ. Nhiều lúc đi làm về, người bẩn, nhảy ùm xuống vuông tôm tắm, sau đó lên xối qua loa 1 ca nước ngọt rồi đi ngủ” - ông Út kể, giọng chua chát.
|
Đời sống người dân xã Biển Bạch còn rất khó khăn nhưng phải chi nhiều tiền mua nước sinh hoạt với giá đắt đỏ. |
Ngồi dưới cái nắng như đổ lửa, mắt đau đáu nhìn ra dòng sông Trẹm dập dềnh sóng nước, ông Nguyễn Văn Hùng (ngụ ấp Thanh Tùng) nói như than: “Nóng quá nhưng tôi không dám tắm nhiều vì sợ hao nước. Giá 1 khối nước đã lên đến 40.000 đồng rồi. Bà con ở đây nhiều người cũng... ở dơ như tôi vì phải tiết kiệm từng lít nước sinh hoạt, thậm chí phải bớt ăn, nhịn ăn để dành tiền mua nước ngọt xài”.
Nỗi khổ của gia đình ông Hùng cũng là của hàng trăm hộ dân Biển Bạch. “Lâu lâu tắm một lần thì còn nhịn được, chứ không có nước để nấu ăn, để uống thì làm sau chịu nổi! Nhà khá giả thì còn đỡ chứ những hộ nghèo phải 'nhín' tiền mua thức ăn ra để mua nước dùng. Điệp khúc này dù lặp đi lặp lại hàng chục năm rồi nhưng năm nay còn gay hơn” - bà Dương Thị Thại (ấp Trương Thoại, xã Biển Bạch) thở dài.
Gần đó, căn nhà nhỏ xíu của bà Trần Thị Sáu dường như bị che khuất bởi 5-6 cái lu đặt xung quanh. Nhìn trong lu, tôi không khỏi giật mình vì nước đục ngầu như dòng sông Trẹm trước nhà, vậy mà phải mua với giá 40.000 đồng/m3.
Bà Sáu cho biết nước chỉ dùng tắm giặt chứ không dám nấu ăn. “Mấy năm trước, người ta khoan 1 cây nước để cấp cho dân vùng này, dùng được hơn 1 năm thì hư. Rồi người ta lại xây cái mới, chưa được 1 tháng cũng hỏng, giờ bỏ không. Chúng tôi dùng hết nước mưa thì lại mua, giá đắt đỏ nhưng không phải cần là có ngay, phải đợi. Hôm trước, tôi phải đặt tiền cọc cho người ta rồi chờ mấy ngày nước mới chở đến” - bà Sáu nói.
Mấy năm trước, nhà ông Hai Công, bà Ba Dữ ở ấp 18, xã Biển Bạch may mắn khoan trúng mạch nước ngọt. Dân trong xóm mừng như mở hội rồi lần lượt kêu thợ khoan giếng về khoan. Bao nhiêu nhóm thợ khoan giếng đến vùng này nhưng đều chịu thua, ôm lỗ lã đi về, không hẹn ngày quay lại.
Kiếm bộn tiền nhờ buôn nước
Những ngày này, nhiều ghe chở nước ngọt chạy suốt ngày trên kênh Tiếp Nhựt để cung cấp cho người dân các xã Viên An, Viên Bình, Trung Bình… của huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng. Mỗi ghe chở trên chục phuy nước được bơm từ giếng ngầm, tùy theo đoạn đường vận chuyển mà giá bán cao thấp khác nhau nhưng nói chung là không hề rẻ.
Giá nước đắt đỏ, vậy mà các ghe buôn nước ngọt hoạt động hết công suất vẫn không đủ cung cấp cho người dân dọc theo bờ sông Trẹm. Ngay cả 2 hộ may mắn khoan được giếng ở Biển Bạch bây giờ cũng lâm vào cảnh không có nước ngọt sử dụng như bao người khác. Ông Hai Công tiếc nuối: “Hồi đó khoan được giếng tưởng đâu đã thoát cảnh thiếu nước triền miên. Thế nhưng, vì cả ấp cùng xài nên không bao lâu thì giếng hết nước ngọt, chỉ còn nước vừa chua vừa mặn, không xài được”.
Người buôn nước tên là Nguyễn Văn Đông ở xã Viên Bình cho biết, ông vốn không chuyên nghề này mà chỉ mới bắt đầu chở nước bán cho người dân quê mình gần 2 tháng nay nhưng thu nhập cao bất ngờ. “Sau Tết Nguyên đán, bà con hết nước sạch dự trữ. Thấy tôi có ghe lớn nên nhiều người bảo đi chở nước ngọt về chia lại cho họ sử dụng. Tôi đi tìm những nhà có giếng nước ngầm hỏi mua với giá 10.000 đồng/phuy loại 220 lít rồi bán lại với giá 30.000 đồng. Một ngày tôi chở được 2 chuyến nước, mỗi chuyến 15 phuy, trừ chi phí cũng kiếm được khoảng 500.000 đồng, khỏe hơn làm ruộng nhiều” - ông Đông khoe.
Gần nhà ông Đông có vợ chồng ông Huỳnh Văn Tâm (50 tuổi). Sau khi mua nước từ ông Đông, họ chịu khó gánh từng thùng bán tiếp cho các hộ dọc theo kênh Tiếp Nhựt những lúc hết nước bất chợt để kiếm lời.
Trong khi đó, do ảnh hưởng xâm nhập mặn và chưa có đường dẫn nước sạch đến nhà nên nhiều người dân ven biển thuộc ấp Mỹ Thanh, xã Vĩnh Hải, thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng phải đến nhà bà Võ Thị Nhung mua nước sạch về sử dụng. Hộ bà Nhung được đấu nối đường ống của trung tâm nước sạch với giá 4.800 đồng/m3. Bà bán lại cho mọi người giá hơn 33.000 đồng/m3!
Không chỉ buôn nước, những nghề ăn theo đợt hạn - mặn khốc liệt lần này cũng khấm khá. Anh Nguyễn Văn Theo - chủ một cơ sở làm lu chứa nước ở thị trấn Thứ 11, huyện An Minh, tỉnh Kiên Giang - cho biết mỗi năm, cơ sở anh nhận đặt hàng của người dân huyện Thới Bình và An Minh khoảng 1.500 lu. Mỗi chiếc lu có sức chứa khoảng 1.000 lít nước có giá 400.000 đồng. Trừ mọi chi phí, vật liệu, nhân công, hằng năm, anh Theo thu được cả trăm triệu đồng từ nghề này.
Năm sau mới có nước sạch
Theo ông Nguyễn Thành Dũng, Giám đốc Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Sóc Trăng, toàn tỉnh có 80 xã bị xâm nhập mặn. Hiện nay, khoảng 28.800 hộ với 140.000 người thiếu nước sạch. “Trung tâm đã có kế hoạch kéo thêm 28.000 m đường ống để đưa nước sạch đến các hộ dân nông thôn. Chúng tôi đang cho xe bồn chở nước sạch cấp miễn phí cho hộ nghèo ở huyện Trần Đề và thị xã Vĩnh Châu. Trung tâm cũng bán trả góp 4.000 máy lọc nước cho bà con 2 huyện Châu Thành và Mỹ Xuyên” - ông cho biết.
Còn tại tỉnh Cà Mau, trên 2.300 hộ dân đang sống trong tình trạng thiếu nước sinh hoạt, chủ yếu tập trung ở huyện Thới Bình. Ông Nguyễn Hạnh Phúc, Giám đốc Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Cà Mau, cho biết nếu kéo nước về phục vụ 2.000 hộ dân ở huyện Thới Bình thì sẽ mất khoảng 70-75 km đường ống dẫn. Dự án đã được UBND tỉnh đồng ý với chi phí 35 tỷ đồng (1 triệu USD vay của Ngân hàng Thế giới, còn lại là vốn đối ứng của tỉnh), đang chờ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn duyệt mới triển khai được. Nếu dự án được duyệt sớm thì mùa khô năm sau, người dân xã Biển Bạch sẽ có nước dùng.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh Cà Mau đã triển khai một số dự án nước sạch ở các huyện nhằm bảo đảm cho dân toàn tỉnh có nước sạch dùng trong mùa khô.
Mời quý độc giả xem video: