Trái ngược với cảnh tượng đông đúc, tấp nập vào mùa cuối năm như các năm trước đây thì năm nay nhiều chợ thời trang trở nên đìu hiu, thưa thớt người lui tới. Dù vải vóc, mẫu mã quần áo đa dạng đã nhập về từ khoảng 3 tháng nay nhưng các tiểu thương chỉ biết “than ngắn, thở dài” khi sức mua giảm sút rõ rệt.
Bấm điện thoại, tán gẫu hay thậm chí thuê người đến làm nail là những cách mà các tiểu thương tại chợ Phạm Văn Hai (quận Tân Bình) đang “giết” thời gian trong những ngày cuối năm.
Việc buôn bán ế ẩm tại chợ Phạm Văn Hai được mọi người thông tin đã xuất hiện từ thời điểm giữa năm. Các tiểu thương đánh giá khách bây giờ “khó tính” hơn trước, đa số hay so sánh với mức giá mua online trong khi mặt hàng, chất lượng mỗi nơi mỗi khác.
Thậm chí nhiều sạp tận 3-4 ngày vẫn không thể bán mở hàng
Nhiều người nhận định do ảnh hưởng tình hình kinh tế khó khăn, xu hướng mua hàng online thịnh hành nên người dân đã không còn "mặn mà" khi đến chợ để mua sắm.
Dù nhận thức rõ việc mua sắm online đang là xu hướng, thế nhưng nhiều tiểu thương cho biết họ đã quen với cách bán truyền thống hàng chục năm nay, khả năng tiếp cận công nghệ cũng hạn chế nên vẫn chưa thể bắt nhịp theo.
Chị Thu Cúc, tiểu thương kinh doanh 20 năm tại chợ Phạm Văn Hai cho biết: “Năm trước sức mua đã giảm nhưng vẫn có khách ghé lai rai, năm nay khung cảnh vắng lặng đến mức chưa từng có”.
“Dù mẫu mã nhập về rất nhiều nhưng ngóng khách để chào hàng còn không có, đừng nói gì đến việc khách mua. Dạo trước một ngày doanh thu đạt vài triệu đồng, riêng năm nay chỉ mong vài trăm nghìn cũng đã khó”, chị Cúc thở dài.
Tình trạng ế ẩm kéo dài suốt nhiều tháng nay nên chị Hiệp (tiểu thương) cũng chỉ biết cười cho gắng gượng qua những ngày cuối năm. Chị cho biết: ‘Hàng chục năm đã quen với việc bán buôn ở chợ nên mỗi ngày dù không có khách vẫn ra sạp soạn đồ như một thói quen. Với tình thế này không biết phải làm sao để duy trì, xoay sở cuộc sống.”
Tại một sạp ngay đầu chợ Phạm Văn Hai chuyên trang phục để đi lễ tết, đi chùa, chị Khuyên cho biết có những hôm cả ngày chỉ bán được một bộ. “Giới trẻ bây giờ chỉ chuộng mua sắm qua mạng xã hội nên vào năm sau tôi sẽ tập tành livestream bán online, hy vọng tình hình khả quan hơn”, chị Khuyên chia sẻ.
Cả năm buôn bán ế ẩm, lượng hàng tồn kho nhiều khiến tiểu thương tại các chợ thời trang cũng không dám nhập thêm hàng mới.
“Ế chưa từng có” cũng là câu trả lời chung của nhiều tiểu thương buôn bán tại chợ thời trang sỉ như chợ An Đông (quận 5 ), chợ Tân Bình (quận Tân Bình).
Khi các sạp bán lẻ không có đầu ra thì những quầy sỉ cũng chỉ biết chờ đợi. “Khách ghé đến chủ yếu là khách mối quen lâu năm, còn lượng khách mới thì rất ít”, một tiểu thương chợ Tân Bình cho biết.
Mùa tết trước còn thuê nhân công phụ việc buôn bán tấp nập, không có thời gian để nghỉ ngơi thì mùa tết này nhiều tiểu thương đã phải cắt giảm mọi chi phí, thậm chí khi không cầm cự được đành sang sạp.
Nhiều kiot trong chợ đã trả mặt bằng từ nhiều tháng nay nhưng vẫn chưa tìm được người thuê mới, mặc dù giá thuê tại các khu chợ thời trang chỉ vài trăm nghìn đồng.