Sau khi chào đón thời khắc chuyển giao sang năm Quý Mão 2023, người dân có xu hướng tham gia các hoạt động du xuân xuyên suốt dịp nghỉ lễ. Đây cũng là Tết Nguyên đán đầu tiên cả nước không phải chịu quá nhiều ảnh hưởng từ dịch bệnh như những năm trước.
Ngay từ mùng 1 (ngày 22/1), một số cơ sở cung cấp dịch vụ F&B đã rục rịch mở cửa đón khách. Trước nhu cầu vui chơi, gặp mặt đầu năm của người dân tăng cao, hầu hết nhà hàng, quán cà phê nằm tại khu vực trung tâm Hà Nội đều rơi vào tình trạng quá tải.
Quá tải
Doanh số bán hàng dịp Tết luôn được dự báo cao gấp nhiều lần ngày thường. Không khó để bắt gặp tình cảnh nhà hàng, quán cà phê bố trí bàn ghế hay xếp xe tràn lan khắp vỉa hè. Đó cũng là lý do tại sao ngay từ sớm, các nhà hàng, quán cà phê đã bắt tay tuyển dụng thêm lao động thời vụ làm việc xuyên Tết.
Theo Hồng Sơn - chủ một quán cà phê trên phố Nguyễn Hữu Huân - nếu không bổ sung lực lượng sớm, các cửa hàng sẽ rất khó tìm được lao động tốt, chất lượng. Điều này ít nhiều ảnh hưởng đến trải nghiệm của khách hàng lẫn doanh thu của cửa hàng.
“Từ đầu tháng 1 tôi đã bắt đầu tuyển nhân viên pha chế và phục vụ bàn có khả năng đi làm luôn và làm xuyên Tết. Vị trí pha chế là tìm mất thời gian nhất vì đòi hỏi người có kinh nghiệm trong khi thời gian hướng dẫn phục vụ bàn nhanh hơn nhiều”, chủ cửa hàng này chia sẻ.
|
Nhu cầu đi chơi, giải trí của người dân tăng cao dịp Tết. Ảnh: Minh Khánh.
|
Ngoài ra, quán cũng phải bổ sung thêm một tạp vụ phụ trách khâu vệ sinh, phụ giúp rửa cốc chén cho quầy pha chế. Trước đó, công việc này chủ yếu do nhân viên chạy bàn đảm nhiệm.
“Những ngày Tết là thời điểm vất vả nhất. Chúng tôi mở cửa từ 6h30 và hoạt động đến tận đêm. Bên cạnh các nhân viên cũ, chúng tôi đã kịp bổ sung 2 pha chế và 3 phục vụ bàn thời vụ. Mức lương Tết dao động 500.000-800.000 đồng/ngày tùy từng vị trí và ca làm”, anh Sơn nói thêm.
Mặt khác, một số cơ sở kinh doanh đến mùng 2-4 vẫn ráo riết tìm nhân viên do không lường trước được nhu cầu lớn từ người dân. Đây đa phần là những vị trí “chữa cháy”, không cần nhiều kinh nghiệm như phụ bếp, tạp vụ, phục vụ bàn hay bảo vệ.
Đức Thịnh - chủ một quán ăn tại phố Phùng Hưng - mới đây cũng phải đăng bài tuyển gấp nhân viên bưng bê. Do hạn chế nhân viên và nguyên liệu, doanh thu của cửa hàng chỉ cao hơn 2 lần ngày thường.
“Khách đến đông, ngồi đợi lâu nên phàn nàn rất nhiều. Chúng tôi đành tìm gấp một bạn làm từ mùng 3-9 tháng Giêng, lương 500.000 đồng/ngày và bao ăn ở”, anh cho biết.
Đại diện một cửa hàng đồ uống trên phố Lý Thường Kiệt cũng bố trí gấp một nhân viên bảo vệ do nhu cầu trông xe của khách quá cao. Tuy nhiên, do không liên hệ được với các công ty bảo vệ, vị này phải đăng tin tuyển dụng trên hội nhóm mạng xã hội.
Nhìn chung, mức lương được các cơ sở kinh doanh đưa ra đều gấp 2,5-4 lần ngày thường, phổ biến nhất là 50.000-60.000 đồng/giờ. Ngoài ra nhân viên có thể được nhận thêm phụ cấp như chỗ ở, thưởng doanh thu, kết quả làm việc…
Cung - cầu dồi dào
Trên thực tế, nguồn cung lao động thời vụ dịp Tết không hề nhỏ, đặc biệt với công việc phổ thông. Tại các hội nhóm mạng xã hội, hộ kinh doanh có thể dễ dàng tìm nhân lực thông qua các bài viết tuyển dụng.
Bản thân nhiều lao động cũng chủ động đăng tin tìm việc làm xuyên Tết bất chấp công việc.
Song, xu hướng này cũng khiến tình trạng lừa đảo người lao động nở rộ. Theo một số lao động, thủ đoạn của các đơn vị lừa đảo tuyển dụng là giả làm trung gian, đưa mức đãi ngộ hấp dẫn và yêu cầu nạn nhân cọc tiền để làm hồ sơ.
|
Nhu cầu tuyển dụng lao động phổ thông trong ngành F&B không suy giảm. Ảnh: Thụy Trang.
|
Chia sẻ với Zing, bà Trần Minh Ngọc - Giám đốc nền tảng Vieclamtot - cho biết nhóm ngành sáng nhất vẫn tăng trưởng tuyển dụng trong các tháng cuối năm là nhân viên phục vụ thuộc ngành F&B. Trong quý IV/2022, nhu cầu tuyển dụng nhóm này tăng 10% so với quý III và cùng mức tăng so với cùng kỳ năm trước.
Ngành này được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng nhu cầu tuyển dụng trong quý I năm nay, đặc biệt là các công việc như nhân viên bếp, pha chế, nhân viên bán hàng, thu ngân, kế toán, bảo vệ do xu hướng mở rộng hoạt động kinh doanh của khối F&B, giải trí, bán lẻ trong dịp lễ này.
Thông thường, người lao động phổ thông sẽ quan tâm nhất đến yếu tố loại công việc (nhân viên phục vụ, bán hàng, tạp vụ…), nơi làm việc, mức lương và danh tiếng công ty khi lựa chọn công việc
Bà Trần Minh Ngọc, Giám đốc nền tảng Vieclamtot
Đối với công việc thời vụ dịp Tết, hai yếu tố mức lương và nơi làm việc được ưu tiên hơn hết. Mức lương và phụ cấp làm việc ngày lễ Tết sẽ cao hơn ngày thường 3-4 lần.
Về địa điểm làm việc, giai đoạn này thường cần làm theo ca không ổn định, sẽ ảnh hưởng đến chi phí và thời gian đi lại của người lao động, nhất là với những người lao động làm nhiều việc một lúc.
Ngoài ra, trong thời điểm này, thời gian làm việc (hoặc ca làm việc) và cơ hội làm việc lâu dài sau Tết cũng sẽ là thông tin mà người lao động sẽ quan tâm cân nhắc khi lựa chọn công việc.