Video một nhà hàng chặt chém ở Trung Quốc. (Nguồn: VTV)
Cách đây vài giờ, trên fanpage Những hàng quán không nên đến ở Việt Nam, facebooker Nguyen Thi Thao có chia sẻ bức ảnh chụp lại tờ hóa đơn tính tiền bữa cơm cho hai người ăn với dòng chia sẻ “Bà chị vào ăn cơm bụi ở quán này. Hai người ăn bữa cơm đắng ngắt các mẹ ạ”.
|
Bữa cơm trưa dành cho hai người ăn giá 1,5 triệu đồng gây tranh cãi. |
Nhanh chóng bức ảnh được các mạng xã hội lan truyền rộng rãi và gây ra những luồng tranh cãi nhiều chiều từ cộng đồng mạng, đa phần là bình luận về giá cả của những món ăn có trong nhà hàng.
Trước những ý kiến đang gây tranh cãi của dư luận, PV Báo Người Đưa Tin đã đến làm việc trực tiếp với nhà hàng ABUNADH, 13 Lý Thường Kiệt, Hà Nội – nơi thực khách phàn nàn bữa cơm trưa giá 1,5 triệu đồng.
|
Nhà hàng có thiết kế khá sang trọng. |
Tại đây, anh Trường Anh – Quản lý của nhà hàng cho biết: “Xã hội hiện đại phát triển thì mạng xã hội cũng phát triển theo, ở đó mọi người thỏa sức bộc lộ quan điểm cá nhân, không cần biết là đúng hay sai.
Tuy nhiên, -vấn đề ở đây là mọi việc đã được hiểu sai ngay từ đầu, từ cách đặt vấn đề - “Cơm bụi hạng sang trong nhà hàng”. Nếu là cơm bụi thì phải ra ga tàu, bệnh viện ,bến xe,ngoài vỉa hè... còn nếu đã vào nhà hàng thì nó là món ăn, là chất lượng phục vụ, là không gian văn hoá… là sự kết tinh của rất nhiều yếu tố”.
|
Quản lý nhà hàng anh Trường Anh trao đổi với PV. |
Khi được hỏi về những món ăn được đề cập tới trong hóa đơn đang gây xôn xao dư luận, bếp trưởng của nhà hàng cho hay: “Chúng tôi đang cố gắng xây dựng một vị thế mới cho ẩm thực truyền thống, dù vẫn biết là không dễ để có được sự đồng cảm số đông khách hàng.
Mọi người thường nghĩ món ăn thuần Việt là đơn giản, rẻ tiền, thậm chí những món ăn Việt được bạn bè quốc tế biết đến vẫn chỉ là phở, bánh mỳ, bún chả... Trong khi chúng ta có hàng bao món ăn tinh tế, đậm nét truyền thống được kế thừa từ bao thế, những món ăn mang cái hay, cái đẹp, cái tinh thần, cái cốt cách nhân văn của người Việt Nam thì lại bị đánh đồng với những sản phẩm dễ dãi ngoài đường, ngoài chợ.
Nói ví dụ như món giò tai - đây là món ăn gia đình nào cũng làm được. Nhưng làm thế nào để có một miếng giò tai đúng với hương vị truyền thống thì đầu bếp dù được đào tạo bài bản đến đâu cũng rất khó để làm đúng, mà phải là người có bề dầy trải nghiệm.
Thường là các bà, các mẹ, hay nếu là đầu bếp thì phải là người say nghề, phải là người nặng lòng với ẩm thực truyền thống mới đủ sự kiên nhẫn, tỉ mỉ trong từng khâu chế biến: Nước mắm phải ngon,thường là mắm chắt (một loại mắm cốt rất mặn dùng để kho nấu), tiêu phải là tiêu đen chọn kỹ, đập dập để thơm, tiêu sọ xay nhỏ để cay, nấm hương, mộc nhĩ không thể tùy tiện dùng loại rẻ tiền, để lâu mất mùi, mất vị, chưa kể đến nguyên liệu chính là thịt lợn -thit lợn siêu nạc không bao giờ mang lại hương vị truyền thống, dù gia vị và kỹ thuật làm tốt đến mức nào.
Thịt lợn mường, lợn mán ngon cũng không làm được (vì cứng và khô). Loại thịt chuẩn nhất thường là lợn ỉ mỡ, thời gian nuôi dài ngày, lại nhiều mỡ, không đủ giá trị kinh tế nên giờ chỉ còn ít nơi nuôi. Phần thịt để làm giò tai thường là thịt thủ,thịt gáy.
Như vậy là một con lợn ngon cũng chỉ bó được một cây giò. Tất nhiên phần còn lại để làm món khác, nhưng nói ra như thế để mọi người có thể hình dung được tại sao một sản phẩm bày la liệt ngoài chợ lại trở thành khó kiếm, khó tìm.
Một món ăn có thể nhắm mắt cũng làm được, mà có thể dù rất sẵn nhân lực kỹ thuật và hàng hóa như ở nhà hàng cũng trở nên cầu kỳ, khó tính. Người đầu bếp ngoài tay nghề, ngoài kỹ năng còn cần cái tâm để làm việc khó thay vì làm việc dễ”.
Vị bếp trưởng này cho biết thêm: “Giá trị của một món ăn cũng như giá trị một tác phẩm nghệ thuật, ngoài cái ngon, cái đẹp thì giá trị của nó còn phụ thuộc vào là văn hóa, cảm xúc, khả năng cảm nhận và trình độ thưởng thức của người ăn.
Ẩm thực Việt Nam khó ngay tại đất nước mình, vì chính người tiêu dùng chúng ta thường bó hẹp nhận thức ở con gà, mớ rau giá bao nhiêu, trong khi vẫn món ăn đó, khi được cộng thêm các giá trị gia tăng, cùng với sự trân trọng đúng mức của người dùng, thì nó sẽ mang một giá trị cộng hưởng mới, lớn hơn ý nghĩa hơn”.
|
Phòng khách mà khách hàng ăn bữa trưa có giá 1,5 triệu đồng ngày 8/12 ngồi ăn. |
Nói về đĩa rau 200 ngàn trong hóa đơn quản lý nhà hàng cho rằng "Nếu chúng tôi bán rẻ tức là đang coi thường khách hàng. Bởi vì những người vào ăn thường là những người có rất nhiều trải nghiệm, khách đều là những người lớn tuổi, người ta biết phải đến đâu mới có được loại rau này".
Anh Trường Anh cho biết thêm: "Giá tiền trên hóa đơn của món rau đó không mang lại lợi nhuận cao cho nhà hàng. Nhưng lại thể hiện được giá trị thực sự của nó khi được cộng thêm các giá trị gia tăng, cùng với không gian, kỹ thuật chế biến, chất lượng phục vụ, địa thế và thương hiệu của nhà hàng. Đây cũng chính là sự tôn trọng lựa chọn của khách hàng khi họ đã tin dùng một sản phẩm "đắt giá" chứ không phải "bình dân" hay "rẻ tiền" như phần đông mọi người suy nghĩ".
Sau sự việc gây ồn ào, anh Trường Anh cho hay mình bị “khủng bố” nhiều cuộc điện thoại của khách hàng, thậm chí bị “dựng dậy” lúc nửa đêm và anh cảm thấy khá phiền phức.
Đây là sự việc không ai mong muốn nhưng khó tránh khỏi khi làm hàng, người quản lý nhà hàng cũng bày tỏ mong muốn mỗi thực khách khi quyết định lựa chọn thưởng thức món ăn thì cần tìm hiểu cho rõ tránh khi ra khỏi nhà hàng thì lại đăng tải trên mạng xã hội gây mệt mỏi cho cả hai bên.