“Voi chín ngà, gà chín cựa, ngựa chín hồng mao”, là những món lễ vật được kể đến trong truyền thuyết Sơn Tinh – Thuỷ Tinh được lưu truyền trong dân gian. Nhưng loại gà chín cựa tưởng chỉ có trong truyền thuyết này lại có thật và trở thành loại gà được nhiều người lùng mua mỗi dịp Tết đến.
Gà chín cựa được nhiều người lùng mua để biếu Tết. (Ảnh: Võ Văn Đức).
Anh Nguyễn Văn Quyết, trú tại Bắc Từ Liêm (Hà Nội) cho biết, quê anh ở Phú Thọ, nổi tiếng có loại gà chín cựa đặc sản. Vì vậy, cứ gần Tết, vợ chồng anh lại “đánh xe” về tận huyện Tân Sơn để tìm mua bằng được gà chín cựa để biếu đối tác và anh em, họ hàng tại Hà Nội.
“Trước đây, tôi thường biếu bia, rượu, giỏ quà nhưng nhận thấy mọi người rất thích các đặc sản quê hương nên chuyển sang biếu gà. Mỗi con gà cũng khoảng 1 triệu đồng nhưng lại mang nhiều ý nghĩa ngày Tết”, anh Quyết nói.
Gà chín cựa có bộ chân nhiều cựa, màu vàng rộm. (Ảnh: Võ Văn Đức).
Theo anh Quyết, giá gà chín cựa có nhiều mức, dựa vào hình dáng, màu lông, số cựa mà giá cũng khác nhau. Muốn mua được gà đẹp để đi biếu, anh phải đặt người dân trong bản từ đầu năm.
“Loại gà 3-5 cựa giá chỉ từ 250-350 nghìn đồng/kg nhưng loại gà 6-8 cựa thì phải trên 500 nghìn đồng/kg. Đặc biệt những con gà có đủ 9 cựa thì cực hiếm, có tiền cũng không mua được”, anh Quyết nói.
Loại gà này có bộ mào to và đỏ như máu. (Ảnh: Võ Văn Đức).
Sở hữu trang trại nuôi gà chín cựa rộng 1 ha với 1.500 con gà chín cựa thuần chủng, anh Võ Văn Đức, trú tại xã Tân Phú, huyện Tân Sơn (Phú Thọ) cho biết, đến thời điểm này hầu như anh đã chốt sổ, không còn gà để bán.
Không chỉ là loại gà nhiều cựa nhất Việt Nam, gà chín cựa còn có bộ lông và chiếc mào rất đẹp. (Ảnh: Võ Văn Đức).
“Năm ngoái, giá gà chín cựa thương phẩm chỉ khoảng 250 nghìn đồng/kg nhưng năm nay dịch bệnh lại tăng lên 300-350 nghìn đồng/kg vì dân họ lo ngại dịch bệnh nên nuôi ít đi, trong khi nhu cầu mua gà biếu lại tăng lên”, anh Đức nói.
Dựa vào tướng mạo và số cựa trên chân mà con gà được định giá cao hay thấp. (Ảnh: Võ Văn Đức).
Với những con gà 5 cựa, anh Đức bán thương phẩm với giá 300-350 nghìn đồng/kg nhưng những con có 6 hoặc 8 cựa, nặng từ 2-4kg sẽ có giá từ 500-600 nghìn đồng/kg. Riêng loại gà có 9 cựa có giá từ 10-30 triệu đồng/con, giá cao nhưng số lượng lại hiếm, có khi phải đặt trước cả năm mới có.
Gà chín cựa với cặp chân to, cựa sắc, nhọn. (Ảnh: Võ Văn Đức).
Theo anh Đức, gà chín cựa có nguồn gốc là gà rừng nên chúng bay và chạy rất khoẻ. Chân của chúng mọc ra từng hàng cựa mỗi bên với độ dài ngắn khác nhau. Đặc biệt, cựa trên cùng hoàn toàn chỉ là sừng, cong vút như lưỡi câu hay nanh lợn rừng.
Một số con gà có 6 cựa (lộc) và 8 cựa (phát) sẽ có giá từ 500-600 nghìn đồng/kg.
“Những con gà trống thường có tướng mạo hùng dũng và bộ lông ngũ sắc với gốc lông màu đen, ngọn lông và mép lông có màu đỏ hoặc vàng, đuôi cong vút như cầu vồng. Mào nhô cao, đỏ chót như máu, mắt sáng tinh anh, cựa màu vàng, tiếng gáy vang xa”, anh Đức nói.
Một số con gà chín cựa có màu đột biến sẽ có giá lên tới hàng chục triệu đồng. (Ảnh: Võ Văn Đức).
Ngoài màu lông đẹp, nhiều cựa, thịt gà chín cựa cũng rất chắc, ngọt và thơm. Vì vậy, gà chín cựa từ xa xưa đã được dùng làm lễ vật đặc biệt trong những dịp trọng đại của người Mường Tân Sơn dâng lên tổ tiên để cầu mong cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Đây cũng được gọi là vua của các loại gà vì theo truyền thuyết, gà chín cựa được cung tiến lên Vua Hùng mỗi dịp giỗ Tổ.