Người mua đứt nhà nhờ ra làm chủ, người lại phải giảm chi tiêu

Google News

Làm sao để kiểm soát tài chính khi vừa mua nhà vừa kinh doanh?

Câu chuyện làm sao để tách biệt dòng vốn khi kinh doanh cũng như số tiền chi tiêu riêng luôn là bài toán tài chính phức tạp. Có người nhờ kinh doanh thành công mà mua đứt cả căn nhà không cần vay nợ, cũng có người vừa mở quán cà phê vừa vay nợ mua nhà nên đã phải thay đổi thói quen chi tiêu rất nhiều.
Nguoi mua dut nha nho ra lam chu, nguoi lai phai giam chi tieu
 
Mua đứt nhà nhờ khởi nghiệp thành công
Lê Trường Anh (26 tuổi, Hà Nội) đã mua căn nhà đầu tiên vào năm 2021 để tặng mẹ. Ngôi nhà gồm 3 phòng ngủ, phòng khách và phòng bếp. Vì đây là căn góc nên đón được rất nhiều ánh sáng tự nhiên. Được biết anh chàng đã mua đứt không cần vay nợ.
Đây là thành quả dài sau một thời gian nỗ lực làm việc của Trường Anh. Cậu bạn đã bắt đầu kiếm tiền từ năm lớp 10. Trải qua rất nhiều ngành nghề từ đi làm thuê cho đến tự làm chủ, làm sản phẩm thương hiệu của riêng mình.
“Cho đến năm thứ hai đại học, có duyên mình biết đến những công việc có khả năng kiếm tiền rất tốt. Mình bắt đầu đi theo con đường đấy, góp vốn đầu tư kinh doanh. Có thời điểm mình kiếm được khá nhiều tiền. Nhưng vì còn trẻ, kinh nghiệm cũng chưa nhiều, thất bại là điều không thể tránh khỏi, mình bắt đầu áp lực và nghi ngờ bản thân, liệu rằng có phải mình kém cỏi hay không”.
Trường Anh chia sẻ rằng nhờ có mẹ ở bên động viên, an ủi, anh chàng bắt đầu ngồi lại, bình tĩnh phân tích những quyết định trong đầu tư và kinh doanh, xem rốt cuộc vấn đề nằm ở đâu. Sau đó, Trường Anh nắm bắt được những cơ hội mới, áp dụng những kỹ năng được chuẩn bị kỹ càng trước đó và đạt được những thành công nhất định.
Cũng giống như Trường Anh, Trần Phú, hiện là một kỹ sư và sở hữu một công ty xây dựng đã mua đứt nhà 2 tỷ sau 3 năm khởi nghiệp. Anh chàng mua căn nhà này vào tháng 8/2022, diện tích 75m2, công năng gồm 2 phòng ngủ, 1 khách, 1 bếp và 2 vệ sinh.
Trước đây, Trần Phú có cuộc sống tài chính khá khó khăn khi gia đình từng lâm vào cảnh nợ nần, thấy được sự vất vả đó của ba mẹ khiến anh chàng càng quyết tâm phải nỗ lực hơn. Trần Phú từng làm thuê ở TP Hồ Chí Minh, nhưng vì ba mẹ đã lớn tuổi nên quyết định chuyển về Nha Trang và khởi nghiệp.
“Bắt đầu với việc gọi vốn, mình tính bán miếng đất ở quê nhà trước, nhưng chẳng may lại dính vào đất nông nghiệp nên không làm được gì. Sau đó, nhận được sự giúp đỡ từ người bạn, mình may mắn vay được 200 triệu để mở xưởng. Riêng khoản máy móc đã tiêu tốn 160 triệu đầu tư, còn 40 triệu còn lại mình mua đồ về tự làm. Trải qua chặng đường dài tự thân đó, mình cảm thấy bản thân đã vượt qua những điều không tưởng. Có người bảo khởi nghiệp cực kỳ khó, nhưng bên cạnh đó còn là sự cô độc. Không có bạn đồng hành, cũng không có ai sau lưng mỗi khi vấp ngã, chỉ được bước tiếp mà không thể dừng lại”.
Sau 3 năm dài đằng đẵng, anh chàng đã có những thành quả đầu tiên, giúp đỡ được bố mẹ và tự tay mua một căn nhà. “Hoàn thành được những mục tiêu đầu tiên giúp mình có động lực hơn trong cuộc sống. Có được căn nhà mơ ước của mình rồi, bây giờ chỉ cần chăm chỉ làm việc, tiết kiệm và học cách đầu tư cho tương lai. 26 tuổi bước chân ra làm riêng, dù có khó khăn, thất bại, thì ít ra cũng đã được sống hết mình vì đam mê!”
Đau đầu khi vừa mở tiệm cà phê vừa vay nợ mua nhà
Thu Phương, 29 tuổi, hiện đang kinh doanh cà phê, đã mua căn hộ đầu tiên 56m2 vào năm 2022 ở Gia Lâm, Hà Nội. “Nhà của mình, giá mua từ chủ đầu tư là 1 tỷ 950 triệu, nhưng mình lựa chọn mua căn cắt lỗ rẻ hơn 300 triệu. Bên cạnh đó, gia đình mình vay ngân hàng 70% giá trị căn nhà theo hình thức trả góp trong 7 năm”.
Được biết cùng thời điểm mua nhà và hoàn thiện nội thất, Thu Phương cũng dồn một khoản vốn khá nhiều để mở tiệm cà phê mới. Do vậy, gần như phải dùng hết số tiền tích góp, đồng thời vay mượn khá nhiều. Khoảng thời gian đó khá áp lực với vợ chồng cô.
Bây giờ sau 1 tháng mua nhà, Thu Phương cùng chồng vẫn đang cố gắng để trả những khoản vay từ bạn bè, hay tất toán thẻ tín dụng kịp thời hạn. Vì vậy, chi tiêu cũng bị thắt chặt hơn rất nhiều. Trước kia, có những tháng vợ chồng cô mua sắm chi tiêu đến mấy chục triệu gần như không vì một mục đích cụ thể, chỉ đơn giản thích là cho sở thích. Vợ chồng cô cũng không có sổ tiết kiệm, hay mua bảo hiểm tự nguyện.
“Còn bây giờ mọi thứ đều phải tính toán và suy nghĩ hơn, mình chuyển qua mua sắm chủ yếu là đồ gia dụng thật sự cần thiết cho gia đình, đi siêu thị 1 tuần 1-2 lần đủ dùng cho cả tuần. Hạn chế mua sắm quần áo hay đồ mỹ phẩm thuộc sở thích cá nhân mà chỉ tập trung chăm sóc cho ngôi nhà mới. Ngoại trừ việc đầu tư cho bạn nhỏ được học một ngôi trường mới tốt hơn thì mọi thứ đều bị cắt giảm một cách tối đa nhất”.
Theo Tô Diệp/Phụ nữ Việt Nam

>> xem thêm

Bình luận(0)