Sát mép nước, một người đàn ông nhỏ thó với chiếc cào trên tay vẫn nhẫn nại làm việc. Những đợt sóng lớn đổ ập vào bờ không làm ông nao núng...
Nghỉ làm vài ngày là bệnh
Ông vẫn cào. Tay ông cầm cán cào thật chặt. Một sợi dây quàng qua thắt lưng nối với lồng cào giúp ông đứng vững. Ông lướt nhanh trên nền cát. Chiếc đụt dài khoảng 2m bằng lưới đã nặng trĩu không làm ông chậm bước...
Chúng tôi đến gần ông. Một người đàn ông đứng tuổi, không cao. Nước da ông đen sạm nắng. Chiếc nón rộng vành sụp xuống che một phần khuôn mặt, không che được những nét rắn rỏi và cương nghị. Chiếc áo trên người ông đã sờn.
|
Ông Ngô Văn Sơn. |
Một cơn sóng ập vào. Ông ngừng cào, cúi xuống nâng cao chiếc đụt để giũ sạch cát. Bên trong, những sản phẩm ông thu nhặt cũng đã nhiều. Cứ thế và cứ thế. Động tác của ông thuần thục và nhuần nhuyễn. Những hạt mưa đã bắt đầu rơi xuống. Trên bãi biển chỉ còn mình ông và chúng tôi.
'Sao anh không nghỉ? Trời mưa rồi'. Ông nhìn chúng tôi nở nụ cười thân thiện: 'Nghỉ sao được anh. Chưa đủ sản lượng một ngày. Mưa thì mặc mưa'.
Thì ra là vậy. Dù mưa dù nắng, thủy triều cao thấp cũng không làm ông chùn bước. Cuộc mưu sinh có phần vất vả nhưng là niềm vui của ông.
Mưa nặng hạt. Có chỗ nào để trú mưa đâu nên chúng tôi đã cùng ông vui trọn cuộc vui. 'Sao anh không tìm chỗ trú mưa? Ướt hết lạnh lắm', ông nói.
'Anh làm cả đời không lạnh thì tui một bữa đâu có sao', nói với ông như thế nhưng những cơn gió biển thổi qua cũng làm cho chúng tôi se lại.
|
Sóng lớn, ông Sơn mới chịu nghỉ tay. |
Câu chuyện mở dần. Ông là Ngô Văn Sơn, 60 tuổi nhà ở xã Phước Bửu, huyện Xuyên Mộc, cách bãi biển này không xa. Vợ ông công tác tại địa phương. Ông có 3 người con, có đủ cháu nội ngoại. Cuộc sống ông không khó khăn nhưng ông vẫn làm vì 'ở nhà chịu không nổi'.
Ông kể cho chúng tôi nghe về gia đình ông. Những đứa con ông, đứa nào cũng được ông cắt cho một mảnh đất để xây nhà ở cạnh bên ông. 'Tui không muốn tụi nó ở xa khó quản lý lắm. Ở gần cha con, ông cháu hủ hỉ với nhau vui hơn anh à...', người đàn ông nói.
Các con ông đều có công ăn việc làm ổn định. Ông không phải lo cho chúng và ngược lại chúng chỉ mong ông nghỉ ngơi nhưng ông nhất định phải đi làm. 'Mình là người quen lao động từ nhỏ giờ ở nhà nó mụ người ra. Tui mà nghỉ làm vài ngày là bệnh ngay', ông trải lòng với chúng tôi.
Mưa vẫn rơi. Chúng tôi và ông vẫn vừa làm vừa trò chuyện. Ông kéo cào, chúng tôi đi theo. Những câu chuyện vui buồn của một đời người được ông giãi bày một cách chân thật, không e dè khép nép.
Những con chằn chằn và mái ấm gia đình
'Chiếc đụt đã đầy. Thôi mình lên trên kia đi anh', ông Sơn chỉ về phía xa nói với chúng tôi. Ông cuốn đụt. Phần sản phẩm thu được, ông quấn lại vác trên vai. Tay ông cầm cào tiến về phía xa, nơi chiếc xe gắn máy đang dựng.
|
Thêm một bao với một bao có sẵn trên xe, hôm nay ông sẽ có thu nhập khoảng 1 triệu đồng. |
Trên xe, một bao tải đã đầy. Đến bây giờ chúng tôi mới rõ. Sản phẩm ông thu được có tên gọi là con chằn chằn. Chúng tôi bốc một nắm lên xem. Thì ra, đó là những vỏ sò vỏ ốc đã vỡ kèm theo một ít nghêu nhỏ.
Ông Sơn cho biết, hiện tại trên biển Hồ Tràm này có hơn một trăm người làm nghề cào chằn chằn. Những con chằn chằn này là thức ăn không thể thiếu cho nhưng cơ sở nuôi tôm hùm.
|
Ông Sơn với chiếc cào sắt và lưới đụt. |
Mỗi ngày, mỗi người phải cào cho bằng được từ một bao rưỡi đến 2 bao. Chằn chằn thu được đem về bán ngay cho đại lý với giá 500.000đ/bao. Các đại lý thu mua xong dồn lại chở ra các vùng biển miền trung để bán cho những hộ nuôi tôm hùm.
Mua chằn chằn về, những hộ nuôi tôm sẽ cho xay nhuyễn rồi trộn với thức ăn cho tôm ăn. Tôm hùm mà thiếu chằn chằn là thiếu khá nhiều canxi sẽ rất khó khăn trong quá trình tạo vỏ cho tôm.
Nhiều năm sống bằng nghề này, ông Sơn rất thoải mái. Công việc không khó mà thu nhập không ít.
Tâm sự với chúng tôi, ông nói: 'Mình già rồi, cần hoạt động cơ thể mới khỏe mạnh được. Nghề cào chằn chằn này không phải ra xa nên không nguy hiểm. Mưa nắng hay nước biển cao thấp không ảnh hưởng đến công việc. Mỗi ngày cứ từ 9h sáng tui cào tới 4h chiều. Buổi trưa, nghỉ một chút để ăn cơm mang theo. Cứ thế mà hết năm này sang năm khác tôi chưa có một ngày bệnh nào.
|
Miệt mài lao động. |
Điều quan trọng nhất là mình có thu nhập, đủ cả 2 vợ chồng sinh sống không phải nhờ vả vào con cái. Các con cũng đỡ phải gánh nặng lo cho cha mẹ. Thỉnh thoảng, có ma chay cưới hỏi, mình không phải đắn đo do dự. Anh thấy như vậy có phải tốt hơn không?'.
Chúng tôi chào ông ra về. Mưa cũng đã bớt. Ông cũng lên xe. Trên đường về, chúng tôi hình dung đến một gia đình thật hạnh phúc mà ông Sơn có được. Cũng mong các bậc sinh thành cũng như con cái, ai cũng nghĩ được như gia đình ông Sơn thì hay biết mấy.