Tại Hội nghị Kinh tế học mở rộng 2017 do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) tổ chức ngày 22.9, nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan đã chia sẻ một số câu chuyện về kinh tế Việt Nam trước và sau thời kì đổi mới.
|
Sau hơn 30 năm đổi mới, đời sống người dân đã được cải thiện nhưng vẫn còn một bộ phận người nghèo. |
Một chiếc xe đạp chỉ đổi được 10 quả trứng
Cuộc khủng hoảng kinh tế thứ nhất tiềm ẩn từ cuối thập kỷ 70, bùng phát trong thập kỷ 80, kéo dài đến đầu thập kỷ 90 của thế kỷ XX. Tăng trưởng kinh tế thấp, có những năm tăng trưởng âm. Bình quân giai đoạn 1977 - 1980, GDP chỉ tăng 0,4%/năm.
Lạm phát phi mã và kéo dài từ cuối những năm 70, đầu những năm 80 khi chênh lệch giữa giá trong và ngoài ngày một lớn khiến siêu lạm phát xuất hiện, lên tới 784% vào năm 1986. Con số lạm phát giữ ở mức 3, rồi 2 chữ số cho đến đầu thập kỷ 90.
|
Trong thời kì bao cấp, có thời điểm tỉ lệ lạm phát lên gần 800%. |
Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan kể lại: “Giai đoạn còn bao cấp, kinh tế đất nước rất khó khăn. Biểu hiện rõ nhất là tình trạng lạm phát. Năm 1986, chỉ số lạm phát là 784%/năm. Trong thời gian học tập, hai vợ chồng tôi tích lũy được một số tiền học phí, mua được một chiếc xe đạp của Tiệp Khắc. Lúc kết thúc công tác tại đại sứ quán Việt Nam ở Liên Xô trở về nước, hai vợ chồng tôi đã bán chiếc xe đạp đó đi lấy một số tiền gửi tiết kiệm.
Nhưng không ngờ tới khi Nhà nước tiến hành đổi tiền – một trong những biện pháp nhằm chữa lạm phát, số tiền tiết kiệm do bán xe đạp đó chỉ mua được 10 quả trứng do đồng tiền mất giá, lúc đó tôi thực sự hiểu thế nào là lạm phát”.
Ông Vũ Khoan chia sẻ, thời điểm đó, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch là Tổ trưởng Tổ Tài chính – Tiền tệ thuộc Ban Chống lạm phát của Bộ chính trị đã cử ông sang một số nước như Liên Xô, Hungary, Áo để học tập kinh nghiệm chống lạm phát rồi mang những kiến thức đó về, góp phần xử lí nạn lạm phát ở Việt Nam.
“Mình học được những kiến thức, kinh nghiệm của Thế giới rồi, nhưng phải biết cách vận dụng vào hoàn cảnh cụ thể ở Việt Nam. Về Việt Nam, chúng tôi được yêu cầu phải xuống các hợp tác xã, nhà máy, phiên chợ để tìm hiểu xem lạm phát nó biểu hiện như thế nào ở mỗi vùng, miền, địa phương? Ứng dụng kinh nghiệm của Thế giới ra sao?” – ông Khoan nói.
Việt Nam nghèo vì người Việt quá thông minh
Thời kỳ Việt Nam mới mở cửa, có một vị nghị sĩ của Nhật Bản tên Michio Watanabe – một người rất có cảm tình với Việt Nam, đã sang nước ta để đưa Thủ tướng Phan Văn Khải, lúc đó còn là Chủ tịch UBND TP.HCM đi rất thăm rất nhiều quốc gia nhằm tìm hiểu kinh tế thị trường.
|
Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan cho rằng: "Việt Nam nghèo vì người Việt quá thông minh" (Ảnh: Vietnamnet). |
Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan nhớ lại: “Trong một lần ông Watanabe ra Hà Nội, ông ấy đã hỏi tôi: Ông có biết vì sao Việt Nam nghèo không?
Tôi đưa ra những lý do như thiên tai, chiến tranh, dịch bệnh… Rồi ông ấy bảo tôi nói đúng nhưng chưa đủ. Ông Watanabe lý giải, Việt Nam nghèo vì người Việt Nam quá thông minh, không ai chịu ai cả. Mỗi khi có vấn đề đều nảy sinh tranh cãi, trong khi người Nhật lại tuân thủ theo chỉ thị, hướng dẫn của cấp trên, người chỉ huy.
Liên hệ với thực tế, ngành ngoại giao chúng tôi làm điều phối rất không dễ dàng, nhiều khi nói không ai nghe. Cái yếu của người Việt Nam là sự thiếu phối hợp, điểm này cần sớm khắc phục. Nhưng trong khi chờ khắc phục, hãy phục vụ nhau. Chính vì phục vụ nhau, hai bên sẽ đều nhìn thấy lợi ích, từ đó phối hợp tốt hơn”.
Làm ngoại giao đôi khi phải lobby
Theo nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan, ngành ngoại giao có khá nhiều đặc quyền so với các ngành khác trong quan hệ kinh tế quốc tế. Đầu tiên, là khả năng tiếp cận, thu thập, tổng hợp thông tin về chính sách vĩ mô của các quốc gia trong quan hệ kinh tế quốc tế.
Thứ hai, lợi thế giao tiếp ở tầm quyết định chính sách, có thể tiếp xúc với các chính khách cấp cao, mở đường cho những mối quan hệ kinh tế giữa hai quốc gia. Thứ ba, tạo môi trường chính trị để hỗ trợ các hoạt động kinh tế.
Thứ tư, quan trọng hơn cả, là khả năng bảo vệ lợi ích kinh tế của các thể nhân, pháp nhân Việt Nam ở nước ngoài.
Ông Vũ Khoan chia sẻ: “Sự hiện kiện của người Việt Nam và các doanh nghiệp Việt Nam trên thế giới rất nhiều. Nhiệm vụ bảo vệ công dân, bảo vệ lợi ích kinh tế của các thể nhân, pháp nhân Việt Nam là cực kì quan trọng. Vấn đề này hiện đang trở nên rất nóng bỏng.
Ban đầu, là cuộc chiến về tên gọi catfish đối với sản phẩm cá tra, cá basa của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Tiếp đó, Hiệp hội các nhà nuôi cá nheo Mỹ(CFA) từng khởi kiện các doanh nghiệp Việt Nam bán phá giá cá tra, cá basa.
Càng hội nhập, những vụ kiện cáo sẽ càng nhiều. Ngoại giao sẽ hỗ trợ cho các pháp nhân, thể nhân Việt Nam như thế nào khi quy định rất ngặt nghèo. Thậm chí trong phiên tòa, đại diện ngoại giao Việt Nam chỉ được ngồi ghế phụ, không được phát biểu.
Nhưng ngoại giao Việt Nam hoàn toàn có thể lobby với Quốc hội Mỹ để hỗ trợ vụ kiện đó, việc này cũng chỉ có ngoại giao mới làm được. Ở đây, ngoại giao tiếp tục đóng vai trò lớn về kinh tế, nhưng theo hình thức mới, mức độ mới lớn hơn nhiều so với thời chúng tôi”.