Không tiếc tiền để nổi tiếng toàn cầu như Taylor Swift
Trả lời phỏng vấn tờ The Star, Hasmiza, người thường được gọi là Seri Vida, cho biết bà đã chi ra tổng cộng 180.000 ringgit (gần 1 tỉ đồng) cho hoạt động sản xuất video nhạc (MV.) Riêng tiền mua sắm thiết bị quay video đã gây tốn kém gần 100.000 ringgit. Khoản chi tiêu mạnh tay nhất của Hasmiza là bỏ ra 800.000 ringgit (hơn 4 tỉ đồng) để mua 3 chiếc nhẫn hình cánh bướm, được bà giải thích là “đặc biệt cần thiết” cho cả MV.
“Tôi muốn xây dựng ý tưởng của MV mới quanh một con bướm. Mấy chiếc nhẫn đó đã được đặt sản xuất riêng. Sau này nếu ai quan tâm, tôi sẽ cho bán đấu giá, bởi đó không phải là những chiếc nhẫn bình thường”, bà chia sẻ.
|
MV mới nhất của Hasmiza có cảnh bà tắm trong tiền gây sốc dư luận Malaysia. |
MV có ca khúc đơn “I Am Me” (Tôi là tôi) của Hasmiza nằm dưới sự chỉ đạo của đạo diễn Ghaz Abu Bakar, người đứng sau thành công của một số bài hát bắt tai ăn khách ở Malaysia như Hantu Kapcai, Cicak-man 3 và Polis Evo. Gây tranh cãi nhất trong MV này là cảnh Hasmiza nằm dưới nhiều lớp tiền Malaysia với bệnh giá 50 và 100 ringgit - những đồng tiền có mệnh giá lớn nhất ở đất nước này. Bà nói rằng tiền trong video đều là tiền thật.
Không khó hiểu khi MV tắm trong tiền lập tức gây xôn xao dư luận ngay khi nó được tải lên mạng xã hội Facebook vào thứ Hai tuần trước, với nhiều ý kiến chỉ trích bà phô trương quá lố. Đáp lại, Hasmiza nói rằng mình không khoe của mà đang làm việc nghiêm túc, đầu tư bài bản để “vươn tới tiêu chuẩn siêu sao toàn cầu”.
“Có thể nói rằng 90% cư dân mạng chỉ trích tôi, bởi họ không hiểu ý tưởng muốn được nêu bật. Mỗi lần làm gì đó, tôi sẽ luôn nhắm tới một mục tiêu cụ thể. Như việc sản xuất MV này, tôi muốn đạt tiêu chuẩn quốc tế như ca sĩ Taylor Swift”, bà hùng hồn nói với báo chí Malaysia.
“Thực ra tôi đã có kế hoạch sản xuất một MV như thế này cách nay 2 tháng, khi ca khúc I Am Me ra mắt khán giả. Tôi không ngờ ý tưởng mình định sử dụng đã được Taylor Swift dùng trước. Có điều, cô ấy tắm trong kim cương còn tôi thì ngâm mình trong tiền mặt. Tôi không biết cô ấy có bị chỉ trích như mình đang phải hứng chịu không”.
Đây không phải là màn chơi trội đầu tiên của nữ đại gia Malaysia. Tờ Malay Mail nói rằng năm ngoái, khi bỏ 16 triệu ringgit để tài trợ cho Hiệp hội bóng đá bang Kelantan (KAFA), bà đã yêu cầu cả ban lãnh đạo KAFFA mặc màu hồng trong lễ ra mắt. Chưa hết, bà còn cho sơn màu hồng lên sân vận động chính của đội bóng Kelantan và sửa biệt danh của đội, từ “Các chiến binh đỏ” thành tên các sản phẩm do công ty bà sản xuất, gồm đồ uống có lợi cho sức khỏe Pamoga và mỹ phẩm làm trắng da Qu Puteh. Do quá đỗi cần tiền để tham gia một mùa giải mới, các “Chiến binh đỏ” buộc phải cay đắng chấp nhận điều khoản trớ trêu của Hasmiza và báo chí tốn không ít giấy mực để bàn về vụ này.
Được biết, cuộc sống riêng của Hasmiza cũng hào nhoáng như cách bà kinh doanh. Người phụ nữ này không ngại khoe của trước bàn dân thiên hạ. Bà luôn đeo đầy trên người các dây chuyền đính kim cương rất đắt tiền. Tay bà nặng trĩu những vòng vàng to bự.
Hasmiza quá giàu, tới mức bà sở hữu 17 căn nhà cực kỳ sang trọng, bên cạnh một đội 20 chiếc xe sang, gồm một chiếc Bentley, một chiếc Lamborghini và một chiếc Vellfire được đặt hàng riêng, có ghế massage và tủ lạnh để bà thư giãn trong các hành trình dài từ ngôi nhà chính ở Ipoh tới Kuala Lumpur để làm việc. Gần đây bà gây nhướn mày khi mua thêm một tòa dinh thự trị giá 22 triệu ringgit ở Ipoh và vừa sắm thêm một loạt vòng cổ, vòng tay có giá dao động từ 5.000 tới 300.000 ringgit.
Làm việc không mệt mỏi nhằm thoát nghèo
Nhìn cuộc sống sang chảnh hiện nay của Hasmiza, chẳng ai có thể ngờ bà có xuất thân thấp trong xã hội Malaysia và từng trải qua một cuộc sống đầy bi kịch. “Tôi đã trải qua nhiều thất bại và mất mát, nhưng những điều đó chỉ khiến tôi làm việc chăm chỉ hơn cho cuộc sống hiện tại và tương lai. Tôi sẽ không thể đạt được những điều này nếu không kiên trì đương đầu với thách thức”, bà nói.
Thực vậy, Hasmiza sinh ra trong một gia đình không dư dật cho lắm ở Kelantan, Malaysia. Cuộc đời bà thay đổi theo chiều hướng tồi tệ hơn khi cha đẻ, người kiếm tiền nhờ điều hành một xưởng cưa, bị đột tử. Sau biến cố, mẹ bà phải đi cạo mủ cao su để có tiền nuôi bà cùng hai người em ăn học.
May mắn thay, tuổi thơ khó khăn không ngăn cản tài năng làm giàu của Hasmiza. Từ khi còn bé, bà phát hiện rằng kinh doanh là cách tốt nhất để nuôi thân và thoát nghèo. Công việc kinh doanh đầu tiên Hasmiza làm là bán bánh đậu kacang putih và cơm nasi bungkus cho các bạn học ở trường và kiếm được những khoản tiêu vặt rất khá nhờ thế.
Sau khi tốt nghiệp phổ thông, bà theo học đại học Sains Malaysia tại Penang, chuyên ngành văn học và lịch sử. Để có tiền tự nuôi thân và đóng học phí, bà bán nhiều sản phẩm với gốc từ bang Kelatan cho các bạn học và giảng viên, từ sarong truyền thống, các tấm thảm dùng để cầu nguyện tới sốt sambal để nấu món nasi lemak truyền thống và khoai tây chiên keropok.
Cùng thời điểm, bà làm việc liên tục theo nhiều ca khác nhau tại một nhà máy và còn làm bán thời gian ở một cửa hàng đồ ăn nhanh gần ký túc của trường. Sau khi tốt nghiệp, bà được giao cho công việc giảng dạy tại một ngôi trường ở Ipoh. Tuy nhiên mức lương đều đều của nghề giáo, chỉ đủ đảm bảo cuộc sống bình thường, đã không đủ sức hấp dẫn Hasmiza. Từ sâu thẳm trong tâm trí, bà vẫn muốn kinh doanh.
Bước ngoặt đầu tiên đã tới khi Hasmiza quyết định dấn thân vào nghề trang điểm cô dâu. Tự bà đã tham gia một khóa đào tạo trang điểm cô dâu để có thể nắm rõ quy trình làm việc. Sau khi biết hết các bí quyết của nghề, bà quyết định vay ngân hàng số tiền 100.000 ringgit (hơn 500 triệu đồng) để mở một cửa hàng làm đẹp cho cô dâu.
“Khi ấy giáo viên chỉ được trả mức lương có 3.000 ringgit mỗi tháng và tôi phải dùng 2.000 trong đó để trả nợ lãi suất. Số tiền còn lại dùng để trả tiền thuê nhà, tiền mua xe và để sinh tồn. Đó là những khoảng thời gian hết sức khó khăn”, bà nhớ lại.
Bất chấp việc vẫn còn là kẻ chân ướt chân ráo bước vào một lĩnh vực kinh doanh mới, Hasmiza vẫn liều mạng tiêu hết tiền vay vào việc sửa chữa, nâng cấp tiệm làm đẹp của bà. “Toàn bộ số tiền 100.000 ringgit được dùng để biến cửa hàng của tôi thành một salon làm đẹp thực sự. Chuyện khá hài hước khi tôi có một salon rất đẹp, nhưng chẳng còn chút vốn nào và cũng chẳng có lấy một xu dính túi để mua mỹ phẩm về bán. Vì thế, tôi phải kiếm thêm bằng cách kinh doanh tại một chợ đêm. Tôi bán đồ ăn, thảm cầu nguyện và các món đồ khác mà mình vẫn kinh doanh lâu nay”.
Sau 12 năm kiên trì vừa kinh doanh vừa giữ nghề giáo viên, Hasmiza quyết định thực hiện bước đi táo bạo tiếp theo: Bà bỏ việc dạy học. Sau đó bà ghi danh để trở thành nhân viên ở Hội đồng đào tạo việc làm quốc gia và dạy trang điểm, làm đầu cô dâu tại đó.
Để nâng cao kỹ năng cho các học viên, bà quyết định mở các cuộc thi nhỏ. “Trong lớp học của tôi, các học viên sẽ phải cắt tóc, làm đầu và trang điểm cho nhau. Nhưng tôi thấy thử thách này vẫn chưa đủ độ “phê”. Vì thế tôi mua một số chiếc ghế tựa giá rẻ rồi đưa cho các học viên. Tôi bảo họ mang ghế tới siêu thị và đề nghị làm đẹp mặt miễn phí cho công chúng. Phương thức này được nhiều người chào đón, mang lại kết quả tốt. Vậy là tôi quyết định mua thêm những chiếc ghế nữa, để thêm nhiều học viên có cơ hội thực hành những gì họ đã học”.
Hasmiza kể rằng từ đây, nhiều người bắt đầu muốn tìm hiểu về các sản phẩm làm đẹp mà học viên sử dụng, gồm một số sản phẩm dầu rửa mặt. Đó là khi bà quyết định sẽ khai trương một dòng mỹ phẩm của mình, với tên Vida Beauty.
Lối quảng cáo khác người, nhưng đặc biệt hiệu quả
May mắn là vào thời điểm đó, Hasmiza được nhận số tiền vốn lên tới 1 triệu ringgit từ chính quyền để bắt đầu hoạt động kinh doanh. Bà đổ nửa số tiền vào công tác nghiên cứu phát triển sản phẩm mới, bao gồm việc đi tới nhiều quốc gia để tìm nguyên liệu cần thiết.
Tiếp đó, bà bỏ ra 100.000 ringgit để quảng bá sản phẩm mới qua một tạp chí địa phương và 400.000 ringgit còn lại quảng cáo trên đài truyền hình, phát thanh. Tuy nhiên các hoạt động quảng bá này không mang lại kết quả như mong muốn. Hasmiza lâm vào cảnh lỗ nặng.
“Tình trạng làm ăn thua lỗ lập tức mang đến hậu quả cho tôi. Đã có lúc tôi bị chẩn đoán mắc chứng huyết áp cao vì lo lắng quá mức. Là người thích tiến hành các thử nghiệm, tôi đã tự chế ra một loại thuốc kiểm soát huyết áp riêng, dùng hải sâm để trị bệnh. Từ đây, sản phẩm chăm sóc sức khỏe Pamoga của tôi cũng ra đời. Tuy nhiên doanh số bán hàng không chịu nhích lên, do hoạt động quảng cáo thất bại. Năm đó, tôi chỉ bán được có 500 lọ Pamoga”, bà chia sẻ.
Mệt mỏi vì sản phẩm kinh doanh thất bại, Hasmiza quyết định sẽ ngừng làm ăn. Tuy nhiên bà muốn làm thế sau khi thử thêm một lần cuối: Bà tự quảng bá sản phẩm qua kênh truyền thanh FM Kelantan. Trong 2 ngày liên tiếp, Hasmiza say sưa nói về các sản phẩm của mình, đặc biệt là Pamoga, trong những suất quảng cáo dài 15 phút mỗi lần.
Trong ngày thứ ba, Hasmiza tin chắc rằng mình đã thất bại và quyết định đi đóng cửa hàng làm đẹp. Bà vô cùng bất ngờ khi thấy một đám đông đang tụ tập ở bên ngoài. “Tôi tưởng có ai đó ngất xỉu trước cửa hàng của mình, hóa ra họ tới để mua Pamoga. Đó là chuyện của 6 năm trước. Sau thời điểm đó, doanh số của tôi liên tục tăng. Chia sẻ trải nghiệm từ người dùng trực tiếp hóa ra là phương thức tiếp thị hiệu quả nhất cho sản phẩm của tôi”.
Ngày hôm nay, mỗi tháng Hasmiza bán được khoảng 100.000 lọ Pamoga. Và bà không chỉ có sản phẩm này. Vida Beauty, với một nhà máy hoạt động ở Balakong, Selangor, sản xuất hơn 120 sản phẩm làm đẹp, chăm sóc sức khỏe khác nhau.
Hasmiza nói rằng trải nghiệm tồi tệ ban đầu khiến bà giờ trở nên rất cẩn thận khi tiến hành quảng cáo. Không ngạc nhiên khi Vida Beauty có đội ngũ 150 nhân viên, nhưng chẳng ai trong đó là chuyên gia tiếp thị.
“Tôi làm theo con tim và bản năng khi ra quyết định kinh doanh”, Hasmiza nói. “Tôi đã đi qua nhiều thăng trầm trong lĩnh vực mình đang theo đuổi và không ai có thể hiểu rõ những gì tôi đang định làm. Nhiều người nói tôi điên, làm những việc vớ vẩn gàn dở, vì không có chuyên gia tư vấn, không chấp nhận tăng giao tiếp với khách hàng hay có một bậc thầy về tiếp thị trong đội ngũ. Nhưng thực sự thì chẳng ai làm tiếp thị tốt hơn tôi. Sau rốt thì đây là sản phẩm của tôi và tôi đã đưa nó tới vị thế cao như hiện nay”, bà khẳng định.
Với Hasmiza, tiếp thị và quảng cáo không có nghĩa chường mặt của bà và hình ảnh sản phẩm của bà lên khắp nơi. Thay vì thế, bà muốn tạo ra những ấn tượng mạnh mẽ, gây sốc, tại nơi người ta khó ngờ nhất.
“Các hoạt động quảng bá phải luôn khác biệt. Trong 5 năm qua, tôi đã trả rất nhiều tiền quảng cáo trong vai trò nhà tài trợ. Rồi tôi nhận ra hành động đó không giúp mình tiến lên. Chuyện chỉ giống như tôi đang đi ké chương trình của ai đó, tác động thu lại rất ít. Tôi tự nhủ với mình, rằng thế là đủ rồi. Ngoài ra thì khán giả cũng quá ngấy các đoạn quảng cáo như thế rồi. Vì vậy, tôi quyết định cách mạng hóa việc quảng cáo trong giải trí và giờ là trong thể thao”, Hasmiza chia sẻ.
Bà cũng tận dụng sức mạnh của mạng xã hội để tăng quảng bá cho sản phẩm của mình. Khi là một nhà tài trợ, Hasmiza đặt mục tiêu thu lợi tối đa từ khoản tiền đầu tư của mình. Đó là lý do bà bỏ tiền đầu tư cho nhiều chương trình truyền hình thực tế, bởi các show này giúp tăng cơ hội tiếp thị hình ảnh thương hiệu.
Bất chấp việc đã thành công vượt sức tưởng tượng của chính bản thân, Hasmiza luôn cố để chạm hai chân dưới đất. Bà chia sẻ với phóng viên The Star rằng vẫn luôn nhớ tới thời điểm khủng khiếp của tháng 8.2013, ngày xảy ra một vụ cháy kinh hoàng làm 2 con trai thiệt mạng.
“Đó là ngày tồi tệ nhất trong cuộc đời tôi. Sau khi khóc lóc ròng rã nhiều tháng, tôi quyết định lại dồn sức cho hoạt động quảng cáo và kinh doanh. Tôi biết mình phải bật nảy trở lại và sống tiếp”, Hasmiza chia sẻ.
Và các cuộc phiêu lưu trong lĩnh vực tiếp thị của Hasmiza còn lâu mới kết thúc. Sau thể thao, giờ bà đang nghiên cứu việc tiếp thị tại lĩnh vực làm phim, trong tương lai rất gần. Bà cũng muốn cho ra đời các sản phẩm tương thích với hoạt động tài trợ bóng đá.
Trong khi những người khác lo ngại cho viễn cảnh kinh tế của Malaysia, Hasmiza lại muốn mở rộng đế chế của mình. Bà tin sản phẩm của mình sẽ tiếp tục ăn khách trong năm 2017, giống như trong năm 2016 và 2015.
Ngày hôm nay, Hasmiza thừa nhận phong cách sống của bà đã vô cùng xa xỉ, khác quá xa thời kỳ khó khăn ban đầu. Nhưng bà không hối tiếc vì điều đó. “Hình ảnh rất quan trọng, vì thế tôi phải tạo ra những ấn tượng tốt, bằng cách mặc đồ hiệu, mang đồ trang sức đắt tiền, thể hiện sự giàu có. Tôi làm thế không phải để tỏ ra hào nhoáng, mà để người khác nhớ tới mình. Tôi đã lao động rất vất vả để có được ngày hôm nay, và rất tự hào về mọi thứ mình đã có”, bà chia sẻ.