Một vốn bốn lời
Vườn đào Nhật Tân được xem là vựa đào lớn nhất miền Bắc. Cứ mỗi độ Tết đến, nơi đây lại nhộn nhịp cảnh kẻ mua người bán. Nhiều người không ngại bỏ ra một số tiền lớn để săn những cây đào thế, đào “đại gia” về chơi Tết. Thế nhưng, chỉ độ qua rằm tháng Giêng, chính những cây đào này lại bị vứt lăn lóc ở khắp các vệ đường hay bãi rác vì người dân không có chỗ để trồng.
|
Nhiều người sử dụng cả xe tải để thu gom “xác đào” sau Tết. Ảnh: LT |
Năm nay do thời tiết nắng nóng bất thường, hoa đào bung nở sớm nên ngay từ mùng 4, mùng 5 Tết, đội quân chuyên thu mua “xác đào”, quất đã bắt đầu tỏa đi khắp các con phố, ngõ nhỏ ở Hà Nội để thực hiện công việc của mình. Họ có thể là những chủ vườn, người lao động hay thậm chí những người xe ôm. Do công việc chỉ mang tính chất thời vụ nên ai cùng cố gắng thu cho mình thật nhiều “chiến lợi phẩm”. Với nghề này, nếu may mắn, mỗi ngày họ có thể kiếm cho mình cả triệu đống.
Sau rằm tháng Giêng, đang rong ruổi trên đường Âu Cơ (Tây Hồ) chúng tôi bắt gặp anh Phạm Văn Thành (Quê Văn Giang, Hưng Yên), đang hối hả chở một cây đào khá lớn đi về phía vườn đào Nhật Tân.
Anh này cho biết: “Năm nào cũng vậy, cứ sau mỗi dịp Tết chúng tôi lại tất bật đi tìm những gốc đào mà người dân chơi hết hoa và không có ý định trồng rồi mang về bán cho các chủ vườn. Hà Nội đất chật người đông nên đất trồng hạn hẹp, thường những cây đào, quất sau Tết được người dân bán lại với giá khá rẻ chỉ khoảng vài trăm nghìn. Thậm chí có gia đình nhờ tôi vào “khiêng hộ” không mất đồng nào, chủ nhà còn cảm ơn”.
Từ ngày mùng 4 Tết đến nay anh Thành đã thu mua được hàng trăm gốc đào. Trong đó, một phần là do các các khách hàng quen gọi đến chở cây hoặc là do anh nhặt được từ các ngõ ngách trong thành phố. Theo anh Thành, đào quất được vứt bỏ nhiều nhất là ở các khu chung cư, hoặc trước cửa của các tòa nhà cao tầng, các văn phòng, doanh nghiệp. Do không có chỗ trưng bày nên sau Tết, họ thường gọi người đến đi vứt hộ hoặc mang về vườn.
Với những cây có thể “hồi sức”, các thợ đào phải ủ dưỡng rễ cây theo chế độ đặc biệt. Những gốc đào này sẽ được các chủ vườn để trong bóng mát, tưới ẩm thường xuyên đến khi cây cứng cáp mới hạ xuống hố để trồng tự nhiên và bắt đầu hãm cành.
Việc thu mua gốc đào nó lời thì cũng đúng mà lỗ cũng chẳng sai. Chủ yếu là do may rủi và khả năng nhìn nhận của từng nhà vườn” – anh Hùng chủ một vườn đào ở Nhât Tân cho biết.
“Thông thường, khoảng 7h sáng tôi bắt đầu chạy lòng vòng khoảng gần 100km xung quanh Thành phố, tìm được hơn chục gốc đào với đủ kích cỡ, hình thế. Công việc tuy vất vả, nhưng bù lại, tiền chênh lệch lúc bán cây cho nhà vườn khá lớn. Có khi kiếm được vài, ba triệu một ngày chứ chẳng chơi. Trong khi chi phí cho một lần đi gom đào, tính cả ăn uống, xăng xe, nếu tiết kiệm cũng chỉ mất dăm, bảy chục”. Anh Thành hào hứng chia sẻ.
Không chỉ với đội chuyên săn đào giá rẻ để bán lại cho chủ vườn mà nghề thu gom “xác đào” cũng mang lại cho cánh xe ôm không ít lợi nhuận. Anh Nguyễn Đình Thắng (Quê Nam Trực, Nam Định) cho hay: “Tôi lên Hà Nội chạy xe ôm đã 4, 5 năm nay. Do có người quen ở vườn đào Nhật Tân nên cứ sau Tết lại được gọi đi thu gom đào thuê. Mỗi ngày chúng tôi cũng chạy được vài, ba chuyến, thu nhập khoảng 500.000 - 700.000 đồng/ngày, có hôm đến 1 triệu đồng. Chưa kể, nhiều chủ nhà còn tốt bụng trả thêm công vận chuyển”.
Với nghề ngày, chỉ cần chăm chỉ, chịu khó, một người xe ôm bình thường cũng có thể kiếm được cả chục triệu chỉ trong một đợt thu gom đào.
Nhiều may rủi
Theo những người làm nghề thu gom đào sau Tết, đây là công việc cho thu nhập cao, đặc biệt là đối với cánh thợ vườn và chủ vườn. Với cánh thợ vườn họ là những người có kinh nghiệm, chỉ cần nhìn qua cũng biết cây nào tốt, giá trị cao, chứ không phải bạ đâu mua đấy như những cánh xe ôm nghiệp dư khác. Còn với các chủ vườn họ có thể thu được nguồn lợi khủng từ việc thu mua một cây đào có giá vài trăm nghìn về ươm trồng, sau một năm lại bán đi với giá vài triệu đến vài chục triệu.
Bề nổi là vậy, tuy nhiên trên thực tế, theo các chủ vườn đào ở Nhật tân, việc thu mua “xác đào” sau Tết là một công việc nhiều may rủi. Bởi vì chi phí và công sức bỏ ra để chăm sóc một gôc đào là không nhỏ. Chỉ tính riêng tiền công vận chuyển và tiền đất đã mất đến 500.000 – 700.000 đồng nhưng không thể chắc chắn được việc cây có sống hay không và chất lượng thế nào.
Được biết, quan trọng nhất với việc thu mua đào cũ là cây phải còn nguyên bầu đất, đồng nghĩa với việc cây còn nguyên rễ, còn khả năng trồng lại. Nhưng, không phải gốc đào nào cũng có thể tận dụng, bởi đa phần những gốc đào đẹp đều được ghép từ những gốc đào rừng để có dáng dấp phong sương, xù xì, hầm hố. Loại cây này yếu và chỉ cho ra hoa đẹp được khoảng 5 năm, do vậy nếu không may nhặt phải cây đã già về làm "phôi" cho năm sau thì coi như mất không tiền vận chuyển, chăm sóc.
“Để chăm sóc thành công một gốc đào đẹp từ chỗ bị bỏ ra đường đến lúc thành một gốc đào bung nở vào dịp Tết không đơn giản và không phải có được gốc là thắng. Nhiều người mua đào về sau Tết do không biết chăm sóc nên cây khi bỏ đi thường bị héo, gãy cành, thậm chị bị “ủng gốc”, thối rễ do tưới nước quá nhiều nước.
Những cây như vậy dù đã bỏ công chăm sóc cẩn thận nhưng khả năng phục hồi rất thấp. Với những cây có thể “hồi sức”, các thợ đào phải ủ dưỡng rễ cây theo chế độ đặc biệt. Những gốc đào này sẽ được các chủ vườn để trong bóng mát, tưới ẩm thường xuyên đến khi cây cứng cáp mới hạ xuống hố để trồng tự nhiên và bắt đầu hãm cành. Việc thu mua gốc đào nó lời thì cũng đúng mà lỗ cũng chẳng sai. Chủ yếu là do may rủi và khả năng nhìn nhận của từng nhà vườn” – anh Hùng chủ một vườn đào ở Nhât Tân cho biết.
Theo tìm hiểu, hiện nay chỉ có những nhà vườn nhỏ mới thu mua lại xác đào với mục đích quay vòng vốn nhanh. Còn những vườn lớn, hầu như không dùng đến. Nhiều năm gần đây, các vườn này chỉ cho thuê đào chứ không bán. Sau khi hết thời hạn cho thuê họ sẽ cho người mang cây về lại chăm sóc cho vụ sau.
Anh Chu Đức Toản, chủ một vườn đào Đức Toản khẳng định: “Những vườn đào lớn, có thương hiệu họ không thu mua lại xác đào của các nơi khác mà chỉ tập trung chăm sóc các cây của vườn mình. Thường chỉ có những vườn nhỏ, muốn quay vòng nhanh, có đào bán sớm mới thuê người thu mua để tiết kiệm thời gian”.
Năm nay, để tránh lãng phí, nhiều người dân lựa chọn phương án thuê đào thay cho việc mua cả cây. Do vậy, dịch vụ chăm sóc và kí gửi đào tại vườn cũng được phát huy một cách triệt để. Theo một số chủ vườn, giá chăm sóc đào không quá cao, chỉ giao động từ khoảng 400.000 đồng - 500.000 đồng/cây bé. Còn với những gốc đào có giá trị lớn tiền chăm sóc cũng cao hơn, có thể lên tới hàng chục triệu đồng”.