Gắn bó với nghề nuôi rệp cánh kiến đỏ từ cuối những năm 1980, giờ đây, ông Lương Thanh Bình, người dân tộc Thái, ở khu 3, thị trấn Mường Lát, huyện Mường Lát, Thanh Hóa chuyển qua thu mua sản phẩm cho bà con trên địa bàn.
Theo ông Bình, nghề nuôi rệp cánh kiến đỏ rất nhàn, dễ làm, có hiệu quả kinh tế nên nhiều hộ gia đình người Mông, Thái và Khơ Mú trên địa bàn đang triển khai. Rệp cánh kiến đỏ được nuôi ký sinh trên các cây chủ như: Đậu thiều, cọ khiết, cọ phèn. Trong đó, cây đậu thiều là loại cây dễ trồng, phù hợp với khí hậu và thổ nhưỡng của địa phương nên hiện nay được nhiều hộ dân lựa chọn để nuôi rệp. Khi cây chủ càng lớn thì rệp cánh kiến đỏ sẽ sinh sôi, lan rộng và bám theo các cành cây thành những mảng màu trắng.
"Ngày trước tôi trực tiếp nuôi rệp cánh kiến đỏ nhưng do ở thị trấn diện tích đất hẹp nên hiện nay chủ yếu tôi chỉ phân phối giống, kết hợp tư vấn cho bà con làm, lan tỏa ra nhiều nơi để mong có sản phẩm và phối hợp với công ty để thu mua cho bà con", ông Bình chia sẻ.
Không chỉ cung cấp giống, hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật cho bà con trên địa bàn huyện Mường Lát, ông Bình còn cung cấp giống, tư vấn cho một số hộ dân ở các địa phương khác.
"Về đầu ra của nhựa cánh kiến đỏ thì bà con không lo, chỉ sợ không có sản phẩm mà bán. Hiện nay giá mua vào là 50.000 đồng/kg nhựa. Còn nghề nuôi rệp cánh kiến đỏ rất nhàn, mỗi năm, bà con có thể thu 2 vụ. Con giống sau khi thả xong, chỉ chăm sóc thời gian đầu, khi đang trong giai đoạn rệp bám vào cây chủ, còn khi con giống đã bám rồi thì không phải chăm sóc gì nữa, chỉ cần chú ý không để kiến đen hại đến con giống nhưng giờ có thuốc phòng trừ rồi nên không còn phải lo nữa", ông Bình chia sẻ.
Thường vào tháng 4 dương lịch hàng năm, người nuôi bắt đầu thả con giống, đến khoảng tháng 10 thu sản phẩm và thả giống tiếp, đến tháng 4 năm sau lại thu hoạch.
Theo bà con địa phương, mỗi sào Trung bộ (500m2) nếu trồng cây đậu thiều để thả rệp cánh kiến đỏ, có thể cho thu hoạch khoảng 3 tạ nhựa. Với giá 50.000 đồng/kg nhựa cánh kiến đỏ như hiện nay, người nuôi trồng bán được 15 triệu đồng, trừ chi phí còn thu về hơn 10 triệu đồng.
Ông Nguyễn Văn Dũng, Trưởng Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Mường Lát cũng từng là thành viên tham gia dự án nuôi rệp cánh kiến đỏ cho biết, nghề này đã có từ lâu nhưng ngày càng mai một do thời tiết khắc nghiệt, cây chủ già cỗi…
Theo ông Dũng, năm 2007, Quỹ môi trường toàn cầu tài trợ và Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật Thanh Hóa xây dựng dự án, chuyển giao khoa học kỹ thuật nhằm nhân rộng nghề nuôi rệp cánh kiến đỏ tại huyện Mường Lát. Ban đầu dự án cấp giống cho người dân thả, sau khi thu hoạch sẽ trả lại số giống được cấp ban đầu để chuyển giao cho hộ dân khác nuôi.
Đặc tính của rệp cánh kiến đỏ là dễ chết hoặc không phát triển nếu thời tiết quá nóng hoặc quá lạnh. Khi nhiệt độ dưới 10 độ C, rệp cánh kiến đỏ thường bị chết còn nóng từ 38 độ C trở lên thì sẽ chảy nhựa.
"Ngày trước bà con chủ yếu thả giống trên cây cọ phèn của Ban quản lý rừng phòng hộ nhưng rừng cây này đã già cỗi nên khả năng tái sinh cũng giảm đi. Giờ bà con chủ yếu thả giống trên cây đậu thiều. Đây là cây ngắn ngày, rất phù hợp với khí hậu, thời tiết ở Mường Lát và dễ trồng", ông Dũng cho biết.
Tháng 10/2021, anh Hờ A Chúng, bản Suối Phái, xã Tam Chung thả rệp cánh kiến đỏ trên diện tích hơn 1ha cây đậu thiều, nay đang chuẩn bị đến kỳ thu hoạch.
"Có những vụ được mùa to lắm. Vụ vừa qua thì khi rệp cánh kiến đỏ làm tổ, tôi chưa kịp đi lấy thuốc thì bị kiến đen ăn hết. Nếu mình làm nhiều và lấy được giống thì hiệu quả kinh tế cũng có, nhưng do mình chưa làm được giống, thu hoạch xong bán sản phẩm ra lại phải đi mua lại giống nên lãi cũng chưa nhiều", anh Chúng cho biết.
Mấy năm nay, gia đình bà Hà Thị Thặn, bản Lát, xã Tam Chung đã chuyển đổi một số diện tích ngô, sắn sang trồng cây đậu thiều để nuôi rệp cánh kiến đỏ, cho thu nhập hàng chục triệu đồng mỗi năm.
"Nuôi rệp cánh kiến đỏ không khó hơn trồng ngô, trồng sắn mà giá cả ổn định nên nhiều năm nay nên gia đình chuyển sang làm", bà Thặn cho biết.
Từ sau khi dự án kết thúc, nhiều hộ dân tại huyện Mường Lát tiếp tục duy trì nghề nuôi rệp cánh kiến đỏ, loại nghề giúp nhiều gia đình xóa đói, giảm nghèo. Đến nay, hàng chục hộ dân tại các xã Tam Chung, Pù Nhi, thị trấn Mường Lát... làm nghề nuôi rệp cánh kiến đỏ. Tuy nhiên, diện tích nuôi rệp cánh kiến đỏ trên địa bàn còn hạn chế, chưa được chú trọng.
Cánh kiến đỏ là loại nhựa màu đỏ do loài rệp son là côn trùng rất nhỏ, có tên khoa học Laccifer lacac Kerr, thuộc họ sâu cánh kiến tiết ra. Nhựa cánh kiến đỏ được dùng trong công nghiệp thực phẩm, dược phẩm, đặc biệt là chất phụ gia trong sản xuất bao bì tự hủy, thân thiện với môi trường…