Ngành công nghiệp ô tô Việt Nam: Cái chết được báo trước

Google News

(Kiến Thức) - Sau gần 20 năm bảo hộ, ngành công nghiệp ô tô đã chính thức thất bại. Theo TS Nguyễn Văn Nam thì kết cục này đã được báo trước từ lâu.

Sau gần 20 năm bảo hộ, ngành công nghiệp ô tô đã chính thức thất bại. Giấc mơ xe ô tô nội địa đã tan vỡ. Gần đây nhất, Công ty Cổ phần Ô tô Xuân Kiên đã phát đi thông báo khẩn bán nhà máy để trả nợ. Theo TS Nguyễn Văn Nam, kết cục này đã được báo trước từ lâu.
Người tâm huyết cũng bất lực
Mới đây Công ty Cổ phần Ô tô Xuân Kiên phát đi thông báo bán nhà máy để trả nợ sau gần một chục năm sống lay lắt. Vậy là chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô đã chính thức phá sản, theo ông thì vì sao lại dẫn đến kết cục đáng buồn đó?
Thực tế, đây không phải là việc bất ngờ. Mấy năm trở lại đây, phân xưởng sản xuất, gia công, lắp ráp các loại ô tô của Xuân Kiên gần như bỏ trống, chỉ lác đác vài kỹ sư, công nhân. Khó khăn gặp phải là về cơ chế, chính sách, doanh nghiệp khó tiếp cận được nguồn vốn, toàn bộ dây chuyền máy móc đành để không. Chính sách không phù hợp, nên khi ra thị trường, xe không rẻ hơn các loại xe nhập khẩu là bao nên không cạnh tranh được.
Nhưng đã có thời kỳ doanh nghiệp này phát triển rất tốt, với hàng nghìn công nhân?
Tôi biết, giám đốc công ty đó là một người rất tâm huyết với công nghiệp ô tô, ông ấy nuôi ước mơ sẽ làm ra những chiếc xe gắn thương hiệu Việt Nam. Nhưng rồi hàng chục năm trời, chạy vạy đủ cửa, tìm đủ mọi cách, khó khăn, mỏi mệt rồi vẫn bất lực. Gặp ông ở nhiều hội thảo, lần nào ông cũng phát biểu như quát um lên một vài câu rồi bỏ về giữa chừng. Vì ông ấy quá bất lực, chán quá rồi. Đi kiến nghị hết năm nọ đến năm kia, đến hết cơ quan này đến cơ quan khác mà không có ai giải quyết. Người tâm huyết như vậy mà phải buông. 
Tôi được biết các chính sách ưu đãi phát triển ngành công nghiệp ô tô trong nước có rất nhiều, đâu có thiếu?
Thực ra chiến lược thì có nhưng lại không rõ ràng. Trong chiến lược đó, gần như chỉ có ưu đãi cho doanh nghiệp lắp ráp, còn doanh nghiệp trong nước muốn đầu tư nội địa hóa thì lại loay hoay vì không có tiền. Trong khi sản xuất ô tô yêu cầu một nguồn vốn rất lớn, lâu dài thì chính các doanh nghiệp này không tiếp cận được. Đó không chỉ là thất bại của một doanh nghiệp mà là thất bại của cả một chiến lược, hậu quả rất nặng nề.
Đó là những thiệt hại về kinh tế?
Trước đây chúng ta dựa vào thuế quan để ưu đãi doanh nghiệp trong nước, nhưng bây giờ, khi thuế suất giữa các nước trong khu vực trở về bằng 0 thì một doanh nghiệp có thể đặt nhà máy bất cứ đâu, miễn là ở đó có chính sách tốt, nhân công rẻ, ngành công nghiệp phụ trợ phát triển. Chúng ta không làm cho doanh nghiệp trong nước phát triển, trụ vững được khi hàng rào thuế đó còn có hiệu lực, thì khi thuế suất bằng 0, doanh nghiệp trong nước lại càng khó phát triển, khó cạnh tranh. Không loại trừ khả năng như Toyota hay Honda dời nhà máy sang một nước khác, không hiểu ngành công nghiệp ô tô ở Việt Nam sẽ phát triển thế nào, bắt đầu từ đâu.
Nganh cong nghiep o to Viet Nam: Cai chet duoc bao truoc
TS Nguyễn Văn Nam, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thương mại nói về tương lai của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam. 
Công cụ bảo hộ ô tô đã mất
Với thất bại ấy, theo ông có nên xây dựng một chiến lược khác?
Bất cứ một nước nào thực hiện công nghiệp hóa đều phải phát triển ô tô, từ nước nhỏ đến nước lớn. Hàn Quốc là một đất nước nhỏ, nhưng họ cũng đã bắt đầu và phát triển ngành công nghiệp ô tô tương đương với Nhật Bản. Các nước Asean thì có Thái Lan, Malaysia, Indonesia đều làm công nghiệp ô tô. Công nghiệp ô tô gần như là đặc trưng của nền công nghiệp hóa. Nếu muốn có công nghiệp hóa thành công thì ít nhất phải có một sản phẩm cơ khí nào đó. Sản phẩm cơ khí đặc trưng, chứng tỏ trình độ nền công nghiệp cơ khí và phục vụ cho tiêu dùng, chính là ô tô.
Vì sao lại không phải chiếc xe máy ạ?
Trình độ để sản xuất xe máy thấp hơn, chỉ là bước đệm để sản xuất ô tô mà thôi. Mà việc sử dụng xe máy không phải là xu hướng tiêu dùng phổ biến. Trong sản xuất ô tô, sẽ có rất nhiều loại khác nhau, nhưng vẫn là ô tô. Nên mới có những quốc gia trung bình 2 người có 1 chiếc ô tô. Mà khi đã ra được một chiếc xe ô tô chuẩn thì chứng tỏ trình độ sản xuất cao, đạt chuẩn quốc tế. Nói thế để thấy không thể từ bỏ mục tiêu chiến lược phát triển công nghiệp ô tô.
Nhưng chiếc lược chúng ta đã xây dựng rồi mà không thành công, thì phải rút kinh nghiệm thế nào?
Chúng ta đang không có một chiến lược đúng để phát triển ô tô dù mục tiêu thì có, hội thảo nọ hội thảo kia, nghị quyết nọ kia nhưng chỉ làm cho có, làm rất hình thức. Chiến lược đầu tiên phát triển công nghiệp ô tô đã chết hẳn. Lúc mới đầu, ta yêu cầu doanh nghiệp nước ngoài khi đầu tư vào phải nội địa hóa với tỷ lệ tăng dần, nhưng doanh nghiệp không làm và đến giờ họ không cần làm nữa. Khi hàng rào thuế quan đã bằng 0 thì doanh nghiệp có thể đặt nhà máy ở bất cứ quốc gia nào có nền gia công rẻ, nhân lực dồi dào, chính sách tốt. Khi doanh nghiệp cứ thế xuất ô tô vào Việt Nam thì doanh nghiệp khó mà cạnh tranh nổi. Công cụ để bảo hộ doanh nghiệp ô tô trong nước đã hết. 
Nói như ông thì ngành công nghiệp ô tô Việt Nam rơi vào ngõ cụt quá?
Rào cản thương mại, thuế suất cao là công cụ duy nhất đã không còn, giờ ta nghĩ ra tăng thuế nội địa khi tiêu thụ ô tô trong nước với các loại thuế phí khác nhau, nhưng như thế chỉ đánh vào túi người tiêu dùng chứ không giúp được gì cho doanh nghiệp và các nhà sản xuất ô tô họ cũng chẳng quan tâm vì thuế suất vẫn 0%. Họ làm ra những chiếc xe đẹp hơn, tiện hơn, rẻ hơn thì họ vẫn bán được.
Có mục tiêu, thiếu biện pháp
Cái chúng ta còn thiếu để phát triển công nghiệp ô tô cụ thể là gì, chính sách, công nghiệp phụ trợ, đầu tư?
Mục tiêu chiến lược thì có những biện pháp không có. Nếu chỉ sử dụng biện pháp hàng rào thuế quan thì không thể giúp doanh nghiệp cạnh tranh đứng vững được trong xu thế thương mại toàn cầu hóa hiện nay. Muốn có nền công nghiệp ô tô phải có các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp nhỏ. Phải tạo điều kiện vốn liếng, đất đai, nhà xưởng... chứ không thể chỉ bảo là anh cứ lập doanh nghiệp đi, chúng tôi cổ vũ, xong là thôi. Trong khi đó các cơ quan chức năng với hàng trăm thủ tục “hành” chính hành doanh nghiệp, làm sao doanh nghiệp sống nổi. Đến giờ tôi vẫn chưa thấy triển vọng thay đổi.
Tiếp xúc với các nhà khoa học lĩnh vực cơ khí tôi thấy, Việt Nam hoàn toàn có thể làm được các linh kiện phức tạp, phục vụ phát triển công nghiệp phụ trợ?
Chúng ta thiếu đủ thứ, thiếu người quản lý sát sao chặt chẽ, đôn đốc thực hiện. Làm từ đâu, cái gì làm được, cái gì phải nhập, chế tạo phụ tùng ra sao...? Chúng ta chết vì chiến lược chỉ vẽ vời mà không có hành động sát sao đôn đốc thực hiện từng khâu, từng mảng.
Vậy lỗi này có thể quy cho ai?
Tội này là của ngành công nghiệp, quản lý công nghiệp, Bộ Công Thương. Đáng lẽ khi lập ra một chiến lược thì phải kiểm tra quản lý, giải quyết từng việc một từ linh kiện, phụ tùng đến cao su, sắt thép... Bộ Công Thương chính là đơn vị phải chịu trách nhiệm về sự thất bại của chiến lược này. Lỗi này là do quản lý nhà nước đã không có một bộ máy để tổ chức thực hiện chiến lược cho đến đầu đến đũa.
Xin cảm ơn ông!
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan tính chung cả năm 2014, các doanh nghiệp nhập 71.045 ô tô nguyên chiếc các loại, tổng kim ngạch hơn 1,58 tỷ USD, tăng 102% về lượng và 119% về giá trị so với năm 2013. 5 tháng đầu năm 2015, có tổng cộng 25.169 chiếc ô tô các loại nhập về, tổng kim ngạch là 590 triệu USD, tăng 136% về lượng và 180% về giá trị so với cùng kỳ năm trước. Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô là nhiệm vụ quan trọng nên ưu tiên và phải làm ngay. 
Tô Hội (Thực hiện)

>> xem thêm

Bình luận(0)