Nguy cơ Mỹ vỡ nợ
Tờ Wahington Post cho biết, các nhà lãnh đạo Quốc hội Mỹ và Nhà Trắng đang cố gắng đạt được thỏa thuận nâng trần nợ công, khi chỉ còn chưa đầy 2 tuần nữa là Bộ Tài chính sẽ hết biện pháp ngăn chặn tình trạng vỡ nợ chưa từng có của Chính phủ Mỹ.
Nếu họ thất bại và chính phủ nước này không thể đáp ứng các nghĩa vụ thanh toán của mình, các nhà kinh tế và chuyên gia tài chính dự đoán sẽ có sự hỗn loạn.
“Điều đó sẽ gây hậu quả khủng khiếp. Bạn có thể thấy nó thực sự có thể lan truyền và phá hủy toàn bộ hệ thống tài chính, cuối cùng sẽ phá hủy nền kinh tế”, Mark Zandi, nhà kinh tế trưởng của Moody’s nhận định.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet L. Yellen cho biết, cơ quan này chỉ có thể duy trì hoạt động đến ngày 1-6 trước khi hết tiền nếu chính phủ không thể vay thêm. Thời hạn cụ thể đó được gọi là “ngày X”.
Các tác động của vỡ nợ có thể phức tạp. Việc tạm dừng thanh toán liên bang sẽ gây tổn hại cho nền kinh tế và thị trường chứng khoán. Sự tương tác giữa giá trị nhà sụt giảm, lãi suất tăng và hệ thống tài chính toàn cầu bất ổn là rất khó tính toán. Một số ước tính cho thấy hơn 8 triệu việc làm có thể bị xóa sổ. Theo một số dự đoán, lãi suất vay thế chấp có thể tăng hơn 20% và nền kinh tế sẽ thu hẹp như trong cuộc suy thoái sâu hồi năm 2008.
Nhưng điều mà các nhà kinh tế nhấn mạnh trên hết là việc không thể dự đoán hậu quả - đặc biệt nếu sự bế tắc trong việc đạt được thỏa thuận nâng trần nợ công kéo dài hàng tuần hoặc hàng tháng. Các chuyên gia nhấn mạnh rằng tình huống xấu nhất khó xảy ra nếu các nhà lập pháp chỉ trễ hạn trong thời gian ngắn, có thể vài giờ hoặc thậm chí vài ngày, nhưng rủi ro sẽ tăng lên đáng kể nếu tình trạng bế tắc kéo dài.
Nhà kinh tế học Nancy Vanden Houten tại Oxford Economics nhận định, ngay cả khi không xảy ra vỡ nợ, tình huống như vậy “sẽ rất gây xáo trộn cho thị trường và nền kinh tế”.
Phát biểu với báo giới mới đây, Giám đốc truyền thông của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Julie Kozack cho rằng, hậu quả sẽ là rất nghiêm trọng không chỉ đối với kinh tế Mỹ mà còn với toàn cầu nếu cường quốc kinh tế số một thế giới này vỡ nợ.
Đại diện định chế tài chính hàng đầu thế giới này cảnh báo về các nguy cơ nghiêm trọng như chi phí vay mượn tăng, bất ổn tài chính toàn cầu và những tác động về kinh tế nếu Mỹ vỡ nợ.
|
Kể từ năm 1960 tới nay, Quốc hội Mỹ đã thực hiện 78 lần nâng trần nợ công, và không phải lần nào cũng diễn ra suôn sẻ (Nguồn: Yahoo News) |
Điều gì sẽ xảy ra?
Daco của Ernst & Young cho biết nếu Mỹ vỡ nợ, điều này sẽ gây ra một cơn suy thoái nghiêm trọng hơn so với cơn suy thoái 2007-2009.
Giá trị của trái phiếu chính phủ Mỹ sẽ giảm khi các nhà đầu tư bán tháo và có thể giảm vĩnh viễn lượng nắm giữ của họ đối với tài sản này. Việc chính phủ Mỹ bỏ lỡ các thời hạn thanh toán lãi và nợ gốc trái phiếu sẽ làm gián đoạn dòng chảy toàn cầu trị giá hàng nghìn tỉ đô la liên quan đến hoạt động vay đô la ngắn hạn, vốn rất quan trọng đối với cách mà ngân hàng và doanh nghiệp huy động vốn phục vụ các hoạt động.
Các quỹ đầu tư, doanh nghiệp và ngân hàng đều nắm giữ trái phiếu chính phủ Mỹ. Giá trị tài sản này sụt giảm sẽ ảnh hưởng đến bảng cân đối kế toán của họ. Làn sóng khách hàng rút tiền gửi gần đây ở các ngân hàng khu vực của Mỹ là do các lo ngại về vấn đề thanh khoản khi giá trị danh mục trái phiếu chính phủ Mỹ của họ giảm đáng kể khi lãi suất liên tục tăng. Trong kịch bản Mỹ vỡ nợ, giá trái phiếu chính phủ Mỹ có thể còn giảm mạnh hơn.
“Sẽ có sự hỗn loạn trong hệ thống tài chính toàn cầu vì trái phiếu chính phủ Mỹ đóng vai trò rất quan trọng. Điều gì sẽ xảy ra khi trái phiếu chính phủ Mỹ, được xem là điểm tham chiếu cho lãi suất toàn cầu, lại trở thành loại tài sản rủi ro nhất?”, Wendy Edelberg, nhà kinh tế của Viện Brookings, nói.
Các nhà phân tích cũng dự báo nhiều nhà đầu tư sẽ tháo chạy khỏi các loại tài sản rủi ro. Một báo cáo của Nhà Trắng cho biết thị trường chứng khoán sẽ giảm mạnh 45% trong những tháng sau khi Mỹ vỡ nợ và tỷ lệ thất nghiệp sẽ tăng 5 điểm phần trăm.
Theo ngân hàng UBS, nếu tình trạng bế tắc về nợ trần kéo dài một tháng, nền kinh tế Mỹ có thể suy giảm trong 4 quí liên tiếp.
Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ ảnh hưởng đến lãi suất trên toàn nền kinh tế. Vì vậy, người tiêu dùng Mỹ có thể chứng kiến lãi suất tăng vọt đối với nợ thẻ tín dụng, khoản vay thế chấp và vay mua ô tô.
Nếu bế tắc tiếp diễn, tác động sẽ lan rộng từ thị trường tài chính sang nền kinh tế. Báo cáo năm 2013 của Bộ Tài chính Mỹ cho thấy, khủng hoảng trần nợ năm 2011 đã khiến tổng tài sản hộ gia đình giảm 2.400 tỷ USD.
Nhiều quốc gia đã mua một lượng lớn trái phiếu của chính phủ Mỹ. Việc nền kinh tế số một thế giới vỡ nợ có thể làm giảm giá trị những lô trái phiếu này, gây tổn hại đến dự trữ ngoại hối của nhiều nước.
Hội đồng Cố vấn Kinh tế Nhà Trắng (CEA) đã cảnh báo rằng, nếu chính phủ nước này ngừng đáp ứng các nghĩa vụ tài chính thì những cú sốc kinh tế có thể khiến hơn 8 triệu người mất việc làm vào mùa Hè này và Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) giảm khoảng 6%. Ngay cả với một kịch bản vỡ nợ ngắn được giải quyết nhanh chóng, Mỹ cũng có thể mất tới 500.000 việc làm và giảm 0,6% GDP thực tế.
Giới kinh tế lo ngại rằng sẽ ngày càng nhiều nước rơi vào khủng hoảng nợ nần. Số lượng các cuộc biểu tình, bất ổn địa chính trị toàn cầu cũng được dự đoán sẽ đi lên.
Theo ông Daniel Bergstresser - Phó giáo sư tài chính tại Trường Kinh doanh Quốc tế thuộc Đại học Brandeis, vỡ nợ sẽ làm xói mòn niềm tin toàn cầu vào hệ thống chính trị của Mỹ, bởi một phần vị thế của Mỹ trên toàn cầu là dựa trên niềm tin rằng hệ thống chính trị này hoạt động hiệu quả.
Trước cảnh báo Mỹ có nguy cơ vỡ nợ ngay vào đầu tháng 6 tới, Tổng thống Joe Biden dự kiến có cuộc gặp với Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy của đảng Cộng hòa vào ngày 12-5 để đưa ra giải pháp cho vấn đề nới trần nợ công, song sẽ được lui lại sang tuần sau để ông Joe Biden tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 tại Nhật Bản. Theo giới quan sát, dù cả hai bên đều tỏ ra khá cứng rắn về lập trường đàm phán, song khả năng các bên sẽ có những thỏa hiệp và nhượng bộ nhất định vào phút chót để tránh tình trạng chính phủ vỡ nợ, điều có thể sẽ mang lại những hậu quả to lớn khôn lường cho cả nước Mỹ và thế giới.