Diện tích đất canh tác nông nghiệp của Đà Lạt hiện không thể mở rộng do “tứ bề” đã bị rừng thông bao vây.
Từ nhiều năm qua, năng suất rau trên một diện tích đất của nhà nông Đà Lạt cũng đã đạt mức giới hạn. Việc nâng cao hơn nữa năng suất cây rau tưởng chừng không thể.
Thế nhưng, trang trại rau ứng dụng công nghệ cao của gia đình bà Nguyễn Thị Huệ, tại phường 7, TP. Đà Lạt, đã có cách làm mới, đó là đưa rau lên tầng hai của dàn thủy canh. Cách làm này đã giúp năng suất rau tăng thêm 50%. Lợi nhuận thu về cũng tăng tương đương với năng suất rau đạt được.
|
Tăng thêm 50% năng suất rau thủy canh trên cùng diện tích rau thủy canh tại trang trại nhờ "lên tầng" cho rau. Ảnh: Thạch Thảo. |
Để có được trang trại rau thủy canh này, gia đình bà Nguyễn Thị Huệ đã không ngại ngần vung tiền đầu tư. Cứ 1.000 m2 nhà kính để trồng rau nếu được lắp đặt đầy đủ trang thiết bị có giá đầu tư lên tới 1,2 tỷ đồng. Theo chia sẻ của bà Huệ, tổng giá trị đầu tư vào trang trại đã vượt xa con số 100 tỷ đồng.
Đối với các loại rau được trồng theo phương pháp thủy canh, tầng thứ hai được lắp đặt cách tầng thứ nhất khoảng 1 m. Để cho rau lớp dưới hấp thụ được ánh sáng, đủ điều kiện sinh trưởng và phát triển, các thanh giá thể ở tầng trồng rau phía trên được lắt đặt thưa hơn, chỉ bằng 50% các thành của tầng dưới, nhằm tạo ra sự thông thoáng, đủ ánh sáng mặt trời lọt xuống.
Ở trang trại này, rau của cả hai tầng đều phát triển tốt như nhau nhờ vào hệ thống bơm đẩy thủy lực dẫn các chất dinh dưỡng hòa tan trong nước đến đồng đều tới từng gốc rau. Nước và dinh dưỡng được pha theo công thức phù hợp cho cây rau để cung cấp cho các máng trồng.
|
Rau thủy canh giữa tầng một và tầng hai có sự sinh trưởng, phát triển như nhau. Ảnh: Thạch Thảo. |
Rau trồng theo phương pháp thủy canh tiết kiệm được chi phí đầu tư phân bón, lượng nước được kiểm tra chặt chẽ và thu gom xử lý lại chứ không lãng phí nguồn nước tưới như khi canh tác trên đất.
Mặt khác, cây giống cũng được quản lý tốt, hạn chế được tổn hao thất thoát cây giống, kiểm soát được dịch bệnh. Hầu như các loại rau xà lách canh tác theo phương pháp thủy canh của trang trại rất ít bị bệnh. Cây giống sau khi ươm đem vào trồng trên giá thể được 25 ngày thì cho thu hoạch.
“Trên thực tế từ nhiều năm qua, ở những gia đình, doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại Đà Lạt, năng suất rau đã đạt ngưỡng tối đa, rất khó tăng cao hơn nữa. Do vậy, tìm cách để nâng cao năng suất nông sản trên cùng diện tích đất đang trở thành vấn đề bức thiết của ngành nông nghiệp ở Đà Lạt”, ông Đặng Hiệu, người quản lý trang trại nói.
Theo ông Hiệu, khi đã có dàn trồng rau thủy canh, việc nâng cấp lên tầng nữa để trồng rau có chi phí đầu tư thấp nhưng sẽ đem lại hiệu quả kinh tế cao và mang tính ổn định lâu dài. Bất kỳ nông hộ, doanh nghiệp nào cũng có thể thực hiện được phương pháp này.
Rau sạch thủy canh có năng suất, chất lượng và giá bán ra cao hơn hẳn các loại rau được trồng theo phương pháp truyền thống nên chỉ trong thời gian ngắn là có thể thu hồi vốn đầu tư.
Bằng việc lắp đặt thêm tầng trên của dàn trồng rau đã mở ra hướng sản xuất rau mới cho ngành nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại Đà Lạt để tăng năng suất trên một diện tích đất canh tác.
Ông Nguyễn Ngọc Quang, Chủ tịch Hội Nông dân phường 7, TP. Đà Lạt cho biết trồng rau không đất là mô hình hiện đại, ứng dụng được công nghệ cao và là một phương thức nông nghiệp mới của nông dân. Trại rau thuỷ canh của bà Huệ là mô hình tiên phong điển hình ở Đà Lạt.