Một chủ trương nhân văn
Theo ông Lê Trương Hiền Hòa - Phó Giám đốc Sở Du lịch TPHCM, thành phố đã có chủ trương mua lại hoa ế của tiểu thương trong những ngày giáp Tết Giáp Thìn. Tuy nhiên, đây là năm đầu tiên triển khai nên thành phố chỉ mới thực hiện tại khu vực bến Bình Đông (quận 8). Các tiểu thương kinh doanh hoa tại khu vực này nếu còn hoa ế sẽ được mua lại vào chiều 30 Tết.
“Để tiểu thương kinh doanh hoa không phải chở lên rồi lại chở về hay tiêu hủy hoa thì TPHCM sẽ sử dụng quỹ nghĩa tình mua lại hoa khi họ không bán được. Số hoa mua lại sẽ dùng trang trí cho đường hoa tại bến Bình Đông và đặt tên là “Đường hoa nghĩa tình”. Hy vọng việc làm mang tính nhân văn này sẽ đem lại niềm vui cho người dân trong dịp Tết Nguyên đán 2024”, ông Hoà cho biết.
|
Ông Sáu Hoàng (ở TP HCM) đang chăm sóc vườn hoa mai của mình. Ảnh: Duy Anh.
|
Theo đại diện UBND quận 8, ngoài việc trang hoàng đường phố, hoa mua lại sẽ được trang trí tại một số công viên hay khu vui chơi giải trí. Việc mua lại hoa chia sẻ một phần khó khăn với các tiểu thương, tránh cho bà con bị rơi vào cảnh bị người mua ép giá quá mức. Ngoài ra, giảm thiểu việc bà con phải đập bỏ hoa ế, một hình ảnh gây phản cảm thường thấy tại các chợ hoa Tết vào những ngày cuối năm.
Dự kiến vào ngày 30 tháng Chạp năm nay, UBND quận 8 sẽ cùng với Ủy ban MTTQ quận làm việc với các tiểu thương đưa hoa lên bán dịp Tết để thống nhất số lượng hoa, giá cả của từng loại hoa. Việc mua hoa sẽ được triển khai cho tất cả các tiểu thương còn hoa tồn vào ngày cuối năm.
Làm sao để mọi người đều có thể mua được hoa
Sau khi có thông tin thành phố sẽ mua lại hoa cho bà con tiểu thương, đã có nhiều ý kiến từ những tiểu thương và người dân TPHCM chia sẻ trên các diễn đàn, mạng xã hội. Ông Hồ Sỹ Thượng, một tiểu thương chuyên bán hoa tại khu vực chợ Phước Bình (TP Thủ Đức, TPHCM), cho biết những người bán hoa Tết như ông rất vui vì không bị ám ảnh bởi tình trạng hoa ế chiều 30 Tết.
“Tôi chia sẻ niềm vui với những người bán hoa ở chợ Bình Đông. Năm nay họ sẽ không phải đối mặt với khó khăn. Bán thì rẻ mà đem về thì tốn thêm chi phí vận chuyển. Được Nhà nước hỗ trợ mua lại là điều mà người bán hoa nào cũng mong muốn. Hy vọng sang năm sau, thành phố sẽ nhân rộng chủ trương này để những tiểu thương bán hoa như tôi sẽ không phải lo lắng”, ông Bình nói.
Chị Thanh Hoa, một cư dân tại quận Bình Thạnh đã chứng kiến nhiều hình ảnh không đẹp trong chiều 30 Tết khi những chậu hoa rất đẹp bị đập bỏ, nằm ngổn ngang ven đường. “Thương nhất là những người công nhân vệ sinh. Chiều 30 Tết nào họ cũng phải đối mặt với việc dọn dẹp những đống rác lớn ở các chợ hoa Tết. Tôi đã từng ước giá như ai đó đưa số hoa kia ra công viên, các khu vui chơi công cộng”, chị Hoa nói.
Tuy nhiên, có không ít ý kiến phản đối vì cho rằng phải tuân theo nguyên lý của thị trường. Đa số các tiểu thương bán hoa đều bán giá cao vào đầu vụ và hạ giá dần cho tới ngày giáp Tết. Vì thế, hoa bán vào những ngày 30 Tết dù thấp hơn giá thành nhưng không thể nói là người bán bị lỗ nặng. Nếu thành phố mua thì cần phải kèm thêm các điều kiện như giá mua niêm yết công khai, tiểu thương cần báo giá bán hợp lý.
Một thực tế khác, còn nhiều người nghèo lăn lộn mưu sinh, mãi tới chiều 30 Tết mới dám đem chút tiền đi sắm hoa Tết. Giá hoa chiều 30 Tết rẻ, người nghèo mới có cơ hội mua sắm chơi Tết.
Theo Thạc sĩ văn hoá Nguyễn Thành Luân, chủ trương mua hoa ế của thành phố là hoàn toàn đúng đắn, nhân văn, giúp cho thành phố xoá bỏ được hình ảnh đập hoa vốn không đẹp trước đây. “Nhưng cần phải làm cách nào để cho mọi người dân đều có thể mua được hoa và người tiểu thương bán hoa không bị thiệt thòi”, ông Luân nói.