Kết hôn năm 2010, vợ chồng chị Hương anh Đoàn quê ở Hải Dương lên Hà Nội lập nghiệp. Anh Đoàn làm thợ sửa ống nước, chị Hương làm công nhân trong công ty môi trường đô thị. Thời điểm anh chị mới lên thành phố, thu nhập khởi điểm của hai người là 13 triệu đồng.
“Vì thu nhập eo hẹp, nhà lại đi thuê nên ngay từ đầu vợ chồng mình đã phải lập kế hoạch chi tiêu cụ thể cho từng tháng. Mình quy định mỗi tháng vợ chồng chỉ tiêu 70% lương, còn lại 30% dành tiết kiệm”, chị Hương kể.
Với kế hoạch rõ ràng như thế, một tháng vợ chồng chị Hương chỉ tiêu 9 triệu đồng, giữ lại 4 triệu đồng tích lũy.
“Từ năm 2010 đến 2015, giá vàng dao động ở mức 35-37 triệu đồng/lượng, mỗi tháng nhận lương mình mua 1 chỉ vàng tích lũy. Ngoài ra, hàng ngày đi chợ, mình luôn cố gắng tiết kiệm thêm 30.000 đồng, hạn chế mua những thứ không cần thiết. Tiền lẻ còn thừa mình sẽ gom lại để vài ngày đổi thành 10.000, 20.000 bỏ lợn. Cứ như thế, trung mình mỗi tháng mình cũng để dành được khoảng 1 triệu. Sau một năm, mình mổ lợn thu được trên dưới 12 triệu đồng. Số tiền này mình cũng dành để mua vàng”, chị Hương cho hay.
|
Mỗi ngày chị Hương tiết kiệm 30.000 đồng từ tiền đi chợ (Ảnh minh họa) |
Chị Hương nói thêm, trong vòng 5 năm đó, anh chị để dành được 7,5 cây vàng, cộng với 2,5 cây vàng được mừng cưới trước đó là được 10 cây vàng. Lúc này, dưới quê có người quen rao bán 1 mảnh đất nằm ở mặt đường, gần trường học rộng 60m2, giá 380 triệu, vợ chồng chị quyết định bán vàng dồn tiền mua. Thời điểm năm 2015, giá vàng ở mốc 35 triệu đồng/lượng, chị Hương bán 10 cây được 350 triệu đồng. Còn thiếu vài chục triệu, vợ chồng chị vay mượn thêm để lấy mảnh đất.
Năm 2016, chị Hương sinh bé thứ hai. Có thêm thành viên, mọi chi phí sinh hoạt bị đội lên. Tuy nhiên, tổng thu nhập của vợ chồng chị cũng tăng lên 19 triệu đồng, trong đó mình chỉ tiêu 13 triệu đồng, giữ 6 triệu đồng tích lũy.
Mình vẫn duy trì thói quen tích tiền lẻ nuôi lợn nhựa và mua vàng tiết kiệm. Tính ra mỗi tháng, mình mua được 2 chỉ vàng cất đi. Điều đặc biệt, tuy nuôi lợn là để tích cóp tiền lẻ nhưng tính ra 5 năm đầu vợ chồng mình cũng tích được 60 triệu đồng, tương gần 2 cây vàng. Mình thấy con số này không phải là nhỏ. Rõ ràng, việc tích kiệm từ những đồng tiền lẻ phát huy khá hiệu quả”, chị Hương chia sẻ.
Năm 2018, mảnh đất của chị Hương dưới quê bất ngờ tăng giá mạnh do nằm trên trục đường chính, lại gần trường học và khu di tích lịch sử mới được sửa chữa mở rộng. “Tháng 5/2018, có người trả mảnh đất đó 1,2 tỷ đồng, vợ chồng mình quyết định bán và thêm tiền đầu tư mua 2 mảnh đất dịch vụ ở khu vực Hà Đông, mỗi mảnh rộng 35m2 với giá 700 triệu đồng/mảnh”, chị nói.
Đến tháng 8/2020, vàng đạt giá kỷ lục 65 triệu đồng đồng/lượng, lúc đó vợ chồng chị Hương đã tích được 11 cây vàng. Tranh thủ được giá, anh chị quyết định bán hết số vàng, thu được 715 triệu đồng. Lúc này, anh chị vẫn chưa có ý định mua nhà mà tiếp tục thuê trọ để dồn tiền mua đất đầu tư tiếp.
“Tuy nhiên lần này, mình bàn với chồng sẽ mua một mảnh đất có giá trị cao hơn để khả năng sinh lời nhiều và dễ bán hơn. Sau 1 tháng săn lùng, vợ chồng mình mua được một mảnh đất dịch vụ ở quận Thanh Xuân, rộng 40m2, mặt tiền 3,5m với giá 1,2 tỷ đồng. Vì không đủ tiền nên vợ chồng phải vay mượn anh em. Tuy nhiên, khoản nợ này với vợ chồng mình cũng không quá áp lực, mình dự tính chỉ trong vòng 1 năm sẽ trả hết nợ”.
Ngoài ra, chị Hương cho hay, cả 3 mảnh đất trước đó của chị nay đều lên giá. 2 mảnh ở khu Hà Đông có người trả mỗi mảnh 1,3 tỷ đồng, riêng mảnh ở quận Thanh Xuân có người trả 2,2 tỷ đồng nhưng anh chị chưa có ý định bán.
Chị Hương tâm sự, thành quả ngày hôm nay anh chị có được là do sự cố gắng, nỗ lực phấn đấu hết mình. Từ kinh nghiệm của bản thân, chị Hương đưa ra lời khuyên cho mọi người là trong quản lý kinh tế, cần lập kế hoạch và chi tiêu đúng nguyên tắc đề ra; đồng thời, cũng phải biết trân trọng, tiết kiệm từ những đồng tiền lẻ. Giống như vợ chồng chị, hiện đã có tiền tỷ trong tay nhưng anh chị vẫn nuôi lợn nhựa, có gắng tiết kiệm thêm 30.000 đồng mỗi ngày.