Cụ thể, theo Tổng cục Hải quan, trong hai tháng đầu năm 2017, Việt Nam chi 164 triệu USD để nhập khẩu rau quả, tức mỗi tháng chi hơn 80 triệu USD.
|
Lực lượng chắc năng ở cửa khẩu hải quan Lạng Sơn kiểm tra lô quýt Trung Quốc trước khi nhập khẩu vào Việt Nam. Ảnh: Việt Tùng |
Trong đó, rau quả nhập từ Thái Lan và Trung Quốc chiếm tới 70% kim ngạch nhập khẩu rau quả của Việt Nam với hơn 114 triệu USD trong hai tháng đầu năm.
Như vậy, mỗi ngày Việt Nam chi khoảng 2 triệu USD (tương đương hơn 44 tỷ đồng) nhập rau củ quả từ hai thị trường trên. Điều đáng nói, bên cạnh các sản phẩm trái cây xứ lạnh, trái cây ôn đới mà Việt Nam không sản xuất được, phần lớn rau củ quả nhập khẩu từ Thái Lan, Trung Quốc… đều tương tự các sản phẩm có sẵn trong nước.
Thái Lan là thị trường nhập rau quả lớn nhất của Việt Nam từ đầu năm đến nay với 83 triệu USD, chiếm 50% kim ngạch với các sản phẩm gồm xoài, mãng cầu, me, sầu riêng, mít, măng cụt, chôm chôm… Còn với Trung Quốc, Việt Nam nhập khẩu rau củ quả trị giá 32 triệu USD trong 2 tháng đầu năm, chủ yếu là bắp cải, xà lách, khoai tây, cam, táo...
|
Cán bộ kiểm dịch "soi" trái cây Trung Quốc trước khi cho thông quan. Ảnh: Việt Tùng |
Theo ông Nguyễn Văn Hòa – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Cây ăn quả miền Nam, tâm lý “sính ngoại” và do “khuất mắt” nên nhiều người tiêu dùng trong nước chuộng mua hàng nhập khẩu. Đối với trái cây Thái, dù cùng loại với trái cây Việt Nam, tuy nhiên, một số loại có mùa vụ thu hoạch kéo dài, hương vị, chủng loại có đa dạng hơn, mẫu mã được chăm chút hơn… nên lấy được lòng người Việt.