Mô hình “Siêu ủy ban” của các nước trên thế giới như thế nào?

Google News

(Kiến Thức) - Mô hình thành lập "Siêu ủy ban" tổ chức quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp xuất hiện ở nhiều nước. Tuy nhiên, hoạt động hiệu quả ở mỗi quốc gia lại khác nhau. 

Ngày 30/9, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (Siêu Uỷ ban) chính thức ra mắt tại Hà Nội. Kể từ 1/10/2018, 19 Tập đoàn, tổng công ty sẽ chuyển sở hữu nhà nước về uỷ ban, dự kiến đơn vị này sẽ quản lý hơn 1 triệu tỷ đồng phần vốn nhà nước, với tổng tài sản hơn 2,3 triệu tỷ đồng.
Trong số các ý tưởng xây dựng một tổ chức kiểm soát và quản lý vốn Nhà nước của các nước trên thế giới, Temasek Holdings của Singapore được xem là hình mẫu về quản lý vốn quốc gia lớn nhất hiện nay.
Temasek Holdings của Singapore
Temasek Holdings được Chính phủ Singapore thành lập năm 1974 với cổ đông duy nhất đến nay là Bộ Tài chính Singapore.
Mo hinh
Temasek Holdings của Singapore được xem là hình mẫu về quản lý vốn quốc gia lớn nhất hiện nay. Ảnh: Yahoo.
Ban đầu, Temasek Holdings tập trung đầu tư nắm giữ cổ phần trong các công ty nhà nước Singapore có vai trò trọng yếu đối với nền kinh tế trong các lĩnh vực bất động sản, tài chính, hàng không, viễn thông như: Tập đoàn Hàng không Singapore Airlines, Tập đoàn Năng lượng SingPower, Tập đoàn Viễn thông SingTel.
Năm 2002, Temasek Holdings mở rộng hoạt động đầu tư ra nước ngoài, tăng lợi nhuận và giảm thiểu rủi ro. Đến 2011, hoạt động đầu tư của Temasek đã vươn ra trên toàn thế giới.
Tính đến 31/3/2018, giá trị tài sản ròng của Temasek đạt 308 tỷ đôla Singapore (khoảng 235 tỷ USD), gấp 4 lần so với năm 2002.
Dù là doanh nghiệp thuộc sở hữu Nhà nước nhưng Temasek Holdings hoạt động độc lập và tự chủ trong các quyết định đầu tư, không bị chi phối bởi nhóm chính trị gia hoặc Chính phủ. Các thành viên trong bộ máy quản trị là các cá nhân độc lập, thuộc mọi tầng lớp, tự chịu trách nhiệm đối với các quyết định điều hành của mình.
Temasek là một trong số ít tổ chức thuộc sở hữu của Nhà nước công bố báo cáo tài chính và minh bạch hoạt động đầu tư dù được quyền miễn trừ
SASAC - Ủy ban giám sát và quản lý tài sản nhà nước tại doanh nghiệp của Trung Quốc
Năm 2003, Ủy ban giám sát và quản lý tài sản nhà nước SASAC được Chính phủ Trung Quốc thành lập có nhiệm vụ chính là đại diện chủ sở hữu các doanh nghiệp nhà nước, hoặc cổ đông nhà nước của các doanh nghiệp có vốn nhà nước, giám sát giải quyết các vấn đề trong hoạt động hàng ngày tại các doanh nghiệp nhà nước.
Mo hinh
Hoạt động của SASAC bộc lộ nhiều hạn chế. Ảnh: Wiki.
Sự ra đời của SASAC đã tác động đến hiệu quả chung của nhóm doanh nghiệp nhà nước tại Trung Quốc. Chẳng hạn như lợi nhuận gộp năm 2017 tại khối doanh nghiệp nhà nước tăng 15% - tốc độ nhanh nhất trong 5 năm - lên 1.400 tỷ NDT (tương đương 219 tỷ USD).
Tuy nhiên, hoạt động của SASAC cũng bộc lộ một số hạn chế như mô hình vận hành của SASAC không tuân theo cơ chế thị trường.
Hơn nữa, SASAC chưa tiến hành công khai minh bạch tình hình tài chính.
Trước tình trạng này, Chính phủ Trung Quốc đã đề ra việc cải tổ SASAC như một yêu cầu tất yếu trong chuỗi nhiệm vụ cải cách doanh nghiệp nhà nước, định hướng về việc tách biệt 2 chức năng quản lý vốn nhà nước và chức năng quản trị doanh nghiệp.
Khazanah của Malaysia
Một tổ chức khác của Maylaysia cũng đạt được một số thành công nhất định là Khazanah. Thành lập từ năm 1993, Khzanah có nhiệm vụ quản lý các khoản vốn đầu tư do Chính phủ Malaysia giao, thực hiện các khoản đầu tư mới trong các ngành, lĩnh vực mang tính chiến lược, lĩnh vực công nghệ cao và tìm kiếm các khoản đầu tư chiến lược ở nước ngoài, quản lý có hiệu quả vốn, tài sản của Chính phủ tại các doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp khác.
Khazanah là cổ đông chi phối tại 9 công ty chiến lược của Malaysia bao gồm Tenaga Nasional, Telekom Malaysia, Proton, Tập đoàn UEM, Plus, Ngân hàng RHB, Malaysia Airports, PMB và Malaysia Airlines.
Mo hinh
Khazanah của Malaysia đạt được một số thành công nhất định. Ảnh: Vulcan Post.
Tính tới cuối năm 2017, giá trị tài sản ròng của Khazanah đạt khoảng 38 tỷ USD, tăng hơn 2 lần so với năm 2004.
Ngoài ra, Khazanah cũng là nhà đầu tư chủ yếu trong các ngành, lĩnh vực chiến lược như cơ sở hạ tầng, dịch vụ công cộng, dịch vụ tài chính, hàng không, công nghệ và truyền thông.
Từ những mô hình "Siêu ủy ban" đi trước của các nước bạn, Việt Nam sẽ có thêm nhiều kinh nghiệm tham khảo để định hướng đường lối hoạt động và tổ chức, cho phép chúng ta kỳ vọng sẽ đạt được một tổ chức hiệu quả trong tương lai.
Hoàng Minh (tổng hợp)

>> xem thêm

Bình luận(0)