Theo ghi nhận, tại khu vực miền Bắc, giá lợn hơi hôm nay (16/5) tiếp tục tăng 1.000 đồng/kg và dao động từ 65.000 - 67.000 đồng/kg.
Tại khu vực miền Trung, giá lợn hơi tăng 1.000 đồng/kg trong phạm vi hẹp và dao động từ 62.000 - 65.000 đồng/kg. Còn tại khu vực phía Nam, giá lợn hơi tăng nhẹ và trong khoảng 62.000 - 65.000 đồng/kg.
So với thời điểm đầu năm 2024, giá lợn hơi đã tăng khoảng 25%. Đây cũng là mức giá cao nhất trong vòng 1 năm qua.
Chia sẻ với PV Tiền Phong, ông Lê Minh Hiền (xã Tuân Chính, huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) cho biết, sau thời gian dài ảm đạm, giá lợn hơi liên tục tăng trong mấy tháng trở lại đây giúp người nuôi rất phấn khởi. Mấy hôm nay, tranh thủ giá bán cao, ông liên tục cho xuất chuồng hàng chục con lợn đến lứa.
Theo ông Hiền, nguyên nhân giá lợn hơi tăng do thiếu hụt nguồn cung. Dịch tả lợn châu Phi diễn biến phức tạp nên thời gian qua người nuôi cũng dè dặt tái đàn. Song nếu mức giá này duy trì ổn định, ông sẽ mạnh dạn tái đàn.
|
Giá lợn hơi tăng mạnh trở lại giúp người nuôi có lãi sau thời gian dài thua lỗ.
|
Ông Nguyễn Trung Tiến (huyện Khoái Châu, Hưng Yên) cho biết, đang nuôi 60 lợn nái và 400 lợn thịt. Với giá lợn hơi vượt mốc 65.000 đồng/kg, ông Tiến tính toán một con lợn thịt khoảng 100kg xuất chuồng, sau khi trừ chi phí, người nuôi còn lãi từ 800 nghìn đồng – 1 triệu đồng /con.
“Hiện giá thức ăn chăn nuôi cũng được điều chỉnh giảm từ 300-400 đồng/kg, giúp người nuôi giảm bớt gánh nặng. Nhiều người chăn nuôi đang ngóng thêm tình hình dịch bệnh để vào lứa mới”, ông Tiến cho hay.
Giá thịt lợn liên tục tăng đã giúp các doanh nghiệp chăn nuôi ăn nên làm ra trong quý đầu năm nay. Cụ thể, Công ty cổ phần Nông nghiệp BaF Việt Nam ghi nhận doanh thu hợp nhất gần 1.300 tỷ đồng, tăng 58% so với cùng kỳ năm ngoái. Sau khi trừ chi phí và thuế, công ty đạt lợi nhuận sau thuế hợp nhất gần 120 tỷ đồng, gấp 30,5 lần so cùng kỳ năm ngoái.
Công ty cổ phần Tập đoàn Dabaco có kết quả kinh doanh quý I ấn tượng khi doanh thu đạt hơn 3.250 tỷ đồng, tăng 41%. Lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp đạt 73 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái lỗ 321 tỷ đồng.
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Xuân Dương - Chủ tịch Hội chăn nuôi Việt Nam cho rằng, việc giá lợn dao động quanh 65.000 đồng là mức giá hợp lý để người chăn nuôi lấy lại thế cân bằng sau thời gian dài bị thua thiệt
Theo ông Dương, nguyên nhân giá lợn hơi Việt Nam biến động mạnh vì quy mô chăn nuôi thiếu ổn định, quy hoạch và dịch bệnh diễn biến phức tạp... khiến tổng nguồn cung giảm sút.
Trong giai đoạn trước Tết, dịch bệnh xảy ra diện rộng khiến người dân ồ ạt bán lợn "non". Điều này khiến giá lợn hơi giảm sâu xuống khoảng 52.000 - 53.000 đồng/kg. Do đó, trong những tháng đầu năm, nguồn cung (loại đủ khối lượng xuất chuồng) suy giảm đẩy giá tăng cao.
Ông Dương cho biết, hiện giá lợn hơi ở Thái Lan, Trung Quốc đều neo mức cao nên dự báo giá lợn hơi trong nước có thể cán mốc 70.000 đồng/kg trong thời gian tới.
Theo số liệu của Cục Chăn nuôi - Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), tính đến thời điểm cuối tháng 4, tổng đàn lợn của cả nước khoảng hơn 28 triệu con, tăng khoảng 3,7% so với cùng thời điểm năm ngoái.
Sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng tại một số tỉnh tại Tây Nguyên và Đông Nam Bộ đang có tốc độ tăng trưởng khá cao do các doanh nghiệp chăn nuôi mở rộng sản xuất. Nhiều doanh nghiệp mới đi vào hoạt độ khiến nguồn cung trong giai đoạn cuối năm có thể tăng.