Lương, thưởng của sếp DNNN có thể hơn 3,92 tỷ đồng/năm

Google News

Tổng số tiền lương và thưởng của một lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước (DNNN) có thể đạt mức trên 3,92 tỷ đồng/năm.

Tăng lương cơ bản lên 70 triệu đồng/tháng
Theo quy định hiện nay, lương cơ bản tối đa của lãnh đạo DNNN là 36 triệu đồng/tháng. Trong trường hợp lợi nhuận của DN đạt mức cao thì lương thực tế có thể đạt 151 triệu đồng/tháng. Các DN xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh hàng năm và căn cứ theo đó để đưa ra mức lương cho lãnh đạo.
Để thay đổi cơ chế tiền lương lãnh đạo DNNN, Bộ LĐTB&XH vừa đưa ra lấy ý kiến dự thảo nghị định Thí điểm quản lý lao động, tiền lương, tiền thưởng đối với người lao động và người quản lý tại công ty mẹ của VNPT, Vietnam Airlines và Tổng công ty Quản lý bay VN (VATM).
Theo đó, lương, thưởng tại các đơn vị trên được xác định theo năng suất lao động, hiệu quả sản xuất, kinh doanh, hướng tới bằng tiền lương trên thị trường. Các DN này được thuê ban điều hành theo hợp đồng lao động.
Luong, thuong cua sep DNNN co the hon 3,92 ty dong/nam
 Lương cơ bản của lãnh đạo DNNN có thể tăng lên 70 triệu đồng/tháng.
Đơn vị soạn thảo đề xuất mức lương cơ bản áp dụng với chủ tịch HĐTV, HĐQT của DN loại 1 là 70 triệu, loại 2 là 60 triệu đồng/tháng; lương thành viên HĐTV, HĐQT, trưởng ban kiểm soát của DN loại 1 là 60 triệu, loại 2 là 50 triệu đồng/tháng; lương kiểm soát viên DN loại 1 là 50 triệu, loại 2 là 40 triệu đồng/tháng.
Đơn vị soạn thảo đưa ra 2 phương án về phân loại DN, theo vốn chủ sở hữu và doanh thu, hoặc ấn định Vietnam Airlines, VNPT thuộc loại 1, VATM loại 2.
Từ mức lương cơ bản trên, các DN xây dựng bảng lương kế hoạch hàng năm theo kế hoạch sản xuất, kinh doanh. Nếu lợi nhuận kế hoạch bằng hoặc hơn năm trước sẽ có mức lương kế hoạch tối đa bằng 2 lần lương cơ bản (tối đa 140 triệu đồng)...
Lương thực nhận của lãnh đạo DNNN sẽ căn cứ theo mức độ hoàn thành nhiệm vụ và kết quả kinh doanh lợi nhuận thu được. Trong trường hợp lợi nhuận vượt kế hoạch, lương thực tế các thành viên lãnh đạo tính theo nguyên tắc cứ 1% vượt kế hoạch được cộng thêm 2% tiền lương, nhưng tối đa bằng 2 tháng tiền lương kế hoạch (tức tối đa có thể đạt 280 triệu đồng/tháng).
Theo quy định hiện hành, trường hợp đặc biệt, lương lãnh đạo cao nhất cũng chỉ đạt 151 triệu đồng/tháng (tối đa hơn 1,8 tỷ đồng/năm).
Về tiền thưởng của người lao động và ban điều hành, nếu lợi nhuận đạt kế hoạch, sẽ được thưởng tối đa 2 tháng tiền lương thực hiện (tối đa 1 năm thưởng 280 triệu đồng); nếu lợi nhuận không đạt kế hoạch, tiền thưởng tối đa không quá 2 tháng tiền lương thực hiện nhân với tỷ lệ (%) không đạt.
Với HĐTV, HĐQT, ban kiểm soát, thưởng tối đa 2 tháng lương thực hiện nếu lợi nhuận vượt kế hoạch; thưởng tối đa 1,5 tháng lương nếu đạt kế hoạch; nếu lợi nhuận không đạt kế hoạch được thưởng tối đa 1,5 tháng lương nhân với tỷ lệ (%) không đạt kế hoạch...
Như vậy, nếu nghị định trên được thông qua, tổng số tiền lương và thưởng của 1 lãnh đạo DNNN có thể đạt mức trên 3,92 tỷ đồng/năm. Thời gian thí điểm tính từ năm 2019 tới khi Chính phủ có quy định khác.
Chênh lệch lớn
Trao đổi với VietNamNet, ông Mai Đức Chính, nguyên Phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động VN cho rằng, nếu so mức lương quản lý DNNN với khu vực cán bộ lãnh đạo nhà nước hiện nay còn có sự bất hợp lý.
"Lương lãnh đạo DNNN tính theo hiệu quả sản xuất kinh doanh, nhưng khoảng cách nên vừa phải và cân đối với khu vực công chức. Hiện nay mức lương 36 triệu đồng/tháng đối với lãnh đạo DNNN vẫn hơi thấp so với thị trường, nhưng cần cân đối với khu vực công chức nhà nước", ông Chính nói.
Ông Chính cũng nêu thực tế bất hợp lý hiện nay khi một vụ trưởng, thậm chí thứ trưởng lương cao nhất chỉ 10-15 triệu đồng/tháng, nhưng khi điều xuống làm Chủ tịch HĐTV (như ở Bộ GTVT hay Bộ Công thương) thì tăng lên 36 triệu đồng/tháng. Nếu cuối năm DN đạt hiệu quả kinh doanh tốt thì mức lương sẽ rất cao.
Do vậy, ông cho rằng việc tăng lương cho lãnh đạo DNNN nên điều chỉnh vào năm 2021 cho đồng bộ giữa khu vực DNNN và khu vực công chức. Lúc đó lương cán bộ công chức cũng được điều chỉnh tăng lên theo vị trí việc làm chứ không như ngạch bậc hiện nay.
Lương tăng phải gắn với trách nhiệm
Theo ông Phạm Minh Huân, nguyên Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH, hiện nay lương DNNN thấp hơn thị trường nên việc thay đổi cơ chế tiền lương của lãnh đạo và người lao động là cần thiết. Tuy nhiên, mức lương phải gắn với hiệu quả sử dụng vốn, lợi nhuận và trách nhiệm.
Với DN tư nhân, người lãnh đạo là người bỏ vốn vào DN, hoặc được thuê với các yêu cầu công việc cụ thể. Mức lương được đưa ra sẽ có điều kiện cụ thể, như lợi nhuận bao nhiêu, làm những công việc gì, làm không tốt thì bị sa thải... Trong khi DNNN vốn là của nhà nước, dù có thua lỗ vẫn giữ chức, được nhận lương đầy đủ.
Ngoài ra, theo ông Huân, cần phải tách bạch được nhiệm vụ kinh doanh và nhiệm vụ chính trị - xã hội của các DNNN. Điều quan trọng nữa là cơ chế tài chính phải rạch ròi.
Ông Huân cho rằng, nhà nước cần có cơ chế ngăn tình trạng đầu năm đưa ra kế hoạch thấp để cuối năm lấy thành tích là tăng trưởng vượt kế hoạch.
Ông cũng đề xuất áp dụng cơ chế thuê lãnh đạo, thay vì bổ nhiệm như hiện nay. Nếu áp dụng cơ chế thuê, tất cả lãnh đạo điều hành sẽ có các mức lương cụ thể gắn với các yêu cầu về doanh thu, lợi nhuận rõ ràng.
Theo Vũ Điệp/Vietnamnet

>> xem thêm

Bình luận(0)