Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành Thông tư 11/2023/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung Thông tư 43/2015/TT-NHNN quy định hoạt động của các phòng giao dịch bưu điện trực thuộc Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LPBank, HoSE: LPB). Thông tư này sẽ có hiệu lực từ ngày 15/10.
Theo diễn giải của Chứng khoán VietCap (VCSC), thông tư 11 đưa ra một số thay đổi đáng kể.
Thứ nhất, LPB không còn được phép thành lập phòng giao dịch bưu điện mới.
Thứ hai, phòng giao dịch bưu điện không được thực hiện hoạt động nhận tiền gửi tiết kiệm sau thời hạn 7 ngày làm việc kể từ ngày Bưu điện Việt Nam (cổ đông lớn sở hữu 8,13% cổ phần của LPB) thoái vốn còn dưới 5% vốn điều lệ của LPB.
Trong trường hợp tiền gửi thu được thông qua phòng giao dịch bưu điện đáo hạn, phòng giao dịch bưu điện phải có biện pháp chi trả hết tiền gửi tiết kiệm của khách hàng.
Trường hợp không chi trả hết tiền gửi tiết kiệm đến hạn, LPB tiếp nhận, xử lý theo quy định nội bộ, quy định của pháp luật về tiền gửi tiết kiệm và chấm dứt hoạt động phòng giao dịch bưu điện.
Cũng cần lưu ý rằng LPB đang trong quá trình thực hiện kế hoạch phát hành quyền có ngày giao dịch không hưởng quyền là 22/8, VCSC chưa có thông tin về kết quả của kế hoạch này và tỷ lệ sở hữu của Bưu điện Việt Nam tại LPB có thể thay đổi sau khi phát hành quyền.
Thứ ba, phòng giao dịch bưu điện sẽ phải ngừng hoạt động sau khi đã đáp ứng các nghĩa vụ tài chính liên quan đến tiền gửi của khách hàng hoặc khi LPB đảm nhận trách nhiệm nếu khoản tiền gửi không được thanh toán đầy đủ khi đáo hạn.
Theo quan điểm của VCSC, với Thông tư 11, LPB sẽ không thể khai thác mạng lưới phòng giao dịch bưu điện của ngân hàng trong dài hạn (cụ thể, sau khi Bưu điện Việt Nam giảm tỷ lệ sở hữu xuống 5%). Do đó, ngân hàng có thể cần xem xét việc tăng lãi suất tiền gửi tại các chi nhánh và phòng giao dịch ngân hàng để thu hút tiền gửi của khách hàng.
Tuy nhiên, chi phí gia tăng từ việc huy động tiền gửi của khách hàng tại các chi nhánh và phòng giao dịch ngân hàng có thể được bù đắp một phần bằng việc giảm khoản hoa hồng trả cho Bưu điện Việt Nam đối với tiền gửi thu được thông qua phòng giao dịch bưu điện.
Hiện LPB đang giao quyền cho Bưu điện Việt Nam thu các khoản tiền gửi; thay vào đó, LPB trả hoa hồng cho Bưu điện Việt Nam dựa trên số dư tiền gửi thu được tại mỗi phòng giao dịch bưu điện, theo tìm hiểu của VCSC.
Nếu tính cả các phòng giao dịch bưu điện, LPB sở hữu mạng lưới lớn thứ hai tại Việt Nam vào cuối năm 2022. Trên thực tế, LPB đã nâng cấp nhiều phòng giao dịch bưu điện thành phòng giao dịch ngân hàng trong 5 năm qua (347 phòng giao dịch bưu điện được nâng cấp thành phòng giao dịch ngân hàng từ năm 2017 đến năm 2022).
Nếu loại trừ phòng giao dịch bưu điện, mạng lưới của LPB vẫn xếp thứ năm trong số các ngân hàng được khảo sát và xếp thứ nhất trong số các ngân hàng tư nhân thuộc phạm vi theo dõi của VCSC.
Những lo ngại có thể phát sinh liên quan đến hoạt động của các phòng giao dịch bưu điện được nâng cấp (có chức năng như các điểm giao dịch ngân hàng hợp pháp nằm bên trong các phòng giao dịch của Bưu điện Việt Nam) sau khi Bưu điện Việt Nam thoái vốn khỏi LPB. VCSC kỳ vọng không có tác động đáng kể do hợp đồng hợp tác giữa LPB và Bưu điện Việt Nam được ký ngày 23/06/2011 có thời hạn 50 năm.
Ngoài ra, các điều khoản của hợp đồng này chỉ có thể được sửa đổi khi có thỏa thuận bằng văn bản có chữ ký của 2 bên; do đó, không bên nào được phép đơn phương chấm dứt hợp đồng trước thời hạn mà không có sự đồng ý của bên kia - trừ trường hợp phải chấm dứt hợp tác theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền hoặc một trong các bên rơi vào tình trạng phá sản.
Điều đáng chú ý là so với dự thảo đề nghị sửa đổi, bổ sung Thông tư 43, Thông tư 11 vẫn cho phép LPB nâng cấp phòng giao dịch bưu điện thành phòng giao dịch ngân hàng. Tuy nhiên, thủ tục cũng tương tự như việc thành lập phòng giao dịch ngân hàng mới theo quy định của pháp luật có liên quan.