Loài vật là "nỗi khiếp sợ" của nhà nông
Theo thông tin do VTV24 chia sẻ, bọ xít đen, loài vật từng là "kẻ phá hoại" khiến nhiều chủ nhà vườn khiếp sợ nay bỗng trở thành mặt hàng được thương lái Trung Quốc săn lùng.
VTC News cho hay, trên các hội nhóm trên mạng xã hội, người dùng dễ dàng bắt gặp được bài đăng tìm mua bọ xít đen tại nhiều địa phương như Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hóa...với giá cao ngất ngưởng, dao động 3 - 8 triệu đồng/kg tùy loại. Họ cho biết loại bọ xít này không dùng làm thực phẩm mà được thương lái Trung Quốc mua về làm thuốc.
|
Trên mạng xã hội, rất dễ bắt gặp bài đăng tìm mua bọ xít đen với giá cao. (Ảnh: 24h)
|
Việc ồ ạt thu mua bọ xít đen không phải mới diễn ra, nhiều thương lái Trung Quốc đã bắt đầu thu mua kể từ năm 2017 đến nay. Bất kỳ thời điểm nào, cứ có người bắt được bọ xít là thương lái sẽ mua hết và giá cả phụ thuộc vào từng thời điểm. Hiện tại, bọ xít non đang được thu mua giá rất cao từ 6 - 7 triệu đồng/kg. Nhiều thương lái còn thu mua với mức 8 triệu đồng/kg đối với loại khô.
Chuyên gia nói gì về loài vật này
Bọ xít đen là loài côn trùng thế nào?
Theo Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, bọ xít đen hay còn gọi là bọ xít hôi (Danh pháp khoa học: Scotinophora lurida Burm Scotinophora coarctata) là một loài bọ xít thuộc họ Podopidae. Chúng thuộc bộ Hemiptera và là loài gây hại trên cây lúa.
Đặc điểm hình thái của bọ xít đen là trứng hình cốc, mới đẻ màu xanh nhạt, sau có màu nâu đỏ hoặc nâu xẫm. Trứng đẻ thành ổ, xếp hai hàng. Bọ xít đen mới nở hình hơi tròn, mắt kép màu đỏ, thân màu đỏ nâu, không cánh, đẫy sức màu tro nâu.
Con trưởng thành màu nâu đen, con cái có thân dài hơn con đực. Thân có hình bầu dục, lưng và bụng nhô ra như nhau. Phiến mai dài tới cuối bụng nhưng bề ngang không che hết bụng. Phiến giữa và phiến cạnh của đầu dài bằng nhau. Góc trước mảnh lưng ngực mọc ngang ra một gai không dài, không nhọn. Góc cạnh mảnh lưng ngực trước có một mấu lồi ngắn, không nhọn. Mắt đơn màu đỏ nhạt. Bàn chân và râu màu nâu tro.
|
Điều kiện phát sinh của bọ xít đen là vào mùa xuân, mùa hè và mùa thu. (Ảnh: 24h)
|
Bọ xít trưởng thành hoạt động giao phối phần lớn vào 6-7 giờ chiều, mỗi con cái giao phối 4-5 lần, sau giao phối khoảng 1 tuần thì đẻ trứng. Một con cái có thể đẻ 10-600 trứng (trung bình trên dưới 190 trứng). Bọ xít trưởng thành đẻ trứng trên bẹ lá cách mặt đất 10 xm trở xuống, có khi đẻ ở chóp lá lúa hoặc trên cỏ dại. Trứng đẻ thành 2 hàng. Bọ xít non mới nở sống tập trung quanh vỏ trứng, đến tuổi 2 thì phân tán, nấp dưới khóm lúa để hút nhựa cây. Từ sau tuổi 3 trở đi thì hoạt động giống trưởng thành.
Điều kiện phát sinh của bọ xít đen là vào mùa xuân, mùa hè và mùa thu. Bọ xít đen thích ứng với nhiều giống lúa và có khả năng chống chịu tốt với điều kiện bất thuận. Ruộng cấy sớm, lốp, nhiều cỏ dại bọ xít đen thường phát sinh gây hại nặng. Ruộng lúa nước bị hại nặng hơn lúa cạn. Lúa giai đoạn trỗ bông bị hại nặng, đặc biệt là khi ruông không bổ sung thêm nước trong quá trình chín.
Bọ xít non và trưởng thành đều gây hại bằng cách chích hút nhựa làm lúa vàng, héo, cây thấp lùn, đẻ nhánh kém, trổ bông kém, hạt bị lép, lửng, nếu mật số cao có thể gây cháy cục bộ. Với bọ xít trưởng thành, nếu trời có nắng, bọ xít chui vào ẩn nấp dưới thân, gốc lúa rồi chích hút nhựa. Trời râm mát thì bọ xít trưởng thành và con non bò lên lá để phá hại làm cho lá lúa có những điểm đốm vàng dẫn đến lúa phát triển kém. Nếu bị nặng, toàn cây khô héo và chết từng khóm. Cây lúa ở thời kì trỗ bị bọ xít gây hại nặng thì bông lúa bị lép hoặc bạc trắng ảnh hưởng lớn đến năng suất.
Theo ghi nhận bọ xít đen ít khi xuất hiện trong vụ đông xuân (từ tháng 11 đến tháng 3), nhưng phổ biến hơn trong vụ hè thu (tháng 4 đến tháng 8) do thời tiết nóng, ẩm, mưa nắng xen kẽ.
Trả lời phỏng vấn trên Sức khỏe & Đời sống, Giáo sư Bùi Công Hiển, Hội Côn trùng học Việt Nam cho biết, bọ xít đen những năm gần đây nó gây hại nặng ở nhiều nơi trong vùng Đồng Tháp Mười (Thạnh Hoá, Mộc Hoá, Vĩnh Hưng, Tháp Mười, Tam Nông…) nói riêng và Đồng bằng sông Cửu Long (Vĩnh Long, Cần Thơ…) nói chung làm ảnh hưởng đáng kể tới năng suất và phẩm chất lúa trong khu vực.
Ông chia sẻ rằng một số loài bọ xít đã được khai thác làm thực phẩm như bọ xít hôi (Leptocorisa acuta), bọ xít xanh (Nezara viridula), bọ xít đen (Scotinophara spp) và bọ xít hại nhãn vải (Tesaratoma papillosa)... Trong đó, bọ xít nhãn vải là loài được khai thác với số lượng nhiều nhất để làm thực phẩm.
Tuy nhiên, GS.TS Bùi Công Hiển cũng khuyến cáo "Khi sử dụng bọ xít làm thực phẩm, đã có những trường hợp bị ngộ độc nặng, thậm chí là tử vong". Nguyên nhân gây ra tình trạng này rất khó để biết nguyên nhân, có thể là do dính thuốc trừ sâu, hoặc lẫn côn trùng đã chết bị nấm ký sinh...
Ngoài ra, chưa có nghiên cứu thành phần sinh hóa về các loài này mà mới chỉ dừng ở vòng đời, thời kỳ phát sinh, phát triển để có lịch phòng trừ, vì đa số chúng hại cây trồng.
Theo GS Bùi Công Hiển, về bản chất vật này chủ yếu gây hại nên việc thương lái thu mua chúng không ảnh hưởng nhiều đến môi trường sinh thái. Mục đích của việc thu mua này có thể là sử dụng làm một vị thuốc trong Đông y, song đến nay cũng chưa có cơ sở khoa học nào khẳng định tác dụng chữa bệnh của chúng.