Đất nước Trung Hoa từ lâu đã có văn hóa thưởng trà kéo dài hàng nghìn năm. Trong đó, một số loại trà hiếm, có thể bảo quản lâu năm được bán với mức giá đắt hơn vàng, chẳng hạn như trà Đại Hồng Bào chiết xuất từ cây cổ thụ trên núi Vũ Di, tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc.
|
Trà Đại Hồng bào có giá đắt hơn vàng vì được chiết xuất từ cây cổ thụ nằm cheo leo ở lưng chừng núi đá, vô cùng khó lấy trên núi Vũ Di, tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc. (Ảnh: AliExpress) |
Truyền thuyết kể lại rằng một thái hậu thời Minh đã khỏi bệnh sau khi uống loại trà này. Hoàng đế nhà Minh sau đó đem 'mặc' cho bốn cây trà trên núi Võ Di chiếc áo màu đỏ, đây cũng chính là nguồn gốc tên trà Đại Hồng Bào (chiếc áo choàng lớn màu đỏ).
Cây cổ thụ Đại Hồng Bào nằm trong khu Cửu Long Khoa, nằm cheo leo trên vách núi Vũ Di dựng đứng. Cây chè có tuổi đời 350 năm này chỉ có vỏn vẹn 3 thân và 6 gốc. Chúng thậm chí còn được liệt vào danh sách di sản tự nhiên và văn hóa thế giới.
|
Cây cổ thụ Đại Hồng Bào trong khu Cửu Long Khoa, nằm cheo leo trên vách núi Vũ Di dựng đứng. (Ảnh: news.ynet.com) |
Trên vách núi đó còn lưu giữ phiến đá khắc 3 chữ đỏ “Đại Hồng Bào” do hòa thượng chùa Thiên Tâm đề tặng. Nơi đây nắng chiếu ít, chủ yếu đón tia phản xạ; sự chênh lệch nhiệt độ ngày và đêm khá lớn, đỉnh vách quanh năm có nước suối chảy qua. Những điều kiện tự nhiên đặc thù này đã tạo nên hương vị độc nhất vô nhị của loại trà Đại Hồng Bào.
Năm 2002, một người Trung Quốc giàu có đã bỏ ra 180.000 nhân dân tệ - tương đương 28.000 USD - để mua chỉ 20 gram trà Đại Hồng Bào huyền thoại. Ngay cả với một nền văn hóa vốn coi uống trà là một nghệ thuật suốt khoảng 1.500 năm nay (và có cả một hệ phân loại trà phức tạp hơn cả hệ phân loại rượu Pháp) thì đây vẫn là một mức giá gây sốc.
Nếu quy đổi theo giá vàng, trà Đại Hồng Bào nguyên chất có giá đắt gấp 30 lần lượng vàng tương đương trọng lượng với nó. Cụ thể, 1 gram trà có giá khoảng 1.400 USD, một ấm trà có giá hơn 10.000 USD (hơn 210 triệu đồng). Đây xứng danh là một trong những loại trà đắt nhất thế giới.
Xiao Hui, một phụ nữ trồng trà sống ở vùng Vũ Di Sơn (núi Vũ Di), tỉnh Phúc Kiến - Trung Quốc, cho biết: “Trông nó như trà cho kẻ ăn mày nhưng giá thì lại dành cho các vị hoàng đế”. Xiao và gia đình cô đã nhiều đời chế biến trà và cứ mỗi mùa xuân, họ đều lên núi để hái loại trà cực quý này.
Quốc trà đại hồng bào được chế tạo một cách cực kỳ công phu, lá trà không bao giờ được phép chạm đất, chúng được hái bằng tay từ các bụi trà, làm khô, sàng lọc, phân loại và sấy bằng các phương pháp đặc biệt. Vì vậy, loại trà này không dùng phương pháp làm sạch thông thường như những loại trà phổ thông là rửa qua nước.
Tuy nhiên, điều đáng buồn là những khóm cây Đại Hồng Trà 350 tuổi đã bị khai thác lần cuối vào năm 2005, tới nay chỉ còn vài cây mọc lẻ tẻ và không phát triển thêm. Nơi trồng cây cổ thụ Đại Hồng Bào trên núi Vũ Di hiện được xếp vào danh sách bảo vệ trọng điểm. Chính quyền thành phố còn đầu tư 100 triệu NDT để bảo vệ bụi cây này.