Cũng như các loại rau tầm bóp, rau bò khai, rau tàu bay… thì rau càng cua một thời được coi là loại rau "cứu đói", tuy nhiên nay lại trở thành món rau đặc sản, được dân nhà giàu Hà thành săn mua.
Thực ra càng cua là một loại rau quen thuộc với người dân Nam Bộ nhưng lại khá mới lạ với người dân Hà Nội. Thời gian trở lại đây, hai loại rau này bỗng nhận được sự yêu thích đặc biệt từ người dân Thủ đô nhờ vị lạ miệng và đem lại cảm giác đảm bảo sạch sẽ.
Trên các trang mạng rau này được rao bán với giá từ 70 – 80 nghìn đồng/kg khu vực phía nam còn tại Hà Nội rau này được rao bán với giá 110.000 - 130.000 nghìn đồng 1kg. Tuy nhiên, do nguồn cung khan hiếm, nên dù có tiền và sẵn sàng trả mức giá cao, nhưng thực khách của Thủ đô vẫn phải chờ đợi.
Anh Phạm Văn Phi (sống tại phố Khương Trung, quận Thanh Xuân, Hà Nội) chủ một cửa hàng cung cấp rau củ quả đặc sản vùng miền cho biết rất nhiều loại rau anh phải vận chuyển bằng máy bay, đặc biệt là hoa điên điển của Tây Ninh và càng cua của Gia Lai dù số lượng gom được mỗi đợt chỉ vỏn vẹn 2-3kg.
Để vận chuyển 1kg rau càng cua bằng máy bay ra Hà Nội tốn khoảng 22.000 đồng nên giá cũng vì thế mà bị đẩy lên cao, nhưng không phải lúc nào khách muốn mua cũng có.
Rau càng cua là một loại rau thuộc họ Hồ tiêu, nó mọc hoang dại, mọc ở nhiều nơi và sống trong vòng 1 năm. Loại cây này phân bố ở những nơi có khí hậu nhiệt đới. Rau càng cua khi ăn sống có vị chua chua, giòn, ngon đặc trưng và có giá trị cao về mặt dinh dưỡng.
Ngoài cái tên gọi rau càng cua, nhiều nơi còn gọi đây là rau tiêu hay đơn kim, đơn buốt, cúc áo, quỷ châm thảo, thích châm thảo, tiểu quỷ châm, cương hoa thảo.
Đây là loại cây thân thảo, phần nhánh cao khoảng 20 – 40 cm, thân cây cứa nhiều nước và nhớt, nhỏ và nhẵn.
Lá cây hình trái tim nhọn và có màu xanh trong. Rau có màu xanh nhạt, toàn thân nhớt, nhẵn, lá mọc so le, có cuống, phiến lá màng. Rau cành cua trong suốt, hình tam giác – trái xoan, hình tim ở gốc, hơi tù và nhọn ở chóp.
Hoa mọc thành từng chùm dài ở đầu cây, hợp thành bông dạng sợi có cuống ở ngọn. Hoa dài gấp 2-3 lần lá, quả mọng hình cầu, đường kính 0,5mm, mũi nhọn, cứng, ngắn ở đỉnh. Khi còn nhỏ thì rau mọc thẳng đứng rồi dần bò lan ra mặt đất, thân chia ra thành nhiều nhánh nhỏ. Rễ chùm phát triển mạnh trong điều kiện môi trường sống ẩm ướt, mát mẻ.
Món phổ biến nhất, dễ ăn nhất từ rau càng cua là pha một chén nước cốt chanh (hoặc dấm) đường và một chút nước mắm. Khuấy đều hỗn hợp và rưới lên tô rau càng cua, trộn đều, để ngấm vài phút là có món gỏi dân dã đảm bảo ngon miệng lại an toàn. Sang hơn một chút thì cho thêm một ít lát thịt bò đã được xào thơm cùng hành tím và ít gia vị vào trộn cùng.
Rau càng cua khi trộn gỏi sẽ hơi "tóp" xuống một chút nhưng vẫn giữ độ tươi giòn, kết hợp cùng nước sốt trộn chua ngọt càng kích thích vị giác. Lúc này mà chấm một đũa rau càng cua vào chén nước mắm tỏi ớt chua ngọt thì còn ngon hơn nữa. Cả nhà quây quần vừa ăn vừa nói chuyện, chẳng mấy chốc dĩa càng cua hết veo thì nồi cơm cũng đã thấy đáy.
Không chỉ là món ăn ngon mà rau càng cua còn là vị thuốc giúp phòng và chữa nhiều loại bệnh. Vào thời điểm khan hiếm, dù giá có đắt đỏ gấp nhiều lần loại rau khác nhưng người ta vẫn sẵn sàng rút hầu bao để mua về ăn.
Theo đông y, cây càng cua vị đắng, tính bình, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, khu phong, hoạt huyết, tan máu ứ; thường dùng để chữa các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp, viêm họng, viêm ruột thừa, viêm gan truyền nhiễm, viêm dạ dày - ruột, tiêu hóa kém, đau nhức xương khớp, sốt rét. Ngoài ra nó còn được dùng ngoài chữa rắn cắn, nhọt lở, chấn thương sưng đau.
Các chất kali, magiê trong rau tốt cho tim mạch và huyết áp cũng như góp phần trong việc chữa bệnh đái tháo đường, táo bón, cao huyết áp... Người ta có thể nghiền lá ra dùng đắp trị sốt rét, đau đầu, dịch nhầy từ lá dùng uống trị đau bụng. Ngoài ra, toàn cây rau này được dùng làm thuốc trị đau nhức khớp, đòn ngã và được vò nát đắp lên da trị phỏng do lửa hoặc nước sôi.