Loại hải sản này được biết đến với tên gọi Percebes hay còn gọi là đằng hồ hoặc ốc cổ ngỗng. Đây là loại hải sản hiếm có và ngon nhất thế giới.
Sở dĩ chúng có tên gọi ốc cổ ngỗng bởi xuất phát từ hình dáng đặc biệt của loại ốc lạ này. Phần đầu của con ốc thật sự rất giống cái đầu ngỗng với phần cổ dài, đầu tròn và mỏ nhọn.
|
Loại hải sản này được biết đến với tên gọi Percebes hay còn gọi là đằng hồ hoặc ốc cổ ngỗng. |
Một số con ốc có độ dài hơn thì lại có hình dáng khác, nhìn có thể giống ngón tay và móng tay của con người. Vì thế, ở Bồ Đào Nha người ta gọi loại hải sản này là “những ngón tay quỷ Lucifer”. Ai nhìn lần đầu sẽ cảm giác hơi rùng mình trước vẻ bên ngoài xấu xí của nó.
Ốc cổ ngỗng là loài giáp xác không thể nuôi mà nó tự sinh sống và phát triển ở ngoài biển khơi xa xôi, đặc biệt có nhiều là vùng biển ở Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, Canada, nhưng loại ngon nhất chủ yếu có tại vùng cực tây của Bồ Đào Nha.
|
Tên gọi ốc cổ ngỗng xuất phát từ hình dáng đặc biệt của chúng. |
Loại ốc này chỉ sống ở những nơi có nguồn nước rất sạch. Yêu cầu về chất lượng nước của ốc cổ ngỗng là khá cao. Nếu nước biển ô nhiễm nghiêm trọng, chúng sẽ không thể sống được, thậm chí sẽ chết rất nhanh. Vì vậy, chúng có thể được coi là dấu hiệu cho biết mức độ ô nhiễm của nước biển.
Ốc cổ ngỗng còn có một biệt danh khác là hải sản từ địa ngục, vì chúng thường sinh sống trên những tảng đá ven biển, nơi thường xuyên có những cơn sóng to đập vào. Để bắt được ốc cổ ngỗng, ngư dân phải đi tàu ra biển rồi lặn tìm bởi chúng bám chặt vào các tảng đá.
Vì thế, bắt được chúng không phải là chuyện dễ dàng. Nếu chưa có một kế hoạch cụ thể và các biện pháp an toàn, có khi không bắt được chúng mà còn gây nguy hiểm tới tính mạng.
Nhưng nhiều thợ lặn vẫn liều lĩnh, chấp nhận đánh đổi mạng sống để bắt ốc cổ ngỗng. Có nhiều trường hợp thợ lặn bị bất tỉnh rồi chết đuối. 'Người may mắn' thì thoát chết nhưng bị gãy chân, gãy tay hoặc bị trầy trụa ở những nơi đá làm rách bộ đồ lặn. Các thợ lặn thường đi ít người và giữ bí mật chỗ mình lấy ốc nên khi sự cố xảy ra, rất khó để kịp thời tìm kiếm sự giúp đỡ cần thiết.
Ở vùng Galicia, Tây Ban Nha, chính quyền chỉ cho mỗi người thợ săn, có bằng bơi lặn đi săn ‘ngón tay quỷ’ mỗi ngày là 6kg, nếu vi phạm sẽ ngay lập tức bị tước bằng và nghiêm cấm săn bắt.
Tương tự, ở Bồ Đào Nha, việc săn ốc cổ ngỗng cũng được quản lý rất chặt chẽ. Toàn bộ các hoạt động lặn đều được kiểm soát từ thị trấn Villa do Bispo, nơi đặt trụ sở của hiệp hội ốc cổ ngỗng Bồ Đào Nha có tên là Associacao Dos Marisqueiros Da Vila Do Bispo. Chỉ có 80 giấy phép lặn được cấp mỗi năm.
Tuy nhiên, vì lợi nhuận cao nên những người thợ săn vẫn bất chấp các quy định ngặt nghèo, không ngần ngại nguy hiểm, tìm mọi cách để săn bắt loại ốc này.
Đây là một ngành màu mỡ và cảnh sát biển thì không thể tuần tra khắp nơi. Bởi là ngành làm ăn bí mật, ngay cả các thợ lặn được cấp phép cũng không chia sẻ thông tin về việc họ đã hay sẽ lặn bắt ở đâu, bởi món đặc sản này là thứ hiếm, quý, khó kiếm.
Ốc cổ ngỗng có cách ăn rất dễ bởi khi luộc chín, phần thân ốc sẽ mềm hơn. Chỉ cần dùng 2 tay ấn nhẹ phần tiếp nối giữa thân ốc và đầu ốc là có thể tách bỏ vỏ dễ dàng. Phần ăn được chính là thịt ốc trắng nõn bên trong.
Người châu Âu vô cùng yêu thích loại thực phẩm này và xem đây như một loại hải sản cao cấp bởi chúng có giá trị dinh dưỡng rất cao. Cơ thể chúng rất nhiều nguyên tố vi lượng, có vị ngọt ngọt, vô cùng ngon.
Ốc cổ ngỗng có giá khá đắt. Giá của chúng lúc cao nhất có thể lên tới 200-300 euro/kg (khoảng hơn 5 triệu đồng tới gần 8 triệu đồng/kg). Tại nhà hàng, mỗi đĩa ốc cổ ngỗng có giá khoảng 100 euro (tương đương gần 3 triệu đồng).
Ở Trung Quốc, giá ốc cổ ngỗng là vô cùng đắt đỏ, một con nhỏ thôi cũng có giá tới 900 nhân dân tệ (khoảng 3 triệu đồng). Mặc dù vậy, vẫn có những người muốn mua nhưng lại chẳng mua được loại ốc này.