Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, hiện có hơn 6.000 lao động giúp việc nhà tại Ả Rập Saudi. Trong đó số lao động về nước trước hạn khá nhiều với lý do sức khỏe không đáp ứng công việc, tranh chấp lao động, tập quán sinh hoạt và điều kiện sinh hoạt không phù hợp.
Bất cập từ nhiều phía
Bà Trần Thị Vân Hà, Trưởng Phòng Thông tin - Truyền thông Cục Quản lý lao động ngoài nước, cho biết các tranh chấp lao động phát sinh tại Ả Rập Saudi chủ yếu là xô xát, bị chậm lương, làm việc nhiều giờ, người lao động (NLĐ) không được về nước khi hết hạn hợp đồng... "Nguyên nhân dẫn đến các tranh chấp trên xuất phát từ việc năm 2016, nước này thực hiện chính sách "thắt lưng, buộc bụng", cắt giảm trợ cấp (gần 30%). Do đó, việc làm, thu nhập của một số gia đình Ả Rập Saudi gặp khó khăn; dẫn đến hiện tượng trừ, chậm lương hoặc hết hạn hợp đồng không làm thủ tục cho NLĐ về nước vì chưa có tiền thuê lao động mới. Bên cạnh đó, pháp luật của Ả Rập Saudi có xu hướng bảo hộ chủ; cơ chế, thủ tục giải quyết tranh chấp lao động khá phức tạp; một số công ty môi giới, chủ sử dụng thiếu trách nhiệm, thiếu hợp tác khi giải quyết tranh chấp" - bà Hà phân tích.
|
Lao động Việt Nam trước giờ đi xuất khẩu lao động giúp việc nhà tại Ả Rập Saudi |
Một nguyên nhân khác xuất phát từ tình trạng các doanh nghiệp (DN) Việt Nam tuyển lao động không đúng đối tượng, tuyển người quá tuổi, đi nước ngoài vì nợ nần hoặc mâu thuẫn gia đình... nên không bảo đảm sức khỏe, dễ phát sinh tâm lý chán nản, đòi về nước trước hạn. Một số DN đào tạo không đầy đủ dẫn đến NLĐ không thích nghi với công việc và môi trường mới, có văn hóa khác biệt; khó khăn trong giao tiếp với chủ khiến dễ phát sinh mâu thuẫn và khi gặp vấn đề không xử lý được.
Bên cạnh đó, việc cấp visa của Đại sứ quán Ả Rập Saudi tại Hà Nội chưa chặt chẽ dẫn đến tình trạng một số DN lợi dụng để đưa lao động đi mà không đăng ký hợp đồng hay DN này xin visa cho lao động của DN khác tuyển, gây khó khăn cho công tác quản lý và bảo vệ NLĐ.
Mặt khác, NLĐ trước khi đi thường được DN hỗ trợ một khoản tiền từ 10-20 triệu đồng nên một số người chỉ sang làm một thời gian ngắn rồi trốn chủ, tìm cách về nước và đi tiếp qua một đơn vị khác để hưởng hỗ trợ. Trong khi đó, công tác hỗ trợ, quản lý người lao động tại Ả Rập Saudi còn gặp nhiều trở ngại do cán bộ của DN Việt Nam cử sang chủ yếu do đối tác bảo lãnh theo visa lái xe, visa giúp việc nên không có địa vị pháp lý dẫn đến khó khăn, hạn chế khi làm việc với cơ quan chức năng, công ty môi giới, chủ sử dụng để xử lý vụ việc.
Thị trường không được khuyến khích
"Ả Rập Saudi là thị trường có đặc thù, do vậy Cục Quản lý lao động ngoài nước không khuyến khích đưa lao động đi giúp việc nhà tại quốc gia này. Hiện nay, cục chỉ cấp phép cho các DN có đầu tư cơ sở vật chất đầy đủ để đào tạo NLĐ trước khi đi; có hệ thống quản lý lao động ở nước ngoài nhằm xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh đối với NLĐ" - lãnh đạo cục cho biết.
Thời gian tới, để hạn chế các vụ việc tiêu cực và bảo vệ tốt hơn quyền lợi NLĐ, bên cạnh việc tăng cường giám sát và chỉ chấp thuận cho DN triển khai các đơn hàng có điều kiện làm việc, mức lương tốt, cục sẽ tiến hành đồng bộ một số giải pháp: Tăng cường hợp tác với Ả Rập Saudi thông qua cơ chế Tiểu ban lao động để trao đổi, thống nhất xử lý các vấn đề phát sinh; phối hợp với Đại sứ quán Ả Rập Saudi tại Việt Nam siết chặt thủ tục cấp visa; tăng cường quản lý và hỗ trợ NLĐ thông qua Ban Quản lý lao động tại Ả Rập Saudi.
Song song đó, cục sẽ tăng cường kiểm tra và chấn chỉnh DN. Cụ thể, sẽ xử nghiêm các DN vi phạm; kiểm soát chặt chẽ hơn hoạt động của DN, đặc biệt là công tác tuyển chọn, đào tạo và kiên quyết dừng đưa lao động đối với các DN không cử cán bộ đại diện; tăng cường thông tin, tuyên truyền về thị trường Trung Đông nói chung và Ả Rập Saudi nói riêng để NLĐ hiểu và nhận thức đúng về thị trường này.