La liệt công trình xây lấn chiếm đất hành lang sông Nhuệ: Xử lý ra sao?

Google News

Luật sư Hoàng Tùng cho rằng, với việc các công trình xây lấn chiếm đất hành lang sông Nhuệ đã vi phạm pháp luật. Cá nhân và tổ chức vi phạm có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trong bài phản ánh trước, Báo Tri thức và Cuộc sống đã đề cập đến thông tin phản ánh la liệt công trình xây lấn chiếm đất hành lang sông Nhuệ. Cụ thể, dọc ngõ 68 đường Phú Diễn và Phan Bá Vành thuộc phường Phú Diễn, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội xuất hiện tình trạng hàng loạt công trình đổ bê tông kiên cố, lấn chiếm đất xây dựng xâm phạm nghiêm trọng hành lang sông Nhuệ.
Cùng với đó là khu vực gần Trường mầm non Phú Diễn A còn nghi vấn sử dụng sai mục đích đất nông nghiệp thành các bãi tập kết vật liệu xây dựng.
Nhằm đa chiều, khách quan các thông tin ngày 25/8/2022, PV đã liên hệ và phản ánh qua điện thoại với ông Trương Quốc Cương - Phó Chủ tịch UBND phường Phú Diễn. Vị này sau đó hướng dẫn phóng viên đặt lịch với phường để Chủ tịch phường phân công trả lời.

Mời độc giả xem video: La liệt công trình xây lấn chiếm đất hành lang sông Nhuệ và các bãi tập kết vật liệu xây dựng nghi sử dụng sai mục đích đất ở phường Phú Diễn.

Vi phạm pháp luật ra sao?
Dưới góc độ pháp lý của sự việc, luật sư Hoàng Tùng - Trưởng Văn phòng luật sư Trung Hòa (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, theo Điều 265 Bộ luật dân sự, người có quyền sử dụng đất chỉ được sử dụng không gian và lòng đất theo chiều thẳng đứng từ ranh giới trong khuôn viên đất phù hợp với quy hoạch xây dựng do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định.
Đối với trường hợp đất lấn chiếm thuộc hành lang an toàn công trình công cộng thì cần căn cứ vào Khoản 1 Điều 22 Nghị định 43/2014/NĐ-CP, chỉ trường hợp đất lấn chiếm mà hiện cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã xác định là không thuộc quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng thì mới được xem xét cấp sổ đỏ.
Nếu hiện tại đất lấn chiếm vẫn thuộc quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng từ trước đã được phê duyệt thì phần đất lấn chiếm này sẽ bị nhà nước thu hồi.
Một số biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm lấn, chiếm; Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật; Buộc thực hiện thủ tục hành chính về đất đai, buộc trả lại đất sử dụng không đúng quy định mà có được do hành vi lấn/chiếm.
La liet cong trinh xay lan chiem dat hanh lang song Nhue: Xu ly ra sao?
  Một số hộ ở ngõ 68 đường Phú Diễn đã cho tiến hành đổ đất, đá, san lấp mặt bằng… rồi xây công trình lấn sát ra phía lòng sông Nhuệ.
Như vậy, với việc hàng loạt công trình tạm bợ cấp 4, hoặc xây kiên cố 2 tầng lấn chiếm hành lang sông Nhuệ là đã vi phạm pháp luật, có thể sẽ bị xử lý vi phạm hành chính theo Điều 14 Nghị định 91/2019/NĐ-CP.
Đối với các trường hợp cá nhân vi phạm có thể chịu mức phạt tiền lên đến 500 triệu đồng và đối với tổ chức là phạt lên đến 1 tỷ đồng, tùy vào diện tích đất lấn chiếm. Ngoài ra các hộ dân có hành vi vi phạm sẽ phải buộc thực hiện các biện pháp khắc phục theo khoản 7 Điều 14 Nghị định 91/2019/NĐ-CP.
Bên cạnh đó, người sử dụng đất còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi lấn, chiếm đất nếu đáp ứng hết tất cả các điều kiện truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 228 Bộ Luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định về tội vi phạm các quy định về sử dụng đất đai.
Tiếp theo là đối với các bãi tập kết vật liệu xây dựng có dấu hiệu sử dụng sai mục đích đất, trái phép… có thể bị xử phạt hành chính quy định tại Nghị định 155/2016/NĐ-CP.
La liet cong trinh xay lan chiem dat hanh lang song Nhue: Xu ly ra sao?-Hinh-2
Các bãi tập kết vật liệu xây dựng nghi sử dụng sai mục đích đất?
Hỏi trách nhiệm phường Phú Diễn?
Theo luật sư Hoàng Tùng, mặc dù UBND TP Hà Nội đã phê duyệt chỉ giới hành lang bảo vệ công trình; chỉ đạo về việc quản lý, xử lý vi phạm hành lang thủy lợi sông Nhuệ.
Tuy nhiên, việc hàng loạt công trình xây dựng đổ bê tông kiên cố được xây dựng ngay trên hành lang sông Nhuệ cho thấy, tình trạng lấn chiếm hành lang sông đã kéo dài rất nhiều năm, nhưng đến nay chính quyền địa phương và lực lượng chức năng sở tại vẫn chưa có biện pháp ngăn chặn và xử lý triệt để. Việc này đã gây ảnh hưởng trực tiếp tới sông Nhuệ và mỹ quan đô thị.
Không hiểu vì sao việc phát hiện ra sai phạm “xâm chiếm”, cán bộ, chính quyền phường không giải quyết triệt để từ khi vi phạm mới manh nha, mà để các công trình xây dựng ngày càng nhiều và kiên cố như vậy? Liệu rằng chính quyền UBND phường Phú Diễn; UBND quận Bắc Từ Liêm đã làm hết trách nhiệm của mình hay chưa, liệu có trường hợp làm ngơ cho các công trình sai phạm hay không?
Để ngăn chặn tình trạng vi phạm trên sông Nhuệ, luật sư Hoàng Tùng cho rằng, cơ quan chính quyền sở tại cần phối hợp chặt chẽ, cương quyết xử lý, giải tỏa những trường hợp vi phạm mới trên hành lang sông Nhuệ. Đối với những công trình xây dựng vi phạm đã tồn tại từ trước, cần có kế hoạch và lộ trình xử lý cụ thể.
Đặc biệt nhất là UBND phường Phú Diễn cần hoàn thành trách nhiệm của mình, kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn dứt điểm việc xử lý vi phạm. Cần có quy định xử phạt hành chính nghiêm ngặt hơn, thậm chí quy định về trách nhiệm hình sự nặng hơn để răn đe các trường hợp vi phạm.
*Báo Tri thức và Cuộc sống tiếp tục thông tin.
Đoàn Khang

>> xem thêm

Bình luận(0)