Kinh tế VN tăng trưởng ra sao dưới thời cố Thủ tướng Phan Văn Khải

Google News

Thủ tướng Phan Văn Khải đã đặt nền móng cho nền kinh tế hội nhập sâu, rộng với thế giới. Đồng thời các quan điểm về cải cách kinh tế của ông trở thành di sản cho thế hệ sau.

“Ông Phan Văn Khải trong suốt 9 năm đương chức (1997-2006) đã có công rất lớn với nền kinh tế Việt Nam. Ông làm được nhiều điều mà không phải thủ tướng nào cũng làm được,” chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, thành viên tổ tư vấn kinh tế của nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải trong 2 nhiệm kỳ chia sẻ với Zing.vn.
Thời kỳ vàng của kinh tế Việt Nam
Ông Sáu Khải bắt đầu nhiệm kỳ trong điều kiện không thuận lợi. Vừa bắt đầu hưởng quả ngọt từ những bước chập chững đầu tiên của hội nhập và mở cửa với mức tăng trưởng cao giai đoạn 1995-1997, Việt Nam đã vấp ngay cuộc khủng hoảng tài chính tồi tệ nhất châu lục giữa năm 1997.
Cuộc khủng hoảng bắt đầu từ Thái Lan, lan sang các nước trong khu vực làm rung chuyển châu Á. Những nền kinh tế lớn mạnh của châu Á: Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan cũng bị thiệt hại nặng nề.
 
Tác động đến chậm hơn, nhưng Việt Nam không phải ngoại lệ trong vòng xoáy đó. Nếu như tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 1996 đạt 9,34%, năm 1997 giảm xuống còn 8,15% thì năm 1998, tăng trưởng GDP cả nước chỉ còn đạt 5,8% và 1999 chỉ tăng 4,77%. Về số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đăng ký, nếu năm 1995 đạt trên 6,9 tỷ USD, năm 1996 đạt gần 10,2 tỷ USD, thì năm 1997 còn gần 5,6 tỷ USD, năm 1998 còn gần 5,1 tỷ USD, năm 1999 còn gần 2,6 tỷ USD.
 
Giữa chồng chất khó khăn, rất nhanh sau khi lên nắm quyền, ông Sáu Khải đã tìm lối đi, “chấn chỉnh” nền kinh tế, xây dựng những nền tảng vững chắc cho phát triển. Việt Nam đã trỗi dậy mạnh mẽ với tăng trưởng GDP bình quân 6,3% những năm sau đó.
Trong suốt nhiệm kỳ từ năm 1997-2006 của Thủ tướng Phan Văn Khải, tỷ lệ nợ nước ngoài phần lớn đạt dưới 50% GDP, tốc độ tăng của nợ nước ngoài cũng hạn chế.
“Hai nhiệm kỳ ông Khải đương chức là thời kỳ tăng trưởng tốt nhất của đất nước. Nền kinh tế một mặt giữ được tốc độ tăng trưởng cao nhưng vẫn đảm bảo được ổn định kinh tế vĩ mô và tạo được nhân tố mới cho tăng trưởng”, bà Phạm Chi Lan nhận định.
Theo cựu thành viên của Ban kinh tế của thủ tướng, đây là thời kỳ “vàng” của nền kinh tế Việt Nam, bởi lẽ trong suốt 9 năm, tăng trưởng GDP ở mức cao và quan trọng nhất là ổn định liên tục trong hơn nửa thập kỷ. Đồng thời, ngân sách Việt Nam cũng được kiểm soát rất hợp lý.
 
Trong nhiệm kỳ đầu tiên của Thủ tướng Phan Văn Khải, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tăng 200% so với thời kỳ 5 năm trước đó. Đáng chú ý, tỷ trọng xuất khẩu trong GDP và kim ngạch xuất khẩu bình quân đầu người ngày càng tăng. Năm 2000, với mức xuất khẩu bình quân 184 USD/người, cố Thủ tướng Phan Văn Khải đã có công đưa Việt Nam ra khỏi danh sách các nước có nền ngoại thương kém phát triển.
 
Giai đoạn 1996-2000, 5 năm đầu nhiệm kỳ của Thủ tướng Khải, số lượng dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài liên tục tăng. Tổng số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam tăng gấp đôi so với thời kỳ trước đó.
 

 
Nhờ những nền tảng kinh tế vững chắc Thủ tướng Phan Văn Khải gây dựng suốt gần 1 thập kỷ đó mà hội nhập kinh tế của Việt Nam được thúc đẩy mạnh mẽ, vị thế của Việt Nam được nâng cao, chúng ta đã đàm phán và ký kết thành công Hiệp định Thương mại song phương Việt - Mỹ (BTA), tạo nền tảng để sau đó gia nhập WTO.
"Ai cũng biết, để tham gia được WTO thì trở lực lớn nhất là Mỹ. Nếu Mỹ đồng ý thì Việt Nam mới gia nhập được WTO, cho nên ký kết được BTA có ý nghĩa rất lớn với Việt Nam. Đây chính là cột mốc rất lớn mà nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải đã làm được," bà Phạm Chi Lan chia sẻ.
"Nói cách khác, WTO mang đậm dấu ấn của Thủ tướng Phan Văn Khải."
Thủ tướng của cải cách
Theo đánh giá của giới học giả, ông Phan Văn Khải là một trong những thủ tướng kỹ trị nhất, theo quan điểm thị trường nhất. "Ông là người thực hiện triệt để nhất nguyên tắc Nhà nước chỉ tập trung vào sửa chữa các khuyết tật của thị trường, đảm bảo công bằng và để thị trường làm nhiều hơn những gì thuộc về chức năng của nó", TS. Huỳnh Thế Du, Đại học Fulbright Việt Nam, nhận xét.
Quan điểm thị trường ở ông được thể hiện ngay từ khi ông ở vị trí lãnh đạo UBND TP.HCM. Ở vị trí Phó thủ tướng và sau này là Thủ tướng, ông đã luôn trung thành với quan điểm kinh tế thị trường ấy.
"Nhận thức được thì mới chỉ bước đầu, bước tiếp theo là làm sao để hệ thống có cùng nhận thức mới thay đổi được cơ chế, cơ chế phù hợp được thể hiện qua hệ thống pháp luật thì mới phát triển kinh tế và xã hội được", ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT Công ty Chứng khoán SSI, Chủ tịch HĐQT PAN Group, vẫn còn nhớ như in chia sẻ của ông Sáu Khải, khi đó là Chủ tịch UBND TP.HCM.
Kiên định quan điểm, kiên trì trong nỗ lực xây dựng đồng thuận, ông được xem là người đứng sau những nền móng thể chế cơ bản nhất tạo nền tảng quan trọng cho kinh tế Việt Nam đổi mới, cải cách và phát triển.
Dẫn chứng tiêu biểu nhất chính là Luật Doanh nghiệp 1999, một bộ luật mà đến giờ vẫn là bước cải cách mạnh nhất, cơ bản nhất của Việt Nam, cởi trói cho sự phát triển kinh tế, đặc biệt là kinh tế tư nhân.
 
"Ông Phan Văn Khải đã trình ra Quốc hội để ban hành Luật Doanh nghiệp năm 1999, và cũng chính ông Khải đã bảo vệ Luật Doanh nghiệp trước Bộ Chính trị, Quốc hội,” TS. Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), hồi tưởng.
"Những gì mà Luật Doanh nghiệp mang lại cho nền kinh tế của nước nhà rất đáng ghi nhận", bà Phạm Chi Lan chia sẻ với Zing.vn.
"Số doanh nghiệp đã phát triển mạnh sau những năm đầu tiên, góp phần giúp Việt Nam vượt qua khủng hoảng tài chính và khu vực. Nhờ Luật Doanh nghiệp, khu vực dân doanh đã bù đắp được sụt giảm đầu tư nước ngoài, điều đó cho thấy khu vực doanh nghiệp trong nước hoàn toàn có thể thay thế được FDI để làm động lực phát triển đất nước".
 
Không chỉ ban hành Luật Doanh nghiệp, ông Khải cũng cho ban hành Luật Đầu tư và sửa đổi các Luật đất đai, Luật Tổ chức tín dụng, luật về thuế.
"Cho đến bây giờ, nhiều chuyên gia quốc tế khi đánh giá về quá trình 30 năm đổi mới của Việt Nam, họ vẫn cho rằng Luật Doanh nghiệp năm 1999 là cú hích, là sự đột phá lớn nhất mà Việt Nam có được về thể chế," bà Lan nói thêm.
Thủ tướng của doanh nghiệp
"Cố Thủ tướng Phan Văn Khải có nhiều cơ hội tiếp xúc và có sự thấu hiểu đối với cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân, cũng như các vấn đề kinh doanh. Sau khi trở thành người đứng đầu Chính phủ, doanh nghiệp - doanh nhân và môi trường kinh doanh chính là một trong những mối ưu tiên hàng đầu của vị tân Thủ tướng", ông Vũ Quốc Tuấn, thành viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng hồi tưởng.
 
Trong quá trình cải cách môi trường kinh doanh, cố Thủ tướng còn đề ra nhiều giải pháp để tháo gỡ khó khăn, loại bỏ giấy phép con hành doanh nghiệp.
“Ngay từ năm đầu tiên, khi Luật Doanh nghiệp 1999 có hiệu lực, năm đó nguyên Thủ tướng đã ký lệnh xóa bỏ hơn 240 giấy phép con. Đó là lần đầu tiên xóa bỏ giấy phép con. Tết năm đó, giới doanh nhân gọi là quà Tết của Thủ tướng cho giới doanh nhân”, ông Vũ Quốc Tuấn kể.
Tuy nhiên, theo ông Tuấn, việc xóa bỏ giấy phép con không phải đơn giản, vì phải làm việc với các bộ, ngành rất công phu, nhiều khi phải đấu tranh quyết liệt mới bỏ được, nhưng nguyên Thủ tướng đã luôn rất quyết liệt, kiên trì.
Cố Thủ tướng Phan Văn Khải và các thành viên ban nghiên cứu. 
“Thủ tướng Phan Văn Khải cũng là người ký Nghị định đầu tiên về Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa vào tháng 11/2011, theo đề nghị của Ban Nghiên cứu của Thủ tướng. Ông cũng là người đề xuất ngày doanh nhân Việt Nam 13/10. Trong suốt thời kỳ nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải đương nhiệm, giới doanh nghiệp, doanh nhân gọi ông là Thủ tướng của doanh nghiệp”, ông Tuấn nhớ lại.
Theo ông Tuấn, Thủ tướng Phan Văn Khải cũng đặt nền móng cho cuộc cải cách giảm bớt sự can thiệp của Nhà nước, bộ ngành vào nền kinh tế, từng bước hình thành nền kinh tế thị trường, mở rộng quyền tự do cho các doanh nghiệp.
Trong 9 năm đương vị của mình, Thủ tướng Phan Văn Khải đã đặt nền móng cho nền kinh tế hội nhập sâu, rộng với thế giới. Đồng thời các quan điểm về cải cách môi trường kinh doanh của ông trở thành di sản cho thế hệ lãnh đạo sau này.
Theo Hà Phương - Ngọc Trần/Zing

>> xem thêm

Bình luận(0)