Dù quạt giấy làng Nam không đa dạng về màu sắc, mẫu mã nhưng nó lại có nét riêng thu hút khách. Thứ nhất là quạt giấy mỏng nên quạt rất mát. Hơn nữa do được làm thủ công qua nhiều công đoạn, nhất là việc sử dụng nước vỏ cây sắn để quét vào khung nên chiếc quạt không bao giờ có hiện tượng bong tróc, trái lại rất bền.
|
Chiếc quạt giấy làng Nam nổi tiếng về độ bền đẹp. |
“Hiện nay người dân sử dụng quạt điện, điều hòa nhiều, nhưng chiếc quạt giấy màu tím than vẫn rất được nhiều khách ưa chuộng. Không những các cụ tại vùng quê mà người đi du lịch cũng chọn mua loại quạt này”, bà Thu bật mí.
32 công đoạn
Đầu hè, gia đình ông Lê Văn Trung (SN 1951) và bà Nguyễn Thị Thu (SN 1953, ngụ xóm 20, xã Nghi Trung, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An) huy động thêm con, cháu, dâu, rể cùng làm quạt giấy để kịp giao hàng cho khách. Trong căn nhà rộng lớn, hàng trăm chiếc quạt đã hoàn thành và dang dở được xếp đặt, phân loại gọn gàng.
“Quạt giấy của làng tôi tuy không có hoa văn; mẫu mã không đẹp bằng các loại quạt khác, nhưng nó vẫn có lượng khách nhất định. Vào mùa nắng nóng, đơn đặt hàng nhiều hơn nên vợ chồng tôi phải huy động thêm con cháu phụ giúp”, bà Thu vừa vót nan tre, vừa chia sẻ.
Nghề làm quạt giấy làng Nam hình thành cách đây hàng trăm năm, khởi nguồn từ những người dân trong vùng. Vào những năm 80 của thế kỷ trước, đây là nghề chính, đem lại thu nhập ổn định cho hầu hết mọi gia đình. Chiếc quạt giấy nhỏ bé, tiện dụng len lỏi khắp nơi trong đời sống sinh hoạt của người dân. Cách đây hơn chục năm, nghề làm quạt giấy có dấu hiệu chững lại vì sự tiện ích của quạt điện. Tuy vậy, trải qua bao thăng trầm, nghề làm quạt giấy vẫn được người dân làng Nam giữ gìn.
Hai tay thoăn thắt vót từng chiếc nan bằng tre, ông Trung cho biết: “Chiếc quạt giấy nhìn đơn giản nhưng để hoàn thành nó phải trải qua 32 công đoạn. Làm nghề này yêu cầu phải tỉ mỉ, chịu khó chứ không thể nóng vội “mì ăn liền” được. Tất cả đều phải trải qua những quy trình bắt buộc”.
Đầu tiên, người thợ phải chọn những cây tre thẳng, không non cũng chẳng già. Tre sau khi được chặt về sẽ chẻ ra thành các thanh nhỏ để ngâm xuống nước, mục đích chống mọt. Ba ngày sau, những thanh tre ấy được vớt lên, rửa sạch, phơi ngoài nắng.
Khi đã “no” nắng, các thanh tre được cưa thành nhiều đoạn bằng nhau, đúng kích cỡ chiếc quạt. Sau đó, người thợ tiếp tục dùng dụng cụ khoan một lỗ nhỏ vào đầu thanh gỗ để kết các thanh nan lại với nhau làm phần tay cầm. Với sự khéo léo của những người thợ lâu năm, từng nan quạt được vót đều, trơn, mượt.
“Bộ xương” quạt tiếp đó được đóng một lõi nhôm vào phần tay cầm. Bà Thu cho biết, khi còn nhỏ thường thấy bố mẹ cưa, gọt sừng trâu thành những đoạn nhỏ để đóng các thanh nan lại làm phần tay cầm. Phần khung tuy chắc chắn hơn nhưng rất lâu công, vất vả. Do vậy, sau này người dân đã thay thế bằng lõi nhôm tiện dụng.
Khi đã hoàn thành xong phần khung quạt, họ tiếp tục cắt giấy gió theo hình cánh cung. Quạt giấy làng Nam có màu tím nhạt, chính là màu của nước vỏ cây sắn. Theo chia sẻ của bà Thu, chỉ có vỏ cây sắn mới có độ dính để làm chất quét giấy vào khung quạt.
Để có được thau nước màu đen tím, đòi hỏi người thợ phải kỳ công. Vỏ cây sắn sau khi mua về sẽ đem giã nát rồi hòa với một lượng nhỏ nước lã. Hỗn hợp này được ngâm trong 3 ngày để đảm bảo độ dính kết. Tùy vào yêu cầu của khách hàng mà người thợ sẽ pha thêm chút phèn để dậy màu.
Cuối cùng, người thợ sẽ dùng chiếc chổi chuyên dụng, nhúng vào nước sắn, quét lên khung quạt. Công đoạn này thường được phụ nữ đảm nhiệm bởi đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mỉ. “Nhìn thì dễ nhưng không phải ai cũng quét giấy gió vào khung được. Nó đòi hỏi sự khéo léo, nếu không cẩn thận, tấm giấy gió mỏng tanh sẽ bị nát hoặc rớt xuống”, bà Thu cho biết.
|
Một số công đoạn để làm quạt giấy. |
Những chiếc quạt giấy sau khi “trang điểm” bởi nước vỏ cây sắn sẽ được mang đi phơi. Nếu trời nắng to, chỉ cần phơi tầm hơn 1 tiếng đồng hồ, vừa đủ để nước vỏ sắn bám chặt vào giấy gió. Lúc đó chiếc quạt sẽ có mùi thơm ngai ngái của nước vỏ sắn khiến người dùng có cảm giác dễ chịu. Để độ bề của chiếc quạt chắn chắn hơn, người thợ quét nước sắn lần hai, rồi tiếp tục đem phơi khô. Sau cùng, họ khéo léo xếp các cánh quạt lại, cắt bỏ những phần thừa, là hoàn thiện một chiếc quạt giấy.
Ông Trung cho hay đây là nghề không quá nặng nhọc, nhưng đòi hỏi sự tỉ mỉ, chịu khó. Mỗi ngày, trung bình vợ chồng ông làm được từ 40 - 50 chiếc quạt giấy. Giá mỗi chiếc quạt tùy thuộc số lượng nan mà khách yêu cầu, thường có ba mức giá là 5.000 đồng, 7.500 đồng và 15.000 đồng/chiếc quạt. “Gần 60 năm trong nghề nên không có công đoạn nào với tôi là khó cả. Tuy nhiên, nó đòi hỏi sự tập trung, cẩn thận. Làm nghề này nó rèn cho tôi sự kiên trì, nhẫn nại”, lời ông Trung.
Cung không đủ cầu khi vào mùa
Cách đó không xa là nhà của ông Phạm Đình Tân (82 tuổi). Dù tuổi đã cao, sức khỏe yếu, nhưng mỗi ngày vợ chồng ông vẫn đều đặn với công việc gia truyền 3 đời của gia đình. “Tôi già cả không đủ sức làm việc khác, nhưng làm quạt giấy thì thừa sức. Hàng ngày chồng vót, vợ gọt chẻ cũng kiếm được non vài trăm bạc. Vừa kiếm thêm đồng tiền, vừa giữ nghề của cha ông để lại cho con cháu sau này biết đến”, ông Tân móm mém tâm sự.
Với công việc này, họ sản xuất quanh năm, nhưng cao điểm nhất là vào những tháng hè. Khoảng từ tháng 3, những hộ làm nghề trong làng bắt đầu rục rịch chuẩn bị nguyên vật liệu để làm quạt giấy. Không khí tấp nập nhộn nhịp cả một vùng quê. Nhiều người ở các vùng lân cận còn vác tre, vỏ cây sắn sang bán hoặc đổi lấy vài chiếc quạt về sử dụng.
|
Một số công đoạn để làm quạt giấy. |
Nhớ lại ký ức về thời hoàng kim của nghề truyền thống, những người như ông Tân, bà Thu không thể quên những lần gánh quạt đi bán. Hàng ngày, cứ tầm 3h sáng là cả xóm lại í ới nhau gánh quạt vào chợ Vinh, sang Hà Tĩnh để bán quạt.
Mỗi lần đi, họ thường chia theo nhóm để tiện hỗ trợ nhau trên hành trình dài. “Mệt, nhưng vui lắm, gương mặt ai cũng hớn hở vì kiếm được đồng tiền sau những giờ lao động vất vả”, bà Thu nhớ lại.
Sau này, giao thông đi lại thuận tiện hơn, nên những chiếc quạt giấy được vận chuyển bằng xe máy, xe đạp. Hiện nay, do lượng hàng ít trong khi nguồn tiêu thụ khá nhiều nên hầu hết các sản phẩm đều được thương lái đến tận nhà thu mua.
Những người dân nơi đây cho biết, dù quạt giấy làng Nam không đa dạng về màu sắc, mẫu mã nhưng nó lại có nét riêng thu hút khách. Thứ nhất là quạt giấy mỏng nên quạt rất mát. Hơn nữa, do được làm thủ công qua nhiều công đoạn, nhất là việc sử dụng nước vỏ cây sắn để quét giấy gió vào khung nên chiếc quạt không bao giờ có hiện tượng bong tróc, trái lại rất bền.
“Người dân sử dụng quạt điện, điều hòa nhiều, nhưng chiếc quạt giấy màu tím than vẫn rất được nhiều khách ưa chuộng. Không những các cụ tại vùng quê mà người đi du lịch cũng chọn mua loại quạt này”, bà Thu bật mí.
Hiện nay, thị trường của quạt giấy làng Nam không chỉ gói gọn tại các huyện trong tỉnh như Diễn Châu, Quỳnh Lưu, Quỳ Châu mà còn “bay” sang các tỉnh khác như Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Thái Bình... Những người làm nghề truyền thống này cho hay họ không sợ quạt giấy mất thị trường, vì thời nào cũng có khách yêu thích bởi sự tiện lợi, nét đẹp riêng của nó.
Và dù thu nhập không cao bằng nhiều nghề khác nhưng người dân làng Nam vẫn bám lấy nghề làm quạt giấy thủ công. “Một phần vì kinh tế, phần khác vì muốn lưu giữ nét đẹp truyền thống của cha ông để lại”, ông Trung bộc bạch.
Ông Trần Hải Dương, Phó Chủ tịch UBND xã Nghi Trung cho biết, làm quạt giấy bằng thủ công là nghề có từ xa xưa tại địa phương. Nhiều năm trước, đây là nghề thịnh hành, đem lại nguồn thu nhập, giàu có cho nhiều hộ gia đình. Những năm gần đây do nguyên liệu ngày càng hiếm nên nhiều hộ đã chuyển sang nghề khác. Dù vậy, vẫn có những hộ duy trì nghề truyền thống đến hôm nay. Chính quyền đang lập dự án để khôi phục lại nghề làm quạt giấy bằng thủ công tại làng.