Đó là: xã đông dân nhất thế giới với mật độ dân số 36.000 người/km2; diện tích đất nhỏ nhất Việt Nam chỉ với 0,46 km2; xã duy nhất ở Việt Nam không có đất canh tác nông nghiệp; mức độ ô nhiễm môi trường nghiêm trọng nhất…
Sống chết cùng biển
12 giờ trưa nhưng khu bến Giã Nghệ của xã đông nghịt người. Đa phần là những phụ nữ chờ các chuyến tàu về từ khơi xa. Cảnh mua bán diễn ra tấp nập, từng xô đầy ắp cá tôm sau khi trả giá nhanh chóng được xếp lên xe máy hoặc ô tô tải cỡ nhỏ để chở về các cơ sở chế biến.
|
Thay vì sáng sớm, chợ cá ở Bến Giã bắt đầu từ 12h trưa hàng ngày. Ảnh: NT. |
Như bao người phụ nữ khác, chị Lê Thị Hải cũng có mặt ở bến từ sớm để chờ thuyền của chồng về. Nhìn thấy bóng dáng chồng từ xa, chị đã vội vàng nhao xuống, nhanh tay đỡ xô bề bề đầy ắp rồi cân cho thương lái chờ sẵn. Chuyến này sản lượng đánh bắt ít hơn nhưng chị vẫn bán được giá hơn do bề bề to hơn mọi khi.
|
Cảnh mua bán diễn ra rất tấp nập. Ảnh: NT. |
Chị Hải tâm sự: “Hôm nào chồng không đi biển thì tôi vẫn ra đây mua hàng đem ra chợ bán hoặc đi làm hàng sơ chế cho các cơ sở. Phụ nữ ở đây ai cũng tất bật như vậy, kể cả có chồng đi biển hay không”.
Không có đất nông nghiệp nên cuộc sống của người dân xã Ngư Lộc phụ thuộc hoàn toàn vào biển cả. Khi những người đàn ông theo thuyền đánh cá trở về cũng là lúc những người phụ nữ tất bật nhất.
|
Đồ đánh bắt được các thương lái nhanh chóng chuyển ra các chợ đầu mối. Ảnh: NT. |
Một số ít làm việc cho chính gia đình mình, còn phần lớn là làm thuê cho các gia đình khác. Công việc quen thuộc và đông nhân lực nhất chính là sơ chế các loại thủy hải sản như: bóc vỏ, ướp đá để vận chuyển đến các cơ sở tiêu thụ.
|
Chị Lan làm nghề sơ chế các loại thu sản với mức thu nhập 6.000 đồng/kg. Ảnh: NT. |
Chị Đặng Thị Lan, người chuyên sơ chế bóc vỏ tôm cho biết: “Trung bình một người lành nghề có thể bóc được 20kg tôm. Với giá trung bình 6.000 đồng/kg, mỗi ngày sẽ có 120.000 đồng”. Tuy nhiên, công việc này không liên tục mà phụ thuộc rất nhiều vào các chuyến đi biển hoặc sản lượng đánh bắt của tàu thuyền. Chính vì vậy thu nhập của những người phụ nữ này thấp và rất bấp bênh, có tháng đạt 2 triệu đồng nhưng có tháng chỉ 500.000 đồng.
“Hiện tại, xã Ngư Lộc có 367 phương tiện, trong đó tàu đánh bắt ngoài khơi là 59 chiếc, gần bờ là 305 và còn lại khai thác dịch vụ. Qua thống kê từ cơn áp thấp năm 1996 đến thời điểm hiện nay, toàn xã có trên 60 hộ gia đình có chồng, con đi biển gặp nạn. Có những gia đình không may mất 2 - 3 người thân” - ông Quang chia sẻ.
“Hiện tại, xã Ngư Lộc có 367 phương tiện, trong đó tàu đánh bắt ngoài khơi là 59 chiếc, gần bờ là 305 và còn lại khai thác dịch vụ. Qua thống kê từ cơn áp thấp năm 1996 đến thời điểm hiện nay, toàn xã có trên 60 hộ gia đình có chồng, con đi biển gặp nạn. Có những gia đình không may mất 2 - 3 người thân” - ông Quang chia sẻ.
Biết là bấp bênh nhưng sinh ra ở biển, sống với biển, họ không còn lựa chọn nào khác, nói như cách của chị Lan thì “biết vất vả, sóng gió nhưng chết đi sống lại vẫn phải đi biển”.
Ông Nguyễn Văn Quang, Phó chủ tịch UBND xã Ngư Lộc cho hay, năm nào cũng xảy ra tai nạn chết người trên biển. Số phụ nữ góa chồng ngày càng nhiều. Thế nhưng, theo ông Quang, ngoài nghề đi biển, người dân ở đây không biết phải làm nghề gì.
Ô nhiễm ở mức báo động
Cũng vì không có đất nông nghiệp nên hàng chục nghìn người sống bằng nghề khai thác hải sản trên biển, kéo theo đó là các dịch vụ hậu cần nghề cá, dịch vụ thương mại phát triển, tạo nhiều công ăn việc làm cho người dân, các nghề này sử dụng một lượng lớn túi nilông, bao bì, thùng xốp, chất rắn... đựng các mặt hàng nên lượng rác thải, nước thải hằng ngày là rất lớn.
|
Bãi biển ngập trong rác ở Ngư Lộc. Ảnh: IT. |
Theo thống kê của UBND xã Ngư Lộc, mỗi ngày người dân nơi đây thải ra môi trường trên dưới 7 tấn rác thải. Do không có đất để quy hoạch thành bãi rác, nên toàn bộ số rác này được tống ra biển, gây ô nhiễm môi trường biển nghiêm trọng. Hàng nghìn m3 rác thải dồn ứ, chất thành đống dọc theo mép biển.
|
Thuyền bè lẫn trong rác thải. Ảnh:NT. |
Cũng đã nhiều lần UBND xã Ngư Lộc đã có công văn gửi UBND huyện Hậu Lộc xin mức kinh phí xử lý, vận chuyển rác tuyến đê biển khoảng 450 triệu đồng và hỗ trợ kinh phí xử lý môi trường hàng năm nhưng vẫn chưa có phúc đáp của UBND huyện.
Ông Quang cho biết: "Nếu có được nguồn kinh phí này để thuê phương tiện, máy móc vận chuyển rác, bà con trong xã sẵn sàng đóng góp ngày công để cùng chính quyền xử lý triệt để nguồn rác tồn đọng lâu năm trên bờ biển".