Sướng như... khách VIP ngân hàng
Nghề ngân hàng là nghề buôn tiền, quan trọng nhất là khách hàng gửi tiền và tiền gửi. Lượng tiền trong dân chúng có hạn, vì thế các ngân hàng buộc phải đưa ra các chiêu thức cạnh tranh để thu hút lượng tiền gửi có hạn này, đặc biệt là đối với những khách hàng có lượng tiền gửi lớn, lâu dài hay gọi cách khác là các khách VIP.
Mỗi ngân hàng sẽ có tiêu chuẩn khác nhau về khách VIP. Tuy nhiên, thường chỉ cần gửi 1 tỷ đồng trở lên ở kỳ hạn 3 tháng là đã được coi là khách VIP và chế độ chăm sóc của ngân hàng với đối tượng khách hàng này là "đến tận răng".
Cụ thể, theo một nhân viên có kinh nghiệm phụ trách khối khách hàng VIP cá nhân của ngân hàng chia sẻ: Khách VIP không chỉ được chăm sóc bằng các chương trình khuyến mại như hưởng lãi suất ưu đãi, được tặng quà trong các dịp lễ tết, mà đặc biệt hơn là khách hàng được nhận chế độ chăm sóc riêng.
Thường sẽ có một nhân viên ngân hàng chuyên để phục vụ các khách hàng này. Dù gửi tiền hay rút tiền đều có thể không cần qua phòng giao dịch ngân hàng mà nhân viên ngân hàng sẽ tới tận nhà khách hàng thực hiện các giao dịch để khách hàng không phải "lặn lội".
Hoặc đơn giản hơn là khách hàng ở bất cứ đâu, chỉ cần gọi điện để xác nhận giao dịch với một chữ ký khống trước đó để thực hiện giao dịch. Đây được coi là một trong những phương cách cạnh tranh để lôi kéo khách hàng VIP của ngân hàng Việt.
|
Khách VIP ngân hàng mất trăm tỷ đồng tiết kiệm, nhiều 'đại gia' giật mình. |
Khi được chăm sóc "đến tận răng" như vậy, khách hàng sẽ tiết kiệm được thời gian, công sức và cảm thấy mình có "trọng lượng", đúng với câu "khách hàng là thượng đế". Tuy nhiên, đây cũng lại là kẽ hở để nhiều vụ việc tiền gửi tiết kiệm bốc hơi tại các ngân hàng Việt Nam diễn ra trong thời gian gần đây.
Mất tiền vì là "khách VIP ngân hàng"
Khi cho mình là khách VIP, nhiều khách hàng đã bỏ qua những thủ tục "phiền phức" (cũng là những khâu giúp bảo vệ tiền của khách hàng và ngân hàng), vô tình tạo cơ hội cho nhân viên ngân hàng đánh tráo, rút lõi tài khoản của khách hàng.
Mới đây nhất là vụ việc "bốc hơi" 245 tỷ đồng tiền gửi tiết kiệm của khách hàng tại Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank). Đây là con số tiền gửi tiết kiệm của khách hàng lớn nhất tại ngân hàng "không cánh mà bay".
Cụ thể, sự việc được tường trình lại như sau: Trước năm 2007, bà Chu Thị Bình đã giao dịch gửi tiết kiệm tại Eximbank TP.HCM. Do số tiền gửi tại ngân hàng này rất lớn nên khách hàng này được chăm sóc theo chế độ khách hàng VIP. T
oàn bộ các giao dịch với bà Bình đều do ông Lê Nguyên Hưng, Phó giám đốc Eximbank TP.HCM trực tiếp thực hiện, theo dõi, liên hệ khách hàng cũng như phê duyệt trên chứng từ giấy và trên hệ thống corebanking của Eximbank.
Lợi dụng sự tin tưởng của bà Bình, ông Hưng nhiều lần cùng nhân viên ngân hàng đến nhà riêng của bà để trình bày những khoản đã tất toán dựa theo kỳ hạn gửi. Tuy nhiên, trên thực tế ông Hưng đã chỉ đạo nhân viên lập chứng từ giả để rút tiền từ tài khoản chưa đến hạn tất toán của bà rồi gửi vào tài khoản đã đến hạn tất toán để chiếm đoạt số tiền rất lớn trong một thời gian dài.
Tháng 2/2017, khi đến hạn tất toán các sổ tiết kiệm, bà Bình phát hiện số dư trên sổ tiết kiệm không trùng khớp với số dư thể hiện trên bản gốc các sổ. Nghi ngờ mình bị lừa đảo, bà đối chiếu số dư sổ tiết kiệm thì phát hiện hơn 245 tỷ trong các tài khoản đã bốc hơi nên khiếu nại Eximbank.
Gửi tiền lớn thủ tục nhanh, bị mất thì "hãy đợi đây"!
Bà Bình không phải là nạn nhân đầu tiên của việc "mất tiền chẳng qua vì là khách VIP ngân hàng". Một số trường hợp "khổ chủ" được nhà băng nhanh chóng đền bù. Tuy nhiên, điều đó dường như chỉ là "may mắn" của những khách hàng nhỏ, có số tiền trong tài khoản từ vài triệu tới vài chục triệu đồng.
Còn với những "đại gia" có số tiền gửi lên tới vài tỷ hay hàng trăm tỷ đồng thì trong trường hợp này thì dường như họ là những kẻ kém may mắn. Dù khách hàng đeo đuổi tố cáo nhiều năm nhưng thường câu trả lời của ngân hàng vẫn rập khuôn: "chờ kết luận của cơ quan điều tra"!
Theo nhận định của một chuyên gia tài chính thì quy trình gửi tiền ở ngân hàng Việt đang có "lỗi hệ thống" khi ngân hàng quá chiều khách VIP mà bỏ qua các quy trình, quy định của ngân hàng. Đặc biệt, việc dùng chữ ký khống đang tạo kẽ hở cho kẻ gian lợi dụng gây bất lợi cho cả khác hàng và ngân hàng. Vì thế, việc chăm sóc khách hàng tới tận răng với khách VIP của ngân hàng như hiện nay là tiện nhưng không lợi.
Vị này cũng cảnh báo các khách VIP của ngân hàng, các vị "đại gia" nên cân nhắc giữa sự tiện nhất thời với cái lợi về sau. Việc gửi rút tiền càng thực hiện đúng quy trình thì khách hàng sẽ càng có lợi, số tiền gửi sẽ được bảo vệ tốt hơn.
Tuy nhiên, dù nói xuôi hay ngược thì trong những vụ việc tranh chấp như thế này, ngân hàng sẽ luôn mất dù cho kết luận điều tra cuối cùng là ngân hàng không phải bồi thường khách hàng. Cái mất ấy không đo đếm được, nó là lòng tin của khách hàng, là uy tín của ngân hàng và cả sự kỳ vọng của nhà đầu tư.