Chia sẻ tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về du lịch năm 2023 với chủ đề “Đẩy nhanh phục hồi - Tăng tốc phát triển” do Văn phòng Chính phủ phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức, ông Nguyễn Văn Hùng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cho biết một trong những hạn chế của ngành du lịch hậu đại dịch nói chung là thiếu nguồn nhân lực do trong thời gian dịch bệnh đã chuyển ngành, đặc biệt thiếu hụt lao động có chuyên môn và kinh nghiệm.
Cụ thể, với ngành khách sạn, đại diện một số đơn vị lưu trú cho biết khi hoạt động trở lại, nhiều nhân sự cũ không quay trở lại và việc tìm kiếm nhân sự mới cũng rất khó khăn.
|
Nhân sự khách sạn đang thiếu về cả chất lượng và số lượng. Ảnh: Đoàn Nguyên. |
Nhiều nhân sự rời ngành
Câu chuyện nguồn nhân sự chất lượng cao trong ngành khách sạn chuyển sang lĩnh vực khác và không có xu hướng trở lại không phải quá mới.
Trong buổi tọa đàm mới đây, bà Bùi Thị Ngọc Hiếu, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM cho biết trong năm 2022, khi hoạt động du lịch trở lại, một số khách sạn trên địa bàn có số lượng 80 phòng nhưng chỉ hoạt động được 30 phòng do thiếu nhân lực.
"Hiện nay, nguồn lực nhân sự ngành khách sạn thiếu hụt trầm trọng. Đơn vị tôi luôn rơi vào tình trạng cháy nhân sự, nhân sự bỏ việc nhiều", bà Nguyễn Thị Thúy Loan, đại diện đơn vị Khách sạn A25, bày tỏ.
|
Hậu đại dịch, nhiều nhân sự ngành khách sạn không sẵn sàng quay lại với công việc |
Bộ phận tuyển dụng liên tục tuyển người nhưng chất lượng đầu vào quá kém, chưa đáp ứng nhu cầu làm việc tối thiểu tại khách sạn. Phần lớn nhân sự có trải qua chương trình đào tạo nhưng thiếu kinh nghiệm thực tế.
Bà Loan chia sẻ thêm nếu tìm được ứng viên phù hợp, đáp ứng được yêu cầu công việc thì mức lương lại không đủ để giữ được họ. Nhân sự ngành khách sạn trên địa bàn thành phố đang thiếu về cả số lượng và chất lượng.
Thay đổi để thích nghi
Trong các chi phí vận hành của khách sạn, năng lượng và nhân sự là hạng mục lớn nhất, bà Nguyễn Hoàng Như Thảo, đại diện Wink Hotel, cho biết.
Trước những khó khăn về mặt nhân sự, đơn vị này đã áp dụng công nghệ hiệu quả với nhiều mục đích vừa giảm thiểu chi phí, vừa tăng cường trải nghiệm của khách hàng và theo đúng mô hình khách sạn thông minh.
"Hiện, chúng tôi có khoảng 50 nhân sự trên quy mô 237 phòng. Số lượng nhân sự này cũng chỉ bằng 1/5 so với các khách sạn vận hành theo mô hình tương tự", bà Thảo chia sẻ.
Cụ thể, thay vì sử dụng nhân viên lễ tân, khách sạn áp dụng các quầy check in tự động (self check-in), máy bán hàng tự động (vending machine) thay thế dịch vụ tại phòng (room service) ...
|
Ứng dụng công nghệ là một trong những giải pháp để giải bài toán nhân sự |
Chia sẻ với Zing, đại diện khách sạn này cho biết sau dịch, khách hàng cũng khá ngại việc tiếp xúc gần. Việc thay nhân sự bằng máy móc còn giúp hạn chế điều này, đem đến sự thoải mái và an tâm cho khách hàng trong thời gian lưu trú sau dịch.
Để giải quyết vấn đề thiếu nhân sự, ngành du lịch TP.HCM đã liên tục đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch cho các cơ sở lưu trú du lịch. Bên cạnh đó, Phó Giám đốc Sở Du lịch cũng khuyến khích các đơn vị áp dụng chuyển đổi số trong việc vận hành và kinh doanh.
"Việc chuyển đổi công nghệ số giúp các đơn vị ứng dụng được công nghệ thông tin trong việc quản lý. Chúng ta dễ dàng kiểm soát được số lượng khách hàng của mình qua số hóa, quảng bá thương hiệu và đặc biệt là giảm được số lượng nhân sự quản lý", bà Hiếu chia sẻ tại buổi tọa đàm gần đây.
Trong một cuộc chia sẻ trước đây với Zing, ông Đinh Mạnh Thắng, Chủ tịch Hiệp hội du lịch Thừa Thiên - Huế, đề xuất để giải quyết bài toán nhân sự, các doanh nghiệp cần có chính sách tốt để kêu gọi những nhân viên đã nghỉ quay lại, đầu tư thêm kinh phí để đào tạo nhân lực mới và liên kết các trường du lịch cho sinh viên đến làm ở các cơ sở.