Mất điện kéo dài, thêm phí máy nổ?
Tình trạng mất điện kéo dài khiến không ít khách sạn, nhà nghỉ, homestay khốn đốn. Chị Lê Hồng Nhung (tại phường Hùng Thắng, TP. Hạ Long) là chủ của nhiều căn hộ cho thuê cho biết, từ đầu hè đến nay, lượng khách hàng trả phòng tăng lên, nguyên nhân bởi tâm lý lo ngại tình trạng mất điện trong ngày hè nắng nóng.
Vụ việc đang gây tranh cãi nhiều trên các diễn đàn xã hội là chị N.N.H. (Thanh Hoá) đặt phòng nghỉ 2 đêm tại khách sạn một khách sạn Quảng Ninh qua OTA (kênh đặt phòng trung gian). Ngày 5/6, đến ngày đi du lịch, nữ du khách này nhận được tin Hạ Long mất điện, phía khách sạn yêu cầu phụ thu 300.000 đồng/đêm cho chi phí chạy máy phát điện. Chị H. cho rằng, gia đình thuê phòng nghỉ 2 đêm mà phải mất thêm 600.000 đồng tiền chạy máy phát điện là không hợp lý. Quá bức xúc, nữ du khách đã huỷ đặt phòng tại khách sạn này và chuyển sang thuê một địa điểm lưu trú khác.
|
Hạ Long vốn là điểm đến tránh nóng mùa hè của nhiều du khách |
Tương tự, chị Nguyễn Liên (Hai Bà Trưng, Hà Nội) khi đặt phòng tại một khách sạn khác ở Hạ Long cũng gặp tình trạng trên. Theo đó, khách sạn nơi chị đặt phòng đột ngột bị cắt điện, chị đã yêu cầu đổi sang khu vực khác có điện (cơ sở 2 của khách sạn) để ở nhưng không nhận được sự trợ giúp.
Chị Nguyễn Thị Hồng Hiền, chủ Bờm Villa & Resort nằm tại Bãi Cháy (Hạ Long, Quảng Ninh) cũng chia sẻ, mấy ngày trước, vợ chồng chị rất mệt mỏi vì tình trạng mất điện không báo trước khiến khách hàng than thở, trách móc, đòi trả tiền thuê. Vợ chồng chị đã phải trang bị quạt tích điện nhưng không thể đáp ứng nhu cầu khách hàng.
Tới ngày 3/6, vợ chồng chị Hiền phải chi cả trăm triệu đồng để mua máy phát điện, lắp đặt hệ thống điện tương thích nhằm đảm bảo hoạt động cho căn villa 9 phòng ngủ với nhiều nhiều thiết bị điện công suất lớn như dàn karaoke, điều hòa, tivi thông minh, bếp, tủ lạnh, lò vi sóng...
Theo chị Hiền, các hộ kinh doanh dịch vụ du lịch tại Hạ Long trông chờ nhất vào mấy tháng hè. Tình trạng mất điện khiến họ tổn thất doanh thu nghiêm trọng.
Ông Nguyễn Văn Sơn, đại diện The Watson Primium Hạ Long cho biết, phía khách sạn tiêu tốn 40-45 triệu đồng/ngày cho việc phát điện nhưng khách sạn không thu thêm phụ phí. khẳng định phục vụ khách trong ngày cắt điện, chấp nhận chịu lỗ để đảm bảo sự hài lòng của du khách.
Theo chị Kim Cúc, quản lý khách sạn Green Suties, mỗi ngày khách sạn phải chi khoảng 5 triệu đồng để mua dầu "nuôi" máy phát. Một số chủ khách sạn khác tại Quan Lạn, Minh Châu cũng cho hay, những ngày bị cắt điện triền miên, có khách sạn phải tốn từ 300 - 400 lít dầu/ngày để chạy máy nổ.
UBND huyện Vân Đồn (Quảng Ninh) cho biết, lượng khách đến khu du lịch Minh Châu - Quan Lạn sụt giảm khoảng 35%, chỉ còn khoảng 12.700 lượt khách du lịch/tuần so với thời điểm trước khi tiết giảm điện năng tiêu thụ. Con số này được dự báo tiếp tục giảm trong những tuần tiếp theo nếu việc tiết giảm điện còn kéo dài.
Phụ thu phí máy phát điện có đúng luật?
Về phía các cơ sở cũng cấp dịch vụ lưu trú, nhiều đại diện cho rằng việc thu thêm phụ phí phát điện gây khó cho doanh nghiệp, không thu thì lỗ mà thu thì sợ "khách phản ứng".
Trao đổi về vấn đề phát sinh phụ phí máy phát điện tại một số khách sạn ở Hạ Long, luật sư Nguyễn Văn Đạt thuộc Đoàn luật sư thành phố Hà Nội cho hay: “Trường hợp chủ khách sạn và khách hàng sử dụng dịch vụ đã có sự thỏa thuận trước đó về việc phát sinh phụ phí (nếu có) khi sử dụng dịch vụ và cả hai bên đều có sự đồng thuận thì hành vi này không vi phạm các quy định pháp luật.
Ở đây, có thể hiểu rằng giữa chủ khách sạn và khách hàng đã thành lập giao dịch dân sự bằng lời nói theo quy định tại Điều 119 Luật Dân sự 2015. Tuy nhiên, cả hai bên đều phải đảm bảo đủ các điều kiện thuộc Điều 117 Luật Dân sự 2015, gồm: Các bên đều có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập; Các bên tham gia giao dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện; Mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội”.
Theo dự báo của EVN, trong tháng 6 và tháng 7 sẽ còn nhiều đợt cắt điện. Việc nguồn cung điện chập chờn, thường xuyên bị cắt không chỉ làm giảm mạnh nguồn thu từ hoạt động dịch vụ mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến hình ảnh du lịch của địa phương, kéo giảm lượng khách trong bối cảnh cao điểm mùa hè.