Khách hàng mòn mỏi chờ giảm phí tin nhắn ngân hàng

Google News

Trong số những ngân hàng thu phí thông báo biến động số dư qua tin nhắn, đến nay chỉ có một ngân hàng quay về biểu phí cũ.

Như đã thông tin, việc hàng loạt ngân hàng (NH) tăng phí thông báo tin nhắn số dư qua điện thoại (SMS Banking) cao gấp 5-7 lần so với trước đây bị khách hàng phản ứng dữ dội. Sau đó, các NH và nhà mạng đã ngồi lại với nhau để thống nhất cách làm, đưa ra mức phí dịch vụ hợp lý. Thế nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả cuối cùng.

Nơi giảm, nơi chưa nhúc nhích

NH BIDV vừa gửi thông báo đến khách hàng về chính sách thu phí biến động số dư qua điện thoại. NH này nêu rõ: Với mong muốn chia sẻ, đồng hành cùng khách hàng, nhất là trong giai đoạn dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp, BIDV thông báo tạm thời vẫn áp dụng biểu phí SMS cũ (cố định 9.900 đồng/tháng) trong quý I-2022.

Dù chưa có chi tiết biểu phí mới và thời gian áp dụng nhưng việc tạm thời không thu phí theo biểu phí phân tầng cũng giúp người sử dụng dịch vụ có cảm giác mình giống “thượng đế”. Đây cũng là NH đầu tiên hoãn tăng phí biến động số dư qua SMS Banking sau khi nhận được phản đối từ khách hàng.

Trong khi đó, Vietcombank, Techcombank và hàng loạt NH khác hiện vẫn chưa có động thái thay đổi biểu phí phân tầng đối với dịch vụ SMS Banking. Trong đó, Vietcombank chuyển từ mức phí 11.000 đồng/tháng lên 11.000-77.000 đồng/tháng (tùy số lượng tin nhắn).

Đáng chú ý, chính sách biểu phí phân tầng chỉ mới được Vietcombank thay đổi từ đầu năm nay nhưng Techcombank đã áp dụng từ ngày 1-9-2020. Không những thế, mức phí của dịch vụ thông báo biến động số dư qua SMS Banking mà Techcombank đang áp dụng cũng thuộc hàng… siêu khủng.

Cụ thể, khách hàng có số lượng tin nhắn SMS Banking từ 0 đến 15 tin nhắn/tháng chịu phí là 13.200 đồng/tháng; từ 16 đến 30 tin nhắn/tháng là 19.800 đồng/tháng; từ 31 đến 60 tin nhắn/tháng là 44.000 đồng/tháng và từ 61 tin nhắn trở lên là 82.500 đồng/tháng.

Chị Hảo Anh (ngụ quận 2, TP.HCM) chia sẻ: “Tôi sử dụng NH Vietcombank. Gần như mọi chi tiêu tôi đều dùng thẻ ATM nên phí SMS Banking trong tháng 1 lên tới 55.000 đồng”.

Khach hang mon moi cho giam phi tin nhan ngan hang

BIDV thông báo vẫn áp dụng biểu phí SMS cũ trong quý I-2022.  Ảnh: THÙY LINH

 

Do phí quá cao nên chị Hảo Anh chuyển sang hình thức nhận tin nhắn thông báo biến động số dư trên app Banking. Lựa chọn hình thức này thì được miễn phí nhưng bất tiện vì phải truy cập vào app.

“Nếu Vietcombank quay về biểu phí cũ, tôi sẽ chấp nhận trả phí để biết dòng tiền ra - vào tài khoản kịp thời, tránh rủi ro không đáng có” - chị Hảo Anh nói.

Cần giảm gánh nặng cho khách hàng

Nhiều khách hàng cho biết người thanh toán qua thẻ đang gánh đủ thứ phí. Ngoài phí chuyển khoản liên NH được miễn phí thì khách hàng nào càng sử dụng nhiều loại thẻ sẽ gánh càng nhiều loại phí.

Đơn cử như phí E-Mobile Banking, phí quản lý tài khoản, phí quản lý thẻ, phí tin nhắn OTT (thông báo số dư trên app), phí thường niên duy trì sử dụng thẻ (một năm thu một lần)… Đó là chưa kể để được hưởng miễn phí vài chục ngàn đồng mỗi tháng, tài khoản thanh toán của khách hàng phải đảm bảo số dư trung bình tối thiểu 2-5 triệu đồng.

Liên quan đến vấn đề này, lãnh đạo NH Nhà nước cho biết năm 2021, giao dịch về số lượng và giá trị qua kênh điện thoại di động tăng tương ứng trên 73% và gần 90% so với cùng kỳ năm 2020. Khi lượng giao dịch online tăng trưởng đồng nghĩa với việc các NH phải gửi tin nhắn OTP và tin nhắn thay đổi số dư nhiều hơn, đồng nghĩa với mức chi phí cũng tăng theo.

Hiện mức cước tin nhắn các tổ chức tín dụng phải thanh toán cho nhà mạng rất lớn. Tính sơ bộ, một tổ chức tín dụng cỡ nhỏ hằng tháng phải trả phí cước cho 15-20 triệu tin nhắn, còn các tổ chức tín dụng tầm trung trở lên là 50-80 triệu tin nhắn/tháng. Từ năm 2015 về trước, các công ty viễn thông chỉ thu phí 150-320 đồng/tin nhắn nhưng vài năm gần đây họ đẩy phí lên gấp 2,5-5 lần.

Trước thực trạng trên, ngày 25/2, Hiệp hội NH Việt Nam đã cùng ngồi lại với lãnh đạo Bộ TT&TT, ba công ty viễn thông và đại diện lãnh đạo các tổ chức tín dụng để tìm cách giảm giá cước tin nhắn của các dịch vụ tài chính. Đại diện nhà mạng như Viettel, VinaPhone, MobiFone đề xuất thu phí tin nhắn dịch vụ NH trọn gói. Phía các NH cũng thống nhất với giải pháp này vì nó đảm bảo lợi ích của các bên.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội NH Việt Nam, nhấn mạnh: “Các giải pháp đưa ra đều hài hòa lợi ích của các bên và khách hàng là người được hưởng lợi nhất”.

Tuy vậy, ông Hùng cho biết hiện các NH thương mại và doanh nghiệp viễn thông mới chỉ dừng lại ở bước thống nhất phương án thu trọn gói 11.000 đồng/tháng (đã bao gồm VAT) và không giới hạn số lượng tin nhắn.

“Trên tinh thần như vậy thì giờ là lúc các bên tiếp tục ngồi lại với nhau để đưa ra mức giá hợp lý bằng văn bản chính thức” - ông Hùng nói.

Thế nhưng tổng thư ký Hiệp hội NH Việt Nam cho hay ông nhận được phản hồi của một số NH cho biết với mức phí 11.000 đồng/tháng thì NH vẫn phải gánh lỗ.

“Tôi đồng ý với quan điểm đã là doanh nghiệp thì kinh doanh phải có hiệu quả nhưng tính toán kiểu gì cũng phải đảm bảo lợi ích của các bên. Cụ thể là mức phí của công ty viễn thông đưa ra làm sao để NH không phải bù lỗ, nhà mạng vẫn đảm bảo kinh doanh có lời và người tiêu dùng không phải chịu thiệt” - ông Hùng nói.•

1 hóa đơn, trả phí 10 lần

Chia sẻ về trường hợp nộp phí khó hiểu, chị Tố An (ngụ quận 2, TP.HCM) cho biết cách đây không lâu, chị dùng thẻ ATM để thanh toán hóa đơn tại cửa hàng. Do máy POS hoặc hệ thống thanh toán của NH phát hành thẻ bị lỗi nên nhân viên thu ngân cà thẻ ATM của chị tới năm lần mà giao dịch vẫn không thành công.

Tương ứng mỗi lần cà thẻ, tài khoản của chị bị trừ tiền một lần nhưng do giao dịch không thành công nên lại được hoàn trả số tiền đã trừ. Vậy với cách thu phí thông báo số dư phân tầng thì chỉ với một hóa đơn này, chị phải trả phí cho 10 tin nhắn thông báo số dư (năm lần cà thẻ và năm lần hoàn trả tiền). Vậy số phí này ai sẽ chịu trách nhiệm?


Theo Thùy Linh/Plo

>> xem thêm

Bình luận(0)