Chiều 17/4, Thượng tá Phạm Thanh Bình, Trưởng phòng Tham mưu Công an tỉnh Đắk Nông cho biết, Cơ quan điều tra vẫn đang tiếp tục làm việc với những người liên quan để làm rõ vụ việc cơ sở nhuộm cà phê nhuộm đen bằng pin.
Theo Thượng tá Bình, Cơ quan điều tra đã tiến hành lập biên bản, niêm phong tại xưởng sản xuất cà phê nhuộm đen bằng pin của bà Nguyễn Thị Loan (đóng tại thôn 13, xã Đắk Wer, huyện Đắk R’lấp, tỉnh Đắk Nông) gồm: 15 tấn phế phẩm cà phê đã được ngâm và tẩm nhuộm màu đen, 500kg vỏ cà phê và cà phê nát, 35kg pin các loại cùng 10kg dung dịch màu đen.
|
Hàng chục tấn cà phê “bẩn” được cơ quan điều tra phát hiện, bắt quả tang tại cơ sở của bà Loan |
Ngoài ra, qua quá trình kiểm tra, cơ quan điều tra còn phát hiện trong kho của bà Loan còn có khoảng 8 tấn phế phẩm cà phê bẩn, trong số này đã có một số được chủ cơ sở cho nhuộm, trộn lẫn với chất dung dịch màu đen.
Cũng theo Thượng tá Bình, theo lời khai ban đầu của bà Loan, cơ sở này chỉ là nơi tập kết thu mua phế phẩm cà phê chứ không tổ chức rang xay cà phê. Vụ việc đang được điều tra làm rõ.
Như trước đó Báo CAND đã thông tin, vào ngày 16-4, từ nguồn tin báo của người dân, lực lượng Cảnh sát Môi trường Công an tỉnh Đắk Nông phối hợp cùng Thanh tra Sở NN và PTNT tỉnh đột nhập vào cơ sở chế biến cà phê bột của gia đình bà Nguyễn Thị Loan.
Vào thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng đã phát hiện trong xưởng chế biến cà phê của bà Loan có hàng chục tấn cà phê “bẩn” đã được trộn lẫn với đất, bột đá. Ngoài ra, tại cơ sở chế biến, lực lượng chức năng cũng đã thu giữ 2 chậu chứa cục pin con ó (khoảng 35kg) đã được đập vụn, 1 xô chứa nước màu đen (khoảng 10kg) đã được hòa tan bằng pin, hàng chục tấn cà phê bột đã được chủ cơ sở cho nhuộm đen bằng pin chuẩn bị đóng gói cùng nhiều máy móc, vật dụng liên quan đến việc sản xuất cà phê “bẩn”.
Bà Loan cho biết, cơ sở sản xuất cà phê này đã đi vào hoạt động nhiều năm nay. Để có nguồn nguyên liệu, hằng ngày bà Loan cho người đi thu mua lại các loại cà phê thải, phế phẩm vỏ cà phê, cà phê vụn vỡ…tại các đại lý. Sau đó mua các cục pin đập dẹp, dùng chất bột màu đen của pin hòa với nước rồi đem nhuộm với cà phê. Cũng theo bà Loan, chỉ tính riêng từ đầu năm 2018 đến nay, cơ sở của bà đã xuất bán ra thị trường hơn 3 tấn cà phê “bẩn” đã được nhuộm đen bằng pin con ó như trên.
Trao đổi qua điện thoại với phóng viên, Thạc sỹ, bác sỹ Nguyễn Văn Tiến - Trung tâm Giáo dục Truyền thông dinh dưỡng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, trong pin thường có các kim loại nặng như chì (Pb), thủy ngân (hg), kẽm (Zn), cadmium (Cd) và Asen (As) hay còn gọi là thạch tín…đều là những chất cực độc, nguy hiểm cho não, thận, tim mạch và khả năng sinh sản của con người.
Sử dụng thực phẩm, nước uống nhiễm kim loại nặng sẽ gây ngộ độc cấp tính làm ảnh hưởng tới sức khỏe khôn lường, ngộ độc cấp tính nặng có thể gây tử vong.
Ngộ độc mãn tính thường gặp và nguy hiểm hơn do nhiều lần ăn uống phải thức ăn, đồ uống có hàm lượng các nguyên tố kim loại nặng, chúng nhiễm và tích lũy dần rồi gây hại cho cơ thể. Nơi tích lũy kim loại nặng là gan, thận, não rồi đào thải qua đường tiêu hóa và đường tiết niệu.
Khi cơ thể tích lũy một lượng đáng kể sẽ dần dần xuất hiện các biểu hiện nhiễm độc như hơi thở hôi, sung lợi, da vàng, đau bụng dữ dội, táo bón, đau khớp xương, bại liệt chi trên (tay bị biến dạng), mạch yếu, nước tiểu ít, thường gây xảy thai ở phụ nữ có thai.
Ngộ độc mạn do tích lũy liều lượng nhỏ Asen trong thời gian dài có gây các biểu hiện như: da mặt xám, tóc rụng, viêm dạ dày ruột, đau mắt, đau tai, có asen trong nước tiểu, gây yếu dần và kiệt sức.