Một bác sĩ công tác tại bệnh viện công ở Hà Nội đã 15 năm tâm sự, 1 tháng lương của bác sĩ do nhà nước trả khoảng hơn 5 triệu đồng cộng thêm tiền trực khoảng 500 nghìn đồng/tháng. Tổng thu nhập từ bệnh viện khoảng gần 6 triệu đồng.
|
Bảng lương của bác sĩ bệnh viện công lập. |
Nếu so với các người bạn bằng tuổi, ở cùng mức học như nhau thì giờ đây họ đã trở thành giám đốc, trưởng phòng và những người làm ở ngành tài chính kinh doanh thì mức thu nhập của họ cao hơn rất nhiều.
Mức lương của bác sĩ không phải so sánh với mặt bằng xã hội mà so sánh với những hi sinh và học hỏi của họ. Điều đó khiến các bác sĩ luôn cảm thấy “bị hắt hủi” vì công việc vất vả, phải trực đêm và phải liên tục học hỏi.
Mới ra trường một bác sĩ chỉ có thu nhập khoảng hơn 2 triệu đồng, hầu như các bác sĩ sẽ có thêm khoản trợ cấp khác nhưng đó chỉ là với bác sĩ ở những bệnh viện lớn.
Một trưởng khoa của Bệnh viện Tâm thần trung ương chia sẻ, làm việc 17 – 18 năm tại bệnh viện, cả lương quản lý khoa nhưng tổng thu nhập của chị mỗi tháng chỉ khoảng 10 triệu đồng. Số tiền này để nuôi các con ăn học ở Hà Nội là eo hẹp. Với các bác sĩ của bệnh viện tâm thần việc làm thêm cũng khó hơn các bác sĩ nội khoa, ngoại khoa.
Theo quy định của Bộ Nội vụ, mức lương của bác sĩ hiện tại cũng giống như lương của giáo viên, của kỹ sư, của các ngành nghề khác. Với mức lương cơ bản (cơ sở) của ta là 1.150.000 đồng/tháng. Bác sĩ ra trường được hưởng lương của cử nhân (trình độ đại học nói chung), có hệ số 1 là 2,34. Cứ 3 năm được tăng lương một lần lên 0,33 thành hệ số 2 (2,67), rồi hệ số 3 (3,00) ... Tối đa có 9 bậc lương (hệ số 9 là 4,98).
Bác sĩ sau khi tốt nghiệp ra trường, phải qua một quá trình học việc hoặc thử việc, nếu may mắn được ký hợp đồng sẽ được hưởng 85% của hệ số lương 2,34 tức là 2,34 x 1.150.000 x 0,85 = 2.287.350 đồng, nếu trừ bảo hiểm còn khoảng 2,2 triệu đồng/tháng.
Ở cấp học thạc sĩ sẽ được hưởng lương khởi điểm bậc 2 là 2,67 và tiến sĩ sẽ được hưởng lương khởi điểm bậc 3 là 3,00.
Nếu là Bác sĩ chính, Giảng viên chính, Phó giáo sư được công nhận tương đương Giảng viên chính (tương đương Chuyên viên chính) sẽ được hưởng lương bậc 1 là 4,40 và cứ 3 năm tăng một bậc thêm hệ số 0,34 cho tới tối đa là bậc 8 (hệ số 6,78).
Nếu là Bác sĩ cao cấp, Giảng viên cao cấp, Giáo sư được công nhận tương đương Giảng viên cao cấp (tương đương Chuyên viên cao cấp) sẽ được hưởng lương bậc 1 là 6,20 và cứ 3 năm tăng thêm một bậc là 0,36 cho tới tối đa là bậc 6 (hệ số là 8,00).
Nếu so với nghề khác, nghề bác sĩ phải luôn luôn đi học, luôn luôn trau dồi kiến thức thì thu nhập của họ đôi khi chỉ “đủ tiền đi học thêm”.
Tuy nhiên vẫn có những bác sĩ giàu, bác sĩ đi xe hơi đi làm. TS Võ Xuân Sơn – Nguyên bác sĩ tại Bệnh viện Chợ Rẫy chia sẻ: "Bác sĩ nói chung là nghèo! Số bác sĩ có nhà lầu, xe hơi chỉ đếm trên đầu ngón tay. Đó thực sự là những bác sĩ rất giỏi".
TS Sơn cho biết có những bác sĩ anh gặp họ làm việc ở tuyến cơ sở và họ chia sẻ ước mơ của họ chỉ đơn giản là một lần được ngồi lên máy bay. Hiện tại đa số các bác sĩ ở Việt Nam lương nhà nước theo bậc lương chung.
Hướng tới tăng thu nhập cho bác sĩ, chặn đứng nạn phong bì hiện nay đã có một số bệnh viện tự chủ tài chính để phát triển. Theo các bác sĩ việc tự chủ tài chính đối với bệnh viện công sẽ giúp các bệnh viện có thể triển khai xã hội hóa việc đầu tư mua sắm trang thiết bị hiện đại, nhờ đó người dân được khám chữa bệnh bằng những kỹ thuật cao. Tự chủ tài chính cũng giúp cán bộ, nhân viên y tế nâng cao thu nhập nên thái độ phục vụ sẽ tốt hơn.
Tuy nhiên hiện nay số lượng bệnh viện tự chủ tài chính còn thấp, hiện mới có 9/1.188 bệnh viện công lập được giao quyền tự chủ, tự đảm bảo chi phí hoạt động và bài toán tăng thu nhập cho bác sĩ đang được hướng tới đó là tính giá viện phí bao gồm cả lương bác sĩ, tăng cường sự hài lòng của người bệnh để người bệnh trở thành người trả lương cho bác sĩ.
Mời quý độc giả xem video Bác sỹ vừa hút thuốc vừa khám bệnh (nguồn Youtube):