Từ 9h ngày 15/1, rất đông đối tác của Grab đã tập trung trước cổng tòa nhà Kim Ánh (Cầu Giấy, Hà Nội), nơi có văn phòng của Grab, để phản đối việc hãng này đơn phương nâng mức chiết khấu.
Khoảng hơn 100 tài xế cả GrabCar và GrabBike đã tập trung phản đối, làm đoạn đường tại ngõ 78 Duy Tân trước của tòa nhà Kim Ánh bị tắc nghẽn. Lực lượng công an phường đã phải tham gia điều tiết giao thông tại đây.
Khoảng 10h30, phía Grab đã mời một số tài xế đại diện lên văn phòng để trao đổi. Phần đông tài xế còn lại tiếp tục tập trung trước cửa tòa nhà Kim Ánh.
|
Rất đông đối tác đã tập trung trước cửa tòa nhà Kim Ánh, nơi có văn phòng tại Hà Nội của Grab, để tiếp tục phản đối việc Grab đơn phương tăng chiết khấu. Ảnh: Việt Hùng. |
Tới gần 11h, đám đông mới bắt đầu giải tán bớt, tuyến đường này được lưu thông bình thường trở lại.
Tuần trước, nhiều tài xế GrabBike tại TP.HCM đã kéo đến trụ sở của doanh nghiệp (DN) này tại quận 10, để phản đối mức chiết khấu mà hãng nâng từ 20% lên 23,6%, áp dụng ngày 1/1/2018. Không đồng ý với yêu cầu của giới tài xế, nhưng Grab sau đó đã âm thầm đưa mức chiết khấu về lại 20%, bắt đầu từ 10h ngày 13/1.
Tuy nhiên, các đối tác vẫn chưa đồng ý, tiếp tục phản đối sáng nay, với mong muốn mức chiết khấu trở về 15% như trước thời điểm tháng 8/2017.
Anh V. Tuấn (Mỹ Đình, Hà Nội), một đối tác GrabBike, khẳng định việc tài xế xe ôm công nghệ tập hợp để biểu tình phản đối sáng nay là nhằm gửi thông điệp rằng "Grab không thể đơn phương muốn tăng chiết khấu là tăng".
"Chúng tôi muốn mức chiết khấu đưa về 15%, vì đợt tăng lên 20% hồi tháng 8/2017, chúng tôi cũng bị động, không hề được góp ý", anh Tuấn nói.
|
Bức xúc vì không có tiếng nói chung với hãng là tâm trạng của nhiều tài xế Grab. Ảnh: Duy Anh. |
Nhiều tài xế khác cũng đồng tình với anh Tuấn và cho rằng mức chiết khấu 20% là vẫn chưa hợp lý.
"Anh em chúng tôi chạy vất vả một tháng kiếm được 6-7 triệu đồng, trừ xăng xe, khấu hao phương tiện thì chẳng còn bao nhiêu mà chỉ có mấy tháng Grab đã 2 lần tăng mức thu", anh T. Dũng (Cầu Giấy, Hà Nội) bức xúc.
"Chúng tôi thấy đang phải bán sức lao động quá rẻ, trong khi nghề này rất vất vả", anh Dũng nói thêm.
Ngoài ra, các đối tác của Grabcòn cho rằng mức chiết khấu mà hãng thu của họ rất thiếu minh bạch vì Grab cứ đơn phương áp dụng.
"Mình tham gia GrabBike lúc mức chiết khấu 15%, nay đã 2 lần tăng chiết khấu nhưng không được có ý kiến. Làm gì có kiểu 'đối tác' nào như vậy trong kinh doanh", anh Dũng cho hay.
|
Kẹt cứng trên đoạn đường tại ngõ 78 Duy Tân vì các tài xế Grab tập trung phản đối. Ảnh: Duy Anh. |
Chung tâm trạng với các đồng nghiệp chạy GrabBike, các tài xế GrabCar cho rằng với mức chiết khấu hiện nay, thu nhập của họ không thể đảm bảo. Do vậy mà nhiều tài xế đồng tình tắt app trong sáng nay và tập trung phản đối.
"Công ty liên tục đơn phương tăng chiết khấu khiến anh em thu nhập ngày càng thu hẹp, đó là còn chưa kể các khoản ưu đãi, thưởng thêm cũng cắt giảm rõ rệt", một tài xế GrabCar đang có mặt tại Duy Tân chia sẻ.
"Chúng tôi đã đồng hành cùng Grab từ những ngày còn ít khách, mà giờ bị công ty đơn phương tăng chiết khấu, cảm giác như bị phản bội", anh này nói thêm.
Chia sẻ với Zing.vn sau khi gặp đại diện Grab, các tài xế cho biết họ chỉ được thông báo phía Grab muốn sắp xếp một lịch hẹn khác để làm việc cụ thể hơn. Trong buổi sáng nay chưa có một thỏa thuận mới nào giữa tài xế và hãng.
Còn đại diện phía Grab cho biết hãng đã làm việc với 5 đại diện của các tài xế Grab tại Hà Nội. Nội dung cuộc trao đổi chủ yếu liên quan đến các quy định mới của Bộ Giao thông Vận tải cũng như việc áp dụng chính sách cấm đường đối với xe theo hợp đồng bao gồm Grab, Uber trên 13 tuyến đường tại Hà Nội. Các tài xế đã đề xuất các chính sách hỗ trợ của Grab đối với tài xế trong bối cảnh này. Việc thỏa thuận cụ thể giữa Grab và các tài xế, phía Grab sẽ thông tin sau.
Cùng lúc đó, nhiều tài xế chia sẻ trên diễn đàn việc tài khoản bị khóa mà không được thông báo lý do. Một số tài xế thông tin tài khoản của mình đã bị khóa từ ngày 13/1 mà không nhận được thông tin cụ thể nào.
Đại diện một hợp tác xã vận tải cũng chia sẻ thông tin kêu gọi tài xế GrabCar không tham gia phản đối, để tránh bị khóa tài khoản, ảnh hưởng đến hoạt động và thu nhập.