Để phòng dịch COVID-19 lây lan, từ ngày 25/5, Hà Nội yêu cầu các quán ăn, nhà hàng đồng loạt ngừng phục vụ khách trực tiếp mà chỉ được bán mang về.
Trò chuyện với PV, nhiều người giao hàng (shipper) nói vui, điều này khiến "thời" của họ đã tới, cản không kịp. Khi đơn hàng tới tấp dội đến, họ bỗng trở thành đội ngũ vận chuyển quan trọng giúp người tiêu dùng dù ở nhà để tránh dịch nhưng vẫn mua được hàng hóa. Thu nhập của shipper vì thế cũng tăng lên nhanh chóng.
|
Công việc của shipper trở nên tất bật hơn khi các cửa hàng dừng phục vụ đồ ăn trực tiếp. |
Anh Đặng Hải Anh, 29 tuổi, shipper của ứng dụng Now cho biết từ lúc các cửa hàng dừng phục vụ trực tiếp, lượng khách đặt hàng qua ứng dụng này tăng lên rõ rệt. Giờ cao điểm làm việc của anh thường là từ 11h đến 13h các ngày trong tuần. Trước đó, vào mỗi buổi trưa anh Hải Anh nhận được từ 2 - 5 đơn đặt hàng. Tuy nhiên mấy ngày nay, anh Hải Anh có thể nhận được gấp đôi. Chưa kể, ngoài khung giờ cao điểm, anh cũng vẫn nhận được nhiều đơn trong những thời điểm khác.
“Vào những hôm trời nắng nóng, biết mình phải chờ đợi nên nhiều khách cũng típ thêm tiền. Hiện tại nếu chăm chỉ chịu khó mà nhận nhiều đơn thì một ngày có thể kiếm được 500.000 - 600.000 đồng, còn nếu nhận hết đơn thì còn cao hơn nữa. Trước kia, mỗi ngày cũng chỉ kiếm được khoảng gần 200.000 đồng thôi”, anh Hải Anh tâm sự.
Tuy vậy, theo anh Hải Anh, để kiếm được nhiều tiền cũng không hề đơn giản. Do lực lượng shipper ngày càng đông, anh cũng phải luôn chú ý theo dõi ứng dụng để nhanh chóng nhận đơn. Dưới trời nóng bức, việc xếp hàng chờ mua đồ cho khách cũng rất dễ bị ức chế, nhiều hàng quán bị quá tải, không thể làm nhanh như mọi khi. Chưa kể anh phải di chuyển trên đường nhiều hơn, càng giữa trưa nắng nóng càng đông khách, anh càng phải chạy đơn, bất chấp mệt mỏi. Đặc biệt, chạy hàng giữa mùa dịch khiến anh luôn lo lắng, nơm nớp sợ bị mắc bệnh, do vậy anh phải tìm mọi cách để tự bảo vệ mình.
"Tuy vui vì có thêm thu nhập nhưng chúng tôi không hề muốn tình trạng này kéo dài. Chỉ mong dịch bệnh được đẩy lùi để mọi thứ trở về bình thường, không ai phải lo lắng nguy cơ bị mắc bệnh bất cứ lúc nào nữa", anh Hải Anh nói.
|
Shipper Hà Nội đang rất đông khách những ngày này. |
Ông Trần Văn Hoàng, 47 tuổi, chuyên chạy Grabike cho biết, dịch bệnh khiến nhu cầu đi lại của khách giảm hẳn nhưng nhu cầu đặt đồ ăn lại tăng lên đáng kể, giúp ông kiếm được nhiều tiền hơn, dù chở hàng còn nhẹ nhàng, thoải mái hơn chở khách.
“Nhiều hôm tôi chỉ nhận được đơn giao đồ ăn chứ không hề có khách nào đặt xe cho nhu cầu di chuyển. Điều này chưa bao giờ xảy ra trong suốt khoảng thời gian 2 năm tôi làm lái xe Grab", ông Hoàng nói.
Đức Trung, 26 tuổi, đã làm shipper của ứng dụng Baemin được khoảng 6 tháng cho biết, lượng khách đặt đồ ăn vào buổi trưa tăng đột biến kể từ khi các quán ăn ngừng phục vụ trực tiếp và chỉ bán mang về. “Mấy hôm nay, nếu tính từ khoảng 8h sáng đến 10h tối, có những hôm tôi giao được 11 đơn hàng. Đây là điều mà trước kia tôi chưa bao giờ đạt được”.
Anh Trung cho biết, với lượng đơn hàng này, anh có thể kiếm được đến gần 700.000 đồng/ngày. Đây cũng là mức thu nhập kỷ lục mà anh đạt được kể từ khi làm shipper.
Phải ra đường bươn chải kiếm tiền trong lúc dịch bệnh đang căng thẳng, anh Trung tự bảo vệ mình bằng cách luôn đeo khẩu trang, thường xuyên rửa tay sát khuẩn và cố gắng giữ khoảng cách an toàn ở cả cửa hàng và lúc gặp khách.
|
Lượng đơn đặt đo ăn online tăng mạnh, đặc biệt là vào buổi trưa. |
Chủ một cửa hàng cơm gà trên phố Chùa Láng (Đống Đa) cho biết mặc dù không phục vụ tại quán nhưng lượng đơn hàng mỗi ngày mà quán này bán ra không hề giảm do lượng đơn đặt hàng online tăng lên nhiều. Đơn đặt hàng nhiều nhưng người đến lấy hàng mang về lại chủ yếu là lực lượng shipper chứ không phải khách đặt đơn.