Hàng nghìn triệu phú đang rời Trung Quốc

Google News

Ngày càng nhiều triệu phú đang tìm cách rời khỏi Trung Quốc. Trong khi đó, Ấn Độ đứng thứ hai về số lượng triệu phú di cư.

Trong một báo cáo được Henley & Partners công bố hôm 13/6, Trung Quốc sẽ là nước ghi nhận nhiều triệu phú rời khỏi nhất thế giới trong năm nay. Tốc độ tăng trưởng tài sản của đất nước 1,4 tỷ dân đang chậm lại.

Theo ước tính của hãng tư vấn, 13.500 triệu phú sẽ rời khỏi Trung Quốc trong năm nay. Đây là những người nắm giữ khối tài sản có thể đầu tư trị giá từ 1 triệu USD trở lên.

Theo sau là Ấn Độ với 6.500 triệu phú và Anh, 3.200 người.

Trong những năm qua, các doanh nhân Trung Quốc đã đổ tiền vào những quốc gia cởi mở hơn như Singapore hoặc lên các kế hoạch khác. Việc Bắc Kinh quyết tâm theo đuổi chiến lược Zero-Covid khiến nhiều người giàu có chuyển sang nước ngoài sinh sống.

Cũng theo ước tính của Henley & Partners, khoảng 10.000 cư dân đã tìm cách chuyển tổng cộng 48 tỷ USD khỏi Trung Quốc trong năm ngoái.

Các chuyên gia và luật sư tư vấn về di cư cho biết vào mùa xuân, khi Thượng Hải bị phong tỏa, lượng khách hàng tìm đến họ đã tăng gấp 3-5 lần so với một năm trước đó.

Còn theo các nhân viên ngân hàng, những câu hỏi về việc chuyển tiền khỏi Trung Quốc đã tăng theo cấp số nhân.

Hang nghin trieu phu dang roi Trung Quoc
 

"Trong giai đoạn phong tỏa, nhiều người cảm thấy không còn lựa chọn nào khác", một chuyên gia tư vấn có tên Sumi ở Thượng Hải tiết lộ. "Họ đã do dự từ lâu, nhưng lần này, họ quyết định chuyển đi", người này nói thêm.

"Tăng trưởng tài sản nói chung của Trung Quốc đã chậm lại trong vài năm qua. Điều đó đồng nghĩa với việc dòng tiền chảy khỏi nước này sẽ mang lại hậu quả nghiêm trọng hơn bình thường", Bloomberg dẫn lời ông Andrew Amoils - Trưởng bộ phận nghiên cứu tại công ty dữ liệu New World Wealth - nhận định.

Các luật sư tiết lộ việc rời khỏi Trung Quốc đang trở nên khó khăn hơn bởi thời gian xử lý hộ chiếu kéo dài. Những yêu cầu về thủ tục cũng ngày càng gắt gao.

Nền kinh tế Trung Quốc đã bùng nổ trong giai đoạn từ năm 2000 đến năm 2017. Nhưng kể từ đó đến nay, số lượng triệu phú và khối tài sản của họ gia tăng không đáng kể.

Tăng trưởng tài sản nói chung của Trung Quốc đã chậm lại trong vài năm qua. Điều đó đồng nghĩa với việc dòng tiền chảy khỏi nước này sẽ mang lại hậu quả nghiêm trọng hơn bình thường

Ông Andrew Amoils - Trưởng bộ phận nghiên cứu tại công ty dữ liệu New World Wealth

Mối quan hệ giữa Bắc Kinh và giới nhà giàu Trung Quốc đang ngày càng căng thẳng, nhất là sau khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đẩy mạnh chiến dịch "thịnh vượng chung", yêu cầu doanh nghiệp lớn và những cá nhân giàu có đóng góp trở lại cho xã hội.

Người Trung Quốc thường chuyển đến Mỹ, Singapore, Canada, Australia và một số nước châu Âu. Theo một ngân hàng tư nhân, các quốc gia có yêu cầu đầu tư thấp như Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Ireland có thể trở nên hấp dẫn.

Trung Quốc đã mở cửa trở lại, nhưng đà phục hồi của nền kinh tế thứ hai thế giới không mạnh mẽ như kỳ vọng. Hôm 13/6, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc tuyên bố cắt giảm lãi suất mua lại kỳ hạn 7 ngày 10 điểm cơ bản, từ 2% xuống 1,9%, khi cơ quan này bơm 2 tỷ nhân dân tệ (279,97 triệu USD) thông qua công cụ trái phiếu ngắn hạn.

Bắc Kinh cũng đưa ra một số biện pháp khác để vực dậy nền kinh tế như hỗ trợ ngành công nghiệp bất động sản và thúc giục các ngân hàng giảm lãi suất tiền gửi.

Số lượng người giàu rời khỏi Anh cũng được dự báo tăng gấp đôi trong năm nay. Ở chiều ngược lại, Australia có thể vượt UAE và trở thành nước thu hút triệu phú đầu tư hàng đầu với 5.200 triệu phú. Còn Singapore xếp thứ 3 trong bảng xếp hạng.

Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu... Mời độc giả của Zing đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.

Theo Thảo My/Zing

>> xem thêm

Bình luận(0)