Thêm 2 khách sạn làm cơ sở cách ly
Theo đó, thành lập cơ sở cách ly y tế tập trung cho người nhập cảnh tại Khách sạn La Belle Vie, số 101-103-105 Nguyễn Trường Tộ, phường Trúc Bạch, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội, phục vụ công tác cách ly y tế phòng, chống dịch bệnh COVID-19 do người được cách ly tự nguyện chi trả.
Cùng đó, UBND Thành phố Hà Nội ban hành Quyết định số 4296/QĐ-UBND về việc thành lập cơ sở cách ly y tế tập trung tại Khách sạn Mường Thanh Hà Nội Center phục vụ công tác cách ly phòng chống dịch bệnh COVID-19; Ủy quyền Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm thực hiện một số việc của BCĐ công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 thành phố Hà Nội.
Theo đó, thành lập cơ sở cách ly y tế tập trung cho người nhập cảnh tại Khách sạn Mường Thanh Hà Nội Centre, số 78 Thợ Nhuộm, phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội, phục vụ công tác cách ly y tế phòng, chống dịch bệnh COVID-19 do người được cách ly tự nguyện chi trả.
|
Thêm 2 khách sạn ở trung tâm Hà Nội được lựa chọn làm cơ sở cách ly
|
Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Thành phố ủy quyền Chủ tịch UBND quận Ba Đình và UBND quận Hoàn Kiếm quyết định cho phép Khách sạn La Belle Vie và khách sạn Mường Thanh Hà Nội Center được thực hiện cách ly y tế tập trung để phòng, chống dịch bệnh COVID-19 do người được cách ly tự nguyện chi trả;
Ban hành Quyết định thành lập Ban điều hành cơ sở cách ly y tế tập trung theo hướng dẫn của Bộ Y tế; Quyết định phê duyệt danh sách người được cách ly y tế tập trung và danh sách người kết thúc thời gian cách ly y tế tập trung tại Khách sạn La Belle Vie và Khách sạn Mường Thanh Hà Nội Center; Chỉ đạo Trung tâm Y tế cấp Giấy xác nhận hoàn thành cách ly y tế tập trung cho người được cách ly.
Sau khi kết thúc nhiệm vụ, ban hành quyết định kết thúc nhiệm vụ cho các khách sạn. Chủ tịch UBND quận Ba Đình và Hoàn Kiếm chịu trách nhiệm trước Pháp luật và BCĐ phòng, chống dịch bệnh COVID-19 thành phố Hà Nội về thực hiện nhiệm vụ được ủy quyền theo quy định tại Quyết định này; kịp thời báo cáo BCĐ phòng, chống dịch bệnh COVID-19 thành phố Hà Nội những vấn đề phát sinh để xin ý kiến chỉ đạo.
Thời hạn ủy quyền kể từ ngày ký Quyết định cho đến khi kết thúc dịch.
Đề cao cảnh giác, tuyệt đối không lơ là
Cũng liên quan tới công tác phòng chống COVID-19, UBND TP đã ban hành Công văn số 4719/UBND-KGVX về việc thực hiện Công điện số 1300/CĐ-TTg, ngày 24/9/2020, của Thủ tướng Chính phủ về việc phòng, chống dịch COVID-19.
Thực hiện Công điện số 1300/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, UBND thành phố yêu cầu các sở, ban, ngành thành phố và UBND các quận, huyện, thị xã tiếp tục thực hiện nghiêm túc các nội dung theo chỉ đạo của UBND thành phố tại Công văn số 4522/UBND-KGVX, ngày 16/9/2020, về việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong trạng thái bình thường mới.
UBND thành phố yêu cầu các đơn vị, địa phương tiếp tục đề cao cảnh giác, tuyệt đối không lơ là, chủ quan trước nguy cơ dịch bệnh; tổ chức thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch, chú trọng tuyên truyền tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp: Đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà, tại các địa điểm công cộng và trên phương tiện giao thông công cộng; rửa tay thường xuyên bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn; hạn chế tụ tập đông người; giữ khoảng cách an toàn. Các đơn vị, địa phương cần tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm.
Các địa phương phải chú trọng phòng, chống dịch tại các địa bàn đông dân cư, nơi tập trung đông người, trường học, khu công nghiệp, chợ, siêu thị, nhà hàng ăn uống, cà phê giải khát, bar, karaoke, vũ trường, cơ sở cách ly; không để dịch bệnh xuất hiện, lây lan trong các cơ sở y tế; xét nghiệm ngay các trường hợp có biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh trong cộng đồng; thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn cho người cao tuổi, người có bệnh lý nền.
Các đơn vị, địa phương cần chủ động chuẩn bị các kịch bản, bảo đảm cơ sở vật chất, nhân lực đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch; thường xuyên tổ chức tập huấn biện pháp ứng phó với các tình huống dịch bệnh có thể xảy ra. Từng cơ quan, đơn vị, tổ chức phải có phương án cụ thể và thường xuyên rà soát, kiểm tra, đánh giá mức độ an toàn phòng, chống dịch theo các tiêu chí do Bộ Y tế quy định.
Người đứng đầu cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm về phòng, chống dịch tại cơ quan, đơn vị và trong phạm vi quản lý.
UBND thành phố yêu cầu Sở Y tế phối hợp với các đơn vị có liên quan phổ biến các quy định, hướng dẫn về phòng, chống dịch trong các hoạt động kinh tế - xã hội theo hướng dẫn của Bộ Y tế, bảo đảm đúng quy trình, thủ tục, nhất là đối với các cơ sở y tế và cơ sở quản lý người nhập cảnh khi mở lại các đường bay thương mại quốc tế. Tất cả người nhập cảnh đều phải khai báo y tế, xét nghiệm, cách ly, giám sát y tế phù hợp và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định.
Sở Y tế cũng được giao chỉ đạo thực hiện việc bảo đảm an toàn các cơ sở khám, chữa bệnh; có phương án xét nghiệm, kết nối giữa các bệnh viện trong việc tiếp nhận, xét nghiệm, giới thiệu xét nghiệm người có biểu hiện mắc COVID-19; hết sức chú trọng bảo đảm an toàn cho bệnh nhân nặng. Sở Y tế cũng chịu trách nhiệm kiểm tra, xử lý vi phạm (nếu có), bảo đảm công tác phòng, chống dịch tại cơ sở y tế có hiệu quả.
Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã được giao thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch, đồng thời, không để ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống nhân dân; phối hợp với Công an thành phố, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội tiếp tục kiểm soát chặt chẽ, ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm các trường hợp nhập cảnh trái phép; tổ chức cách ly tại các cơ sở lưu trú, giám sát y tế chặt chẽ các trường hợp nhập cảnh, không để dịch bệnh lây chéo trong các cơ sở cách ly và lây lan ra cộng đồng.
UBND thành phố cũng đề nghị các sở, ngành và UBND các quận, huyện, thị xã, các cơ quan báo chí tiếp tục truyền thông về phòng, chống dịch, chú trọng truyền thông về thực hiện "thông điệp 5K", cài đặt và sử dụng các ứng dụng khai báo y tế tự nguyện, ứng dụng Bluezone.