Giống bầu khổng lồ nặng tới 15kg ở Hải Phòng
VTC News cho hay, huyện Cát Hải (TP. Hải Phòng) được xem là thủ phủ của giống bầu quả tròn khổng lồ, nhiều quả nặng tới 15kg. Không chỉ có hình dáng độc đáo, giống bầu này còn có cùi dày, hương vị đậm đà "độc nhất vô nhị".
Bầu Cát Hải cùi dày, hái đúng lúc bánh tẻ sẽ ngon. Bầu có thể xào tỏi, nhúng lẩu nhưng ngon nhất là nấu canh với tôm tươi. Đặc biệt, nhiều người dân Cát Hải khi nấu canh bầu này thì cho thêm vào một ít rau dền cơm, canh sẽ rất ngon ngọt.
|
Bầu khổng lồ. |
Theo ông Đoàn Quang Chiêm, một trong những hộ có diện tích trồng bầu lớn nhất của xã Nghĩa Lộ, giống bầu tròn có từ thời xưa, truyền qua rất nhiều đời. Trước đây, người dân trồng bầu để làm gáo múc nước phục vụ sản xuất nước muối, nước mắm thủ công. Gần đây, khi nghề làm muối thủ công ở Cát Hải mai một, bầu được dùng để chế biến món ăn hàng ngày.
Loại kiểng lá đổi 4 màu lạ mắt
Báo Nông Nghiệp Việt Nam thông tin, gần đây, tại làng hoa Sa Đéc (Đồng Tháp) xuất hiện cây kiểng có tên tam tài, điểm đặc biệt ở cây này là lá có thể chuyển 4 màu liên tục. Khi mới ra đọt lá có màu hồng sau đó chuyển dần sang màu trắng rồi màu cẩm thạch và cuối cùng là màu xanh. Ngoài lá chuyển màu đẹp, cây còn trổ bông màu trắng, đặc biệt cây trồng ở nơi có nhiều nắng thì cây càng phát triển và lá trổ màu càng đẹp.
Những cây tam tài khoảng 2 năm được bán với giá hơn 1 triệu đồng/cây. Các cây được tạo dáng hình cây thông giá bán đến 15 triệu đồng/cặp. Cây càng to giá bán càng cao, đối với những cây có dáng thế lâu năm có cây giá bán cả trăm triệu đồng. Do lạ mắt, dễ trồng và có tên mang lại may mắn nên mặc dù giá cao nhưng cây này vẫn đang bán rất chạy.
Cây tam tài có nguồn gốc từ Thái Lan. Cây được trồng bằng cách chiết cành, thuộc họ me nước, dễ trồng ít có sâu bệnh, cành cây dẻo nên thường được dùng để tạo dáng bonsai.
Đặc sản 'độc nhất vô nhị' ở Phú Yên ăn thử rồi nghiện
Mắt cá ngừ được xem là món ăn "độc quyền" của Phú Yên. Năm 2014, món ăn này được Hội Kỷ lục gia bầu chọn top 10 đặc sản hải sản nổi tiếng nhất của Việt Nam.
|
Món đặc sản "độc nhất vô nhị" ở Phú Yên (Ảnh: GiadinhNet) |
Vốn là loại hải sản có giá trị dinh dưỡng cao nên cá ngừ đại dương thành nguồn thực phẩm bổ dưỡng và được chế biến thành nhiều món ăn phong phú. Ngoài phần thịt được xuất khẩu, người dân địa phương đã sáng tạo ra món mắt cá ngừ hầm thuốc Bắc. Lâu dần, mắt cá ngừ đại dương trở thành món ăn quen thuộc và là một trong những đặc sản trứ danh của mảnh đất Phú Yên.
Tuy nổi tiếng là vậy nhưng món đặc sản này vẫn khiến không ít người "khiếp vía" vì mắt cá ngừ rất lớn, kích thước to bằng một cái chén ăn cơm hoặc hơn. Nhiều thực khách không đủ can đảm nếm thử nhưng khi ăn rồi thì nghiện.
Đàn cá hàng nghìn con đến nhà dân ở Đồng Tháp "xin thức ăn"
Thời gian qua, xuất hiện nhiều đàn cá tự nhiên di chuyển đến bến sông, ao cá của người dân ở miền Tây "xin ở nhờ". Mới đây, một đàn cá gồm hàng nghìn con cá tra kéo đến trú ngụ tại bến sông nhà bà Nguyễn Thị Nhàn (ở xã Đốc Binh Kiều, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp).
Báo Dân Trí cho biết, hiện số lượng cá tra được bà Nhàn "cưu mang" đã lên đến khoảng 2000 con, mỗi con nặng từ 1-3kg, có con nặng đến 4-5kg. Ngoài cá tra vào buổi sáng sớm hoặc xế chiều còn có cá éc, cá dảnh, cá trê... đến bến đò nhà bà xin ăn.
Từ ngày có đàn cá, nhà bà Nhàn lúc nào cũng rộn tiếng nói cười vì du khách các nơi ghé chơi, nhiều người còn đem thức ăn đến cho cá. Theo bà Nhàn, đàn cá tra này rất dạn dĩ. Ai đến cũng có thể chạm vào chúng, thậm chí cầm thức ăn trên tay và đút tận miệng cho cá mà không sợ chúng cắn hoặc đâm trúng tay. Bà Nhàn thường gọi đàn cá là các "con". Mỗi lần đi đâu xa bà lại "dặn dò" đàn cá "bơi quanh nhà, chớ bơi xa nghe con không thì người ta bắt mất".
Độc đáo mắm ong U Minh
Nói đến rừng tràm U Minh, không thể không nhắc đến đặc sản mật ong. Tổ ong đến kỳ khai thác, người ta lấy được nhiều thứ như: mật ong, sáp ong và nhộng ong (ong non)... Mật ong làm quà, làm thuốc, sáp ong dùng trong y tế và chế biến mỹ phẩm; ong non là món ngon đãi khách. Theo Báo Cà Mau, người ta đã chế biến nhiều món ăn từ ong non như: ong trộn gỏi bắp chuối, hấp lá mướp, lá lốt, chiên bột,... và đặc biệt nhất là món mắm ong, món ngon nổi tiếng vùng U Minh Hạ.
Bà Trần Thị Vân (chủ cơ sở mắm ong Hai Ngò, thị trấn U Minh) cho biết, sau khi khác thác mật ong, bà thấy tàng ong non nhiều quá, bỏ thì uổng nên bà làm thử mắm ong để ăn và tặng bà con hàng xóm. Thấy mắm ong ngon quá, bà nảy ra ý định kinh doanh nghề này và định hình nên thương hiệu Mắm ong U Minh nức tiếng.
|
Bà Vân đang trụng tàng ong để lấy nhộng chế biến mắm ong. |
Trước kia, khi khai thác mật ong, người ta bỏ tàng ong tại rừng. Nay tàng ong được tận dụng để làm ra mắm. 1 kg tàng ong có giá từ 50.000-60.000 đồng. Làm mắm ong cũng qua nhiều công đoạn. Mắm ong có vị béo, thơm lừng mùi mật ong và thính, ăn kèm thịt ba rọi và các loại rau rừng, lá lốt, lá sung, rau thơm...
Một vạn tờ tiền cổ quý giá của 9X Đà Nẵng
Anh Trần Văn Nam (SN 1992, sống tại TP. Đà Nẵng) có niềm đam mê tiền cổ từ khi còn học cấp 3. Sau khi tốt nghiệp thạc sĩ ở Nhật Bản, anh Nam về nước, từ bỏ cơ hội làm giảng viên để "nuôi" đam mê sưu tập tiền cổ.
Sau hơn 8 năm bén duyên với nghề sưu tầm tiền cổ, hiện anh Nam có bộ sưu tập khoảng 10 nghìn tờ tiền cổ của Việt Nam và gần như đầy đủ tiền cổ của các quốc gia trên thế giới, chưa kể đến các loại tem phiếu, giấy tờ xưa.
"Các tờ tiền trên 100 năm tuổi tôi sưu tầm được rất nhiều như tiền của Nga, Đức trong giai đoạn 1905-1907, tiền Đông Đương trong giai đoạn 1907-1908... Tôi đang sở hữu một trong những tờ tiền lớn nhất thế giới của Nga được in từ năm 1910", anh Nam cho biết trên báo này.