Tại thị trường trong nước, giá bán các loại xăng dầu hôm nay được áp dụng theo mức giá tại phiên điều hành chiều 11/5 của liên Bộ Tài chính - Công Thương.
Cụ thể, giá xăng RON 95 là 21.000 đồng/lít. Giá xăng E5 xuống mức 20.130 đồng/lít. Giá dầu diesel ở mức 17.650 đồng/lít. Giá dầu hoả là 17.970 đồng/lít.
Giá bán lẻ xăng dầu hôm nay:
Trên thị trường thế giới, giá xăng dầu hôm nay (18/5) có dấu hiệu khởi sắc sau khi giảm nhẹ vào phiên hôm trước.
Hôm qua (17/5), giá dầu thế giới quay đầu giảm nhẹ sau khi tăng vào phiên trước đó.
Dữ liệu từ Oilprice cho hay, lúc 9h35' ngày 17/5 (giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent xuống mức 74,88 USD/thùng, giảm 0,03 USD, tương đương 0,04% so với phiên liền trước. Còn giá dầu WTI ở mức 70,81 USD/thùng, giảm 0,05 USD, tương đương 0,07% so với phiên liền trước.
Đến 20h30' ngày 17/5 (giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent lên mức 75,82 USD/thùng, tăng 0,91 USD, tương đương 1,21% so với phiên liền trước. Còn giá dầu WTI ở mức 71,76 USD/thùng, tăng 0,9 USD, tương đương 1,21% so với phiên liền trước.
Giá xăng dầu hồi phục (Ảnh: Chí Hùng)
Giới phân tích nhận định, giá dầu đảo chiều đi lên nhờ dự báo tích cực về nhu cầu tiêu thụ xăng dầu từ Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA).
IEA nâng dự báo nhu cầu dầu toàn cầu trong năm nay thêm 200.000 thùng/ngày, lên mức kỷ lục 102 triệu thùng/ngày. IEA cho biết sự phục hồi của Trung Quốc sau khi dỡ bỏ các hạn chế Covid-19 đã thúc đẩy nhu cầu. Nhu cầu dầu của Trung Quốc trong tháng 3 đạt mức kỷ lục 16 triệu thùng/ngày.
Các nhà đầu tư cũng đang chờ đợi báo cáo tuần của Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Mỹ. Nếu tồn kho dầu giảm mạnh sẽ là yếu tố hỗ trợ cho giá dầu.
Bộ Năng lượng Mỹ ngày 16/5 cho hay, Chính phủ Mỹ sẽ mua 3 triệu thùng dầu thô cho kho dự trữ chiến lược của nước này trong tháng 8 tới. Thông tin này cũng khiến giá dầu đi lên.
Tuy nhiên, những lo ngại về sự suy giảm kinh tế toàn cầu đã hạn chế đà tăng của giá dầu. Nhiều nhà đầu tư tỏ ra không mấy lạc quan về triển vọng nhu cầu toàn cầu, khi hai thị trường tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới là Mỹ và Trung Quốc đều có rủi ro suy thoái.
Dữ liệu kinh tế yếu từ Trung Quốc đã phủ bóng lên triển vọng nhu cầu dầu của nước này. Sản lượng công nghiệp tháng 4 của Trung Quốc chỉ tăng 5,6% so với cùng kỳ năm ngoái, tăng chậm hơn nhiều so với mức dự báo tăng 10,9%. Còn đầu tư tài sản cố định của nước này trong tháng 4 chỉ tăng 4,7%, mức tăng chậm nhất kể từ cuối năm 2021.
Ngoài ra, sự “giằng co” trong đàm phán về trần nợ của Mỹ tiếp tục gây sức ép lên thị trường. Bộ Tài chính Mỹ cảnh báo rằng nước này sẽ rơi vào tình trạng vỡ nợ nghiêm trọng nếu Quốc hội không thống nhất dỡ bỏ mức giới hạn trần.