Theo Chi cục Thủy sản tỉnh Khánh Hòa, toàn tỉnh hiện có hơn 330 cơ sở sản xuất giống nhuyễn thể, hầu hết đều sản xuất ốc hương giống bảo đảm cho 713 ha nuôi ốc hương trên địa bàn tỉnh và xuất bán đi nhiều địa phương khác trong nước. Thế nhưng, ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến các cơ sở rất chật vật.
Ông Võ Khắc Én, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Khánh Hòa, cho hay không chỉ ốc hương mà tôm hùm, cá mú, cá chẽm... và một số mặt hàng nông sản khác đều bị tác động mạnh mẽ từ dịch Covid-19. Nhiều sản phẩm không tiêu thụ được vì thị trường Trung Quốc đóng băng. Ngành thủy sản tỉnh đang phối hợp với các địa phương nắm bắt tình hình sản xuất, tiêu thụ thủy sản của người dân để có biện pháp ứng phó phù hợp.
|
Giá ốc hương Khánh Hòa giảm đến 50% |
Bên cạnh đó, Khánh Hòa còn tồn hàng trăm tấn tôm hùm thịt. Số lượng không nhiều, song về lâu dài tỉnh cần tính toán thả nuôi hợp lý gắn với tiêu thụ.
Theo ông Nguyễn Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch UBND TP Cam Ranh, vừa qua báo chí nỗ lực đưa tình trạng tiêu thụ tôm hùm gặp khó khi xuất sang thị trường Trung Quốc bị ngưng trệ. Nhiều cuộc giải cứu tôm hùm tại thị trường nội địa đã đẩy giá tôm hùm lên 600 – 650 ngàn đ/kg. Tuy nhiên sau lại có thông tin việc đẩy giá tôm hùm chỉ làm lời cho nhà buôn. Giá tôm lại hạ, người nuôi lại gặp khó.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, việc Trung Quốc thay đổi chính sách nhập khẩu trong khi người nuôi thủy sản không nắm bắt được thông tin nên bị động, một số vùng nuôi vẫn còn tình trạng nuôi không đúng qui hoạch nên gặp khó trong việc cấp mã số vùng nuôi, các sản phẩm thủy sản nuôi chưa đạt các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP nên khó tiếp cận thị trường.
Đối với doanh nghiệp thu mua, xuất khẩu thủy sản lâu nay vẫn quen với đường xuất khẩu tiểu ngạch nên khi có thay đổi về biểu mẫu, nhãn hàng hóa… thì không kịp thích ứng. Sản lượng các mặt hàng thủy sản xuất sang Trung Quốc sụt giảm, ốc hương, tôm hùm ứ đọng ngay tại các vùng nuôi.