Ngày 11/08/2017, FPT ra thông báo về việc thoái 30% FPT Retail cho 2 quỹ ngoại lớn nhất tại Việt Nam, tiến tới giảm sở hữu tại FPT Retail xuống dưới 50%. Quá trình đàm phán cho việc tái cơ cấu tương tự đối với mảng phân phối (FPT Trading) cũng đang đi tới giai đoạn cuối cùng với một đối tác chiến lược từ Đài Loan (có doanh thu toàn cầu từ phân phối trên 30 tỷ đô la). Nếu mọi việc diễn ra đúng như dự kiến thì từ năm 2018, FPT sẽ không hợp nhất doanh thu từ mảng phân phối và bán lẻ vào doanh thu của toàn tập đoàn nữa.
Sau thoái vốn FPT còn lại gì?
Sau thoái vốn là gì? Đây có lẽ đang là câu hỏi lớn nhất với các nhà đầu tư của FPT. Nhiều người đang vẽ ra một viễn cảnh ảm đạm với doanh thu, lợi nhuận giảm khá mạnh khi không còn đóng góp của 2 mảng kinh doanh đang chiếm tỷ trọng lớn nhất về doanh thu (và cũng là nguyên nhân khiến FPT bị xếp “oan” vào nhóm ngành thương mại).
|
Ảnh minh họa. |
Để có câu trả lời hợp lý cần một cái nhìn khách quan vào cơ cấu lợi nhuận của FPT, đặc biệt là những trụ cột còn lại trong các lĩnh vực kinh doanh cốt lõi. Dưới đây là cơ cấu lợi nhuận trước thuế năm 2016: tổng lợi nhuận trước thuế là 3.014 tỷ đồng, với Xuất khẩu phần mềm, Dịch vụ viễn thông, Nội dung số và Tích hợp hệ thống chiếm 76%. Lợi nhuận của mảng Giáo dục nằm trong lợi nhuận Khác do tập đoàn không công bố con số cụ thể trong báo cáo thường niên.
Không khó để chỉ thấy sau thoái vốn FPT sẽ đi bằng 2 chân chính: Xuất khẩu phần mềm và Dịch vụ viễn thông, kèm theo đó là 2 lĩnh vực “phụ trợ” có liên hệ chặt chẽ là Giáo dục (cốt lõi là đào tạo nhân lực công nghệ thông tin đáp ứng nhu cầu nhân sự đầu vào cho mảng Xuất khẩu phần mềm) và Nội dung số (lớn nhất là quảng cáo số và các dịch vụ trên nền internet). Lĩnh vực kinh doanh còn lại được hợp nhất là Tích hợp hệ thống (FPT Information Systems).
Căn cứ trên tốc độ tăng trưởng các lĩnh vực trên năm 2016 và 6 tháng đầu năm 2017, có thể dự phóng tốc độ tăng trưởng và quy mô lợi nhuận theo các lĩnh vực kinh doanh của FPT năm 2017 – 2018 như sau (phân phối & bán lẻ sẽ được coi là công ty liên kết với giả định FPT sở hữu 48% ở mỗi công ty, lợi nhuận được cộng vào báo cáo lãi lỗ nhưng không hợp nhất các khoản mục khác trên báo cáo lãi lỗ cũng như bảng cân đối kế toán):
Ghi chú:
- Lợi nhuận từ phân phối, bán lẻ theo kế hoạch năm 2017 là 741 tỷ đồng, tăng mạnh so với 2016 chủ yếu do năm 2016 mảng phân phối bị ảnh hưởng bởi việc cắt lỗ tồn kho điện thoại Lumia. Kết quả 6 tháng đầu 2017 đang vượt kế hoạch đề ra.
- Lợi nhuận từ mảng bán lẻ năm 2018 dự kiến đạt trên 30% (so với mức trên 40% dự kiến cho năm 2016), trong khi lợi nhuận từ phân phối dự kiến tăng trưởng 10%.
Như vậy, sau khi thoái vốn thành công ở FPT Retail và FPT Trading, FPT chính thức trở thành một công ty có hoạt động kinh doanh cốt lõi là cung ứng Phần mềm – Dịch vụ, lợi nhuận từ 2 công ty liên kết về phân phối và bán lẻ chỉ còn chiếm khoảng 10% tổng lợi nhuận tập đoàn.
Để so sánh tương đương lợi nhuận 2018 với 2017, chúng ta bỏ qua lợi nhuận từ thoái vốn năm 2017, chỉ so sánh kết quả từ hoạt động kinh doanh cốt lõi. Phần lợi nhuận đóng góp từ phân phối, bán lẻ chỉ tính 48% cho năm 2017. Theo đó, lợi nhuận sau thuế từ hoạt động kinh doanh cốt lõi cho công ty mẹ dự kiến năm 2017 đạt 2.140 tỷ đồng, năm 2018 dự kiến đạt 2.660 tỷ đồng (tăng trưởng 24%).EPS từ hoạt động kinh doanh chính năm 2017 (tính trên vốn mới 5.310 tỷ) dự kiến đạt khoảng 4.030 đồng/cổ phiếu, năm 2018 đạt khoảng 5.009 đồng/cổ phiếu.
Quan trọng hơn, FPT sẽ được nhìn nhận với một diện mạo mới sau khi thoái vốn khỏi phân phối, bán lẻ. Tốc độ tăng trưởng lợi nhuận cũng như tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu sẽ tăng mạnh do không còn hợp nhất doanh thu bán lẻ, phân phối.
Một ẩn số có thể gây bất ngờ lớn trong các mảng kinh doanh chính của FPT trong tương lai là Giáo dục. Theo thông tin từ báo cáo thường niên, năm 2016 là năm thứ hai liên tiếp, Đại học FPT ghi nhận tốc độ tăng tuyển sinh vượt mức 30%/năm so với năm liền trước, tương đương 2.004 sinh viên mới nhập học. Tính tới cuối năm, hệ giáo dục của FPT, gồm tất cả các cấp từ đại học, cao đẳng, hợp tác quốc tế tới phổ thông trung học đạt tổng cộng 19.563 học viên, tăng 18% so với năm 2015. Tầm nhìn của khối giáo dục FPT là tới 2020, FPT sẽ có 100 ngàn học sinh – sinh viên, trong đó sinh viên nước ngoài chiếm 15% và các khối đào tạo dựa trên công nghệ giáo dục tiên tiến.
Với phân ngành mới là Phần mềm – Dịch vụ và Giáo dục – Nội dung số, hệ số PE cho FPT sẽ không “ì ạch” ở mức quanh 10 lần như hiện tại, vì PE của các nhóm ngành trên đều không dưới 20 lần. Cũng chính những phân ngành này là lý do mà FPT là cổ phiếu “phải có” trong danh mục của những quỹ đầu tư nước ngoài lớn nhất khi vào Việt Nam, room nước ngoài luôn kín và các cuộc trao tay nội khối của nhà đầu tư ngoại luôn ở giá cao hơn tới 20% so với giá thị trường ở bất kỳ giai đoạn thị trường nào.
Cuộc chơi mới của ông Trương Gia Bình
Năm 2018 sẽ là 1 năm lịch sử, đối với cả FPT và cá nhân chủ tịch của tập đoàn – ông Trương Gia Bình. Ở tuổi 30, FPT sẽ bước sang một trang mới, thực sự là một tập đoàn công nghệ như đã được ghi trong tầm nhìn của tập đoàn này thuở khai sinh.
Với cá nhân ông Trương Gia Bình, đây sẽ là giai đoạn mà ông có thể toàn tâm toàn ý cho những lĩnh vực mình thực sự tâm huyết.
FPT sẽ tiếp tục nắm giữ tỷ lệ cổ phần lớn tại FPT Retail và FPT Trading (xấp xỉ 50%), thể hiện cam kết lâu dài và tiềm năng không thể chối cãi của thị trường nội địa với gần 100 triệu dân. Tuy nhiên, xuyên suốt trong tầm nhìn, chiến lược của FPT vẫn là khao khát thay đổi vận mệnh dân tộc, và xuất khẩu phần mềm cùng với giáo dục sẽ là di sản và là dấu ấn cá nhân lớn nhất của ông Bình trong suốt cuộc đời kinh doanh.
Hàng chục ngàn lập trình viên được làm việc với các tập đoàn lớn nhất thế giới, được trải nghiệm ở những nền văn hóa phát triển, làm quen với phong cách làm việc chuyên nghiệp nhất. Hàng chục ngàn sinh viên đã và đang được tiếp thu một phong cách giáo dục mới để có thể tự tin bước vào thị trường lao động khi việc làm giờ đã sắp qua hẳn thời xin cho, xa hơn nữa là cạnh tranh sòng phẳng trong thị trường lao động toàn cầu.
Trong những bài phát biểu của ông Bình người ta thường thấy ông nhắc đến ý chí của toàn dân tộc, không chấp nhận nghèo hèn, mơ ước một quốc gia công nghệ, quốc gia khởi nghiệp và quốc gia sáng tạo với tinh thần tự tôn, tự chủ của mỗi cá nhân. Lãnh đạo FPT cũng nổi tiếng với những giấc mơ lớn, với ông Bình thì gần đây nhất là “tập đoàn toàn cầu với quy mô 100.000 nhân viên vào năm 2020”.
Lãnh đạo FPT Software (công ty xuất khẩu phần mềm của FPT) thì mơ doanh thu 1 tỷ USD vào năm 2020 với 30.000 lập trình viên. Năm 2013, FPT Software đạt doanh thu 100 triệu USD. Con số này tăng lên 230 triệu USD năm 2016. Tốc độ tăng trưởng bình quân 2013-2016 là 32%/năm. Nếu tốc độ tăng trưởng 30% được giữ nguyên trong các năm tới, thì đến năm 2020, FPT Software mới chỉ có trên dưới 650 triệu USD. Tuy nhiên con số 1 tỷ USD vẫn luôn là mục tiêu nhất quán để công ty này hướng đến, bằng tốc độ tăng trưởng cao hơn (45%/năm) thông qua tăng trưởng tự thân hoặc M&A các công ty nước ngoài trong ngành.
Năm 2013, kỷ niệm 25 năm thành lập, FPT không chọn cụm từ “Kỷ niệm 25 năm thành lập” mà chọn “Niềm tin ¼ thế kỷ”. Năm 2018, ở tuổi 30, FPT đang mạnh mẽ chuyển mình cho Giấc mơ thế kỷ ấy.