Đang mắc nợ 10 cây vàng, chị Nguyễn Thị Mai (Hà Đông, Hà Nội) tìm mọi cách xoay sở để mua được vàng miếng, nhưng tới nay mới mua được 3 cây. Chị Mai cho hay, cách đây 5 năm, chị vay vàng một người bạn để mua nhà. Giá vàng chị bán được thời điểm đó là 41,83 triệu đồng/lượng.
Chị Mai cũng tính trả nợ vàng sớm vì giá vàng biến động liên tục theo xu hướng tăng. Từ mức chỉ gần 42 triệu đồng, giá vàng miếng SJC đã tăng mạnh, lên mốc 50, 60, 70 và 90 triệu đồng/lượng. Nhìn giá vàng tăng, chị sốt ruột cứ đà này khó có thể trả nợ.
Đầu năm nay, giá vàng tiếp tục tăng cao, chị Mai vội mua 3 lượng vàng lúc thời điểm giá 89 triệu đồng/lượng. Sau đó, giá vàng lên trên 92 triệu đồng/lượng, chị không dám mua thêm.
Khi nghe tin các ngân hàng thương mại nhà nước bán vàng trực tiếp cho người dân, chị Mai hy vọng có thể mua được vàng giá thấp hơn để trả nợ. Tuy nhiên, không phải ai cũng may mắn xếp hàng mua được vàng. Chị Mai đi từ rất sớm nhưng không tới lượt. Tới khi đăng ký mua trực tuyến, chị canh rất nhiều ngày vẫn chưa thành công, dù có hôm đã huy động cả người nhà canh hộ.
Giá vàng SJC hiện bán ra mức 79,8 triệu đồng/lượng. So với thời điểm cách đây 5 năm, chị phải bù thêm gần 38 triệu đồng/lượng. Nhưng vấn đề quan trọng là không biết mua vàng SJC ở đâu để trả nợ.
|
Những ngày đầu ngân hàng mở bán, người dân xếp hàng mua vàng. |
“Người bạn cho vay vàng nên giờ cũng chỉ nhận vàng, tôi đau đầu không biết mua vàng miếng SJC ở đâu. Có người khuyên nên ra cửa hàng vàng chờ người tới bán thì giao dịch bên ngoài. Cách này có thể làm được nhưng tôi sợ không đảm bảo vàng thật”, chị nói.
Ông Nguyễn Văn An (Bắc Ninh) kể rằng có vay 5 cây vàng để kinh doanh nhà hàng. Thời điểm làm ăn khó khăn, ông không có tiền để mua vàng trả nợ. Giờ ông có đủ tiền thì chầu chực mãi vẫn chưa thể mua nổi.
“Dù giá vàng tăng gấp đôi so với thời điểm vay, nhưng tôi không thể mua được vàng để trả nợ. Món nợ cũ vẫn đang treo ở đó dù có tiền trong tài khoản”, ông lo lắng.
Trong bối cảnh khó có thể mua được vàng miếng hay vàng nhẫn để trả nợ, nhiều người đành phải đàm phán hay tìm cách giải quyết hợp lý.
Bà Phạm Thị Vân (Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, để trả nợ 10 cây vàng cho một người thân trong gia đình, bà đành phải đàm phán cộng thêm mỗi lượng 5 triệu đồng so với giá đang niêm yết tại các công ty kinh doanh vàng. Rất may cho bà Vân, người thân trong gia đình cũng đồng ý với phương án này.
“Thực tế không thể mua được 10 cây vàng lúc này, tôi đành chấp nhận thương lượng để trả tiền mặt thay trả nợ vay vàng. So với mức giá đỉnh trên 92 triệu đồng/lượng, tôi vẫn cảm thấy mình không bị thiệt”, bà Vân nói.
Khảo sát thị trường cho thấy, dù giá vàng SJC đứng im trong thời gian dài, người dân vẫn khó mua được vàng miếng, đặc biệt khi mua vài lượng trở lên. Tại một số điểm giao dịch vàng bên ngoài có hiện tượng người dân tự trao đổi mua bán, nhưng tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Sau khi 4 ngân hàng quốc doanh và Công ty SJC bán vàng trực tiếp cho dân, các đơn vị này đã bán hàng trăm nghìn lượng vàng. Tuy nhiên, nhu cầu mua vàng của người dân vẫn rất lớn.
Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam Huỳnh Trung Khánh cho rằng, khi chưa bỏ được độc quyền vàng SJC và chưa cho nhập vàng miếng, Ngân hàng Nhà nước cần nghiên cứu cho các đơn vị kinh doanh vàng được nhập vàng nguyên liệu để làm vàng trang sức.
Theo ông, giải pháp này sẽ giải quyết được phần nào nguồn cung của thị trường và đây mới là phương án tốt hơn cho thị trường về lâu dài.
Tại họp báo mới đây, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú thừa nhận, bán vàng qua 4 ngân hàng chỉ là giải pháp trước mắt. NHNN cùng các bộ, ngành chức năng đang nghiên cứu xây dựng chính sách hợp lý trong việc quản lý thị trường vàng.