Dựa vào tri thức, DN Việt sẽ thành những tên tuổi khổng lồ

Google News

(Kiến Thức) - Nhờ dựa vào công nghệ và tri thức, nhiều DN Việt đã trở thành những tên tuổi lớn như FPT, Viettel, tập đoàn TH, tập đoàn Sơn Kova...

Ngày 31/3, Hội thảo khoa học “Vai trò của doanh nghiệp trong phát triển kinh tế tri thức ở Việt Nam” được tổ chức tại Hà Nội, do Trường Đại học Quốc tế Bắc Hà chủ trì phối hợp với Viện Chiến lược và Chính sách KH&CN – Bộ Khoa học và Công nghệ và Tập đoàn TH tổ chức 
Tại hội thảo, ban chủ nhiệm đề án cấp nhà nước “Vai trò của doanh nghiệp trong phát triển nền kinh tế tri thức ở Việt Nam” cho rằng, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo sẽ đóng vai trò trung tâm đưa nền kinh tế Việt Nam đi lên kinh tế tri thức. 
Trên thế giới có rất nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp bắt đầu từ một kết quả nghiên cứu khoa học. Dựa trên tri thức và đổi mới sáng tạo, áp dụng các công nghệ mới, quy trình mới, sản phẩm và dịch vụ mới, các doanh nghiệp này phát triển rất nhanh và một số sẽ trở thành những tên tuổi khổng lồ, làm nòng cốt cho nền kinh tế mới dựa trên tri thức. 
Thực tế, trong thời gian qua, dù gặp nhiều khó khăn nhưng nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã thành công khi xác định kế hoạch phát triển dựa vào công nghệ cao và tri thức như FPT, Viettel, khu công viên phần mềm Quang Trung, Gốm sứ Minh Long, TH True Milk, Sơn Kova…
Dua vao tri thuc, DN Viet se thanh nhung ten tuoi khong lo
 Hội thảo "Vai trò của DN trong phát triển kinh tế tri thức ở Việt Nam". Ảnh: Trần Vũ.
Phát biểu tại hội thảo, Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Nguyễn Quân cũng nhấn mạnh về vai trò của doanh nghiệp trong sự phát triển kinh tế tri thức ở Việt Nam.  “Doanh nghiệp là trọng tâm, là trung tâm của quá trình đổi mới khoa học công nghệ quốc gia, là địa chỉ ứng dụng công nghệ quan trọng nhất và là nguồn cầu của nền kinh tế”, Bộ trưởng nói.
Bộ trưởng Nguyễn Quân cho biết, nhiều nhà khoa học đã chỉ ra sự phát triển của Việt Nam trong 30 năm đổi mới chủ yếu dựa vào ba yếu tố là thay đổi thể chế từ nền kinh tế tập trung kế hoạch hóa sang kinh tế thị trường, tháo gỡ những cơ chế cũ ràng buộc sự phát triển kinh tế xã hội, dựa vào tài nguyên thiên nhiên và kỳ vọng vào lao động giá rẻ.
Bộ trưởng cho rằng đã đến lúc không thể tăng trưởng bằng tháo gỡ cơ chế. Trong phát triển nền kinh tế tri thức, Bộ KH&CN đánh giá cao vai trò của doanh nghiệp. Quan điểm của Bộ là luôn luôn hỗ trợ, khuyến khích, cùng với các doanh nghiệp trong việc nghiên cứu, ứng dụng, làm chủ công nghệ nhập ngoại, sáng tạo ra công nghệ nội địa, tích cực đổi mới công nghệ, tạo ra sản phẩm mới có sự cạnh tranh và sẵn sàng hội nhập thế giới.
Mặc dù thời gian qua, tại Việt Nam đã có một số doanh nghiệp phát triển nhanh chóng nhờ đổi mới sáng tạo, dựa vào công nghệ nhưng thực tế, con số này không nhiều.  
Theo xếp hạng về chỉ số kinh tế tri thức (KEI) của World Bank, trong năm 2012, Việt Nam xếp hạng 104/146 quốc gia và vùng lãnh thổ, tăng chín bậc so với năm 2000, tăng một bậc trong 18 quốc gia châu Á trong bảng và thuộc nhóm trung bình thấp. So với các quốc gia Đông Nam Á, Việt Nam chỉ đứng trên Indonesia, Lào, Campuchia, Myanmar. Về chỉ số sáng tạo toàn cầu (GII), năm 2011 Việt Nam xếp hạng 51/125 quốc gia và vùng lãnh thổ và năm 2012 là hạng 76/141.
Trần Vũ

>> xem thêm

Bình luận(0)