Đưa nông sản “đi Tây”: Chấm dứt tư duy “mạnh ai nấy làm”

Google News

Gắn kết sản xuất - chế biến - tiêu thụ nông sản là bài toán khó đặt ra với ngành nông nghiệp để chấm dứt điệp khúc “được mùa mất giá, được giá mất mùa”.

Dua nong san “di Tay”: Cham dut tu duy “manh ai nay lam”
 Những lô vải thiều Bắc Giang đã được xuất khẩu.
Nhưng với những cuộc “giải cứu” nông sản từ cây trồng đến vật nuôi thời gian qua càng cho thấy sự lúng túng trong quản lý, điều tiết sản xuất và thiếu hiệu quả của “khoang chế biến, khoang tổ chức thị trường trong "đoàn tàu" sức sản xuất nông sản” như Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đã thừa nhận trước Quốc hội.
Sản xuất - chế biến - tiêu thụ: “Mạnh ai nấy làm”
Đó là nguyên nhân rất then chốt khiến thị trường nông sản luôn rơi vào tình trạng bấp bênh về giá, nhất là khi được mùa. Bà Ma Thị Thúy - Phó Trưởng đoàn Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tuyên Quang bày tỏ lo ngại khi “sự phát triển kinh tế ở khu vực nông nghiệp nông thôn hiện nay gặp rất nhiều khó khăn, đã bộc lộ rất rõ những hạn chế, bất cập về hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế nông nghiệp tương đối thấp. Tăng trưởng nhiều năm liên tục suy giảm, điển hình là một số mặt hàng nông sản chủ lực của chúng ta khó tiêu thụ, chăn nuôi gặp nhiều khó khăn. Đây là căn bệnh của nhiều năm nhưng chưa thể khắc phục, đã làm nền nông nghiệp nước ta thực sự gặp phải những thách thức, khó khăn rất lớn”.
Cùng với đó, qua thời gian tái cơ cấu ngành nông nghiệp nhưng nguồn vốn đầu tư cho sản xuất nông nghiệp còn thấp, đầu tư từ doanh nghiệp ngoài nhà nước vào nông nghiệp còn hạn chế, sản xuất chưa gắn kết được các khâu chế biến và tiêu thụ sản phẩm, chất lượng hàng hóa nông sản chưa đáp ứng được yêu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu.
Thực tế đã cho thấy, muốn các thị trường “chào đón” nông sản Việt trong điều kiện cạnh tranh mạnh mẽ, cần có những sản phẩm đạt yêu cầu về chất lượng và có “thương hiệu” để tạo niềm tin tiêu dùng. Vì thế, các chuyên gia đã khuyến nghị ngành NN&PTNT rất nhiều giải pháp để tổ chức sản xuất hiệu quả, làm tiền đề cho khâu tiêu thụ. Bản thân ngành NN&PTNT cũng đã nhận thức được vai trò của khâu sản xuất và xác định được những giải pháp tổ chức sản xuất. Đó là tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị khép kín; hỗ trợ và khuyến khích hợp tác, liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân hoặc các tổ chức đại diện của nông dân (hợp tác xã, tổ hợp tác) để gắn sản xuất nguyên liệu với chế biến và tiêu thụ sản phẩm, giảm bớt các khâu trung gian nhằm hạ giá thành sản phẩm.
Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ; ưu tiên phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ; đẩy mạnh áp dụng cơ giới hóa trong tất cả các khâu sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng và giảm chi phí sản xuất. Nâng cao hiệu quả công tác quản lý chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, vật tư nông nghiệp và hàng hóa nông sản; kiên quyết xử lý nghiêm tình trạng sử dụng chất cấm, trộn tạp chất hoặc hàng có dư lượng hóa chất độc hại vượt ngưỡng. Phát triển mạnh công nghệ chế biến, nhất là chế biến tinh, chế biến sâu; thực hiện các biện pháp giảm tổn thất trong các khâu thu hoạch, chế biến, bảo quản...
Với hướng đi này, nhiều nông sản của Việt Nam sẽ thâm nhập được các thị trường nước ngoài, ngay cả những thị trường khó tính như Nhật, Mỹ, châu Âu… Nhìn từ mùa vải 2017, không chỉ xuất khẩu sang các thị trường truyền thống như: Trung Quốc, Mỹ, EU..., năm nay vải thiều Bắc Giang còn được xuất sang các thị trường mới như: Trung Đông, Thái Lan, Canada khẳng định nông sản Việt Nam hoàn toàn có khả năng “đi Tây” như những lô vải thiều Bắc Giang. Vấn đề đặt ra theo các doanh nghiệp xuất khẩu là muốn đưa nông sản ra khỏi biên giới thì cần đảm bảo các nông sản đáp ứng các tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap, cùng với đó là tập trung vào các khâu sơ chế, đóng gói và bảo quản” nông sản.
Phát huy “lực lượng thương lái” như cánh tay nối dài
Do vậy, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết, để phát triển thị trường tiêu thụ cho nông sản, ngành NN&PTNT đã tập trung giải pháp phát triển các kênh phân phối bán buôn, bán lẻ để phát triển mạnh thị trường nội địa; tăng cường tuyên truyền, đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Các địa phương phải tổ chức quản lý lại hệ thống thương mại quy củ hơn, nhất là lực lượng thương lái để họ thực sự là cánh tay nối dài của các tổ nhóm, hợp tác xã hoặc của doanh nghiệp; khuyến khích thương lái hợp tác với doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia vào chuỗi sản xuất nông sản để đem lại giá trị cao và bền vững hơn.
Phát triển thị trường xuất khẩu: Tích cực đàm phán mở cửa thị trường xuất khẩu, giữ ổn định các thị trường truyền thống, tìm kiếm và mở rộng các thị trường tiềm năng; hạn chế thấp nhất sự phụ thuộc vào một thị trường. Cập nhật các thông tin về chính sách thương mại của các đối tác, các thị trường nhập khẩu; phát hiện nhanh và giải quyết kịp thời những rào cản thương mại, kỹ thuật để hỗ trợ tốt nhất cho xuất khẩu nông sản...
Nâng cao năng lực hệ thống thông tin thị trường, trong nghiên cứu và dự báo cung - cầu, qui mô và đặc điểm của từng loại thị trường, cung cấp kịp thời cho các địa phương, doanh nghiệp và người dân điều chỉnh sản xuất phù hợp; tổ chức các hoạt động kết nối cung - cầu, kết nối giữa vùng sản xuất với hệ thống phân phối; kết nối giữa thị trường trong nước với quốc tế.
Đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến thương mại, các hoạt động hội chợ, triển lãm, giới thiệu sản phẩm, xây dựng thương hiệu nông sản, nhất là đối với các nông sản chủ lực như gạo, cà phê, hồ tiêu, hạt điều, một số sản phẩm trái cây, sản phẩm thủy sản...
Phát huy vai trò của Hiệp hội ngành hàng, nắm bắt nhu cầu, khả năng tiêu thụ của thị trường để góp phần điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sản xuất. Ngoài ra, ngành cũng tập trung khai thác và tận dụng tốt lợi thế của nền nông nghiệp nhiệt đới; xây dựng và phát triển các vùng chuyên canh quy mô lớn, khu nông nghiệp công nghệ cao, đạt các tiêu chuẩn quốc tế phổ biến về an toàn vệ sinh thực phẩm...
Theo Hoàng Dương/Baophapluat

>> xem thêm

Bình luận(0)