Đổi đời trên đồi sỏi đá: Dân Lục Ngạn vang danh nhờ vải thiều

Google News

Từ cuộc sống đói nghèo, người dân Lục Ngạn được đổi đời nhờ những vụ mùa bội thu. Và chính giai đoạn từ 1990-2000, vải thiều Lục Ngạn vang danh cả nước, trở thành cây đặc sản nổi tiếng của vùng đất đồi núi sỏi đá này.

Vải lên rừng, xuống ruộng chiếm đất lúa
Những ngày cuối năm, khi công việc dọn vườn, chăm sóc cây vải thiều đã hoàn tất, anh Nguyễn Văn Quyên ở xã Hồng Giang (Lục Ngạn) đã khá thảnh thơi, chỉ còn việc ngồi nghĩ Tết này sắm những gì, chọn quất đào dáng thế nào cho đẹp để trưng trong nhà. Dẫn chúng tôi lên căn nhà 2 tầng của mình, anh chỉ tay về phía trước, nói: “Vườn vải đằng sau nhà, vườn bên trái, bên phải hông nhà đều là vải của nhà tôi. Năm nay, với thời tiết như thế này thì vụ vải 2018 sẽ được 100%, hứa hẹn mùa bội thu”.
Anh Quyên tâm sự, gia đình anh không phải là những hộ dân đầu tiên trồng vải thiều ở vùng đất Lục Ngạn. Song, nhờ cây vải thiều mà cả gia đình có được cuộc sống sung túc với nhà cao cửa rộng. Mấy năm nay còn để ra được chút tiền gửi ngân hàng.
Chỉ một thời gian ngắn vải thiều được trồng khắp các vườn đồi tạo thành một vùng vải bạt ngàn. 
Chỉ vào ngôi nhà 2 tầng với đầy đủ tiện nghi, anh Quyên cho biết, vườn vải nhà anh rộng hơn 1ha, chưa kể tới diện tích trồng cam. Mỗi năm, anh thu vài trăm triệu đồng từ tiền bán vải thiều. Nhờ đó mà vợ chồng anh có được cơ ngơi như ngày hôm nay.
Thực ra, từ thời bố mẹ anh đã trồng vải thiều, nhưng khi đó chỉ trồng vài cây trong vườn kiểu cho vui, để có quả ăn. Còn vùng này trước kia toàn đất trống đồi núi trọc, một phần diện tích trồng rừng, một phần trồng khoai, đậu tương, sắn, vùng trũng cấy lúa. Nhưng cấy lúa không ăn thua, toàn lúa giống bao thai 6 tháng mới cho thu hoạch, được mùa thì mỗi sào được 1 tạ, còn mất mùa thì nhìn bó lúa như chiếc chổi xể cùn. Nhiều khi đói ăn cắt lúa non, về lúc đập sữa lúa bắn tung toé trắng xoá cả cối đá. Sắn cũng vậy, đất bạc màu củ bé tí teo, khoan lang toàn dễ, dây mà không có củ, người dân đói ăn cả ngọn rau,... Cuộc sống khó khăn vô cùng, anh Quyên nhớ lại.
Đến năm 1990, người dân khắp các vùng bắt đầu trồng vải ồ ạt do trước đó, các hộ tiên phong trồng vải bán được giá cao. Rồi nhà nhà trồng vải, người người trồng vải thiều. Cứ tự nhân giống, xin cành về trồng khắp các vùng đồi núi. Người dân còn đem vải lên rừng trồng, rồi đem xuống ruộng trồng vào đất lúa... Cứ chỗ nào có thể trồng được vải là được tận dụng trồng hết, bất chấp vùng cao hay đất trũng.
"Nhà tôi cũng vậy. Năm 1995 sau khi lập gia đình ra ở riêng, vợ chồng tôi mạnh dạn bỏ hết đất đang trồng lúa, trồng khoai chuyển sang đầu tư trồng gần 1ha vải thiều làm cây trồng chính cho gia đình", anh Quyên kể. Chỉ trong mấy năm, vùng đồi núi trọc Lục Ngạn đã được phủ kín bởi màu xanh ngút ngàn của cây vải.
Theo thông tin từ UBND huyện Lục Ngạn, giai đoạn từ 1990 đến năm 2000, diện tích vải thiều được trồng tăng theo cấp số nhân, từ hơn chục ha ban đầu lên tới 20.000 ha.
Nhờ bán được giá cao, người dân Lục Ngạn bấy giờ đã thoát cảnh đói nghèo, vươn lên làm giàu. Bởi chỉ cần bán 1 tạ vải người dân có thể mua được 1 tấn lúa. 
Thành đặc sản vang danh khắp nước
Là người được đào tạo chính quy chuyên về trồng trọt, lại xuất thân trong gia đình có nghề trồng vải thiều rộng cả vài ha, ông Lê Bá Thành - Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn, chia sẻ, thấy được tiềm năng của cây vải thiều sau khi người dân thu hoạch bán được với giá cao ngất ngưởng, gấp nhiều lần giá lúa, phía huyện ủy quyết định chuyển giao đất đồi, đất bãi cho bà con để trồng vải thiều.
Đặc biệt, lãnh đạo huyện còn khuyến khích bà con dồn điền đổi thửa để tiện trồng và chăm sóc. Bởi, cây ăn quả khác với cây lúa, nếu cây ăn quả muốn trồng làm hàng hoá thì phải trồng với diện tích lớn thì sản phẩm cho ra mới đồng đều.
"Cây vải thiều cũng chính thức được chọn làm cây xoá đói giảm nghèo cho vùng Lục Ngạn". Ông Thành cho hay, ở huyện Lục Ngạn bấy giờ còn có phong trào tặng giống vải. Cứ cán bộ công chức, những hộ trồng vải ở vùng dưới, mỗi người mua vài ba cây vải để tặng bà con vùng cao lấy giống trồng trên đồi núi.
 Vải thiều trở thành loại quả đặc sản của Lục Ngạn vang danh cả nước.
Những năm ấy, người dân trồng vải theo kiểu truyền thống, không có kỹ thuật như bây giờ. Song, dường như cây vải thiều sinh ra là để dành trồng trên đất Lục Ngạn. Bởi, vải hợp với khí hậu và thổ nhưỡng, không bị ảnh hưởng với gió bão nên vụ nào cũng bội thu. Quả vải đỏ đẹp, ăn ngọt sắc, thơm. Thế nên, vụ nào vải thiều cũng được giá ở mức 12.000-15.000 đồng/kg, thậm chí có lúc còn lên tới 20.000-23.000 đồng/kg. Tính ra, cứ mỗi 1ha người dân thu được khoảng 20 triệu đồng.
Lúc bấy giờ, chưa nói là có thể làm giàu nhưng thực sự người dân đã thoát cảnh đói nghèo, thu nhập trung bình của mỗi hộ trồng vải đạt mức 15-20 triệu đồng/năm.
"Có thể liên tưởng cuộc sống đổi thay của người dân Lục Ngạn như thế này. Ở thời điểm những năm 90, chỉ những người giàu có mới vào nhà hàng ăn uống, nhưng với dân Lục Ngạn thì cứ mỗi buổi chợ bán vải xong lại cầm cả xấp tiền đi vào nhà hàng. Đó đã là chuyện thường của dân Lục Ngạn", ông Thành chia sẻ.
Đến vụ thu hoạch, những con đường tại thị trấn Chũ nhuộm một màu đỏ của vải thiều. 
Đến vụ thu hoạch, dân buôn từ mọi nơi đổ về chợ vải trên thị trấn Chũ để "ăn hàng". Màu vải thiều nhuộm đỏ rực cả khu vực thị trấn, trở thành nét đặc trưng của vùng đất Lục Ngạn mỗi dịp hè về.
Không chỉ giúp người dân thoát nghèo, có được cuộc sống ấm lo, vải thiều Lục Ngạn còn vang danh khi xuất hiện khắp mọi miền cả nước, trở thành cây đặc sản của vùng đất cọc cằn sỏi đá này. Vào mùa vải, đi công tác ở những địa phương khác, chẳng khó gì khi nghe thấy những câu chuyện khen quả vải thiều Lục Ngạn thơm ngon.
Anh Quyên cũng thừa nhận, suốt những năm 90 cho đến năm 2000 chính là thời điểm huy hoàng của người trồng vải khi bán 1 tấn vải tiền thu về đánh được vài cây vàng ròng. Còn nếu quy ra lúa thì cứ bán khoảng hơn tạ vải mua được 1 tấn lúa do tiền lúc đó có giá trị rất lớn.
Như nhà anh, trồng từ năm 1995 thì đến năm 1998 thu hoach vụ vải đầu tiên với sản lượng được 2 tấn quả. Giá vải anh bán ra năm đó được 18.000-23.000 đồng/kg. Số tiền vợ chồng anh thu được năm 1998 là 35 triệu đồng. Đem số đó đi mua vàng, anh sắm được hẳn 7 cây.
"Cầm đống tiền trong tay mà vợ chồng tôi cứ tưởng như mơ, không nghĩ được là mình có thể đổi đời từ cây vải". Anh Quyên chia sẻ thêm, giờ sau hơn 20 năm trồng vải thiều, diện tích vải của gia đình đã tăng lên chút ít nhưng không đáng kể. Tuy nhiên, mỗi năm gia đình anh thu lãi đều đặn khoảng 300 triệu đồng. Năm 2017 vừa rồi trúng lớn, bán hết vườn vải anh thu tới 700 triệu đồng, trừ đi chi phí anh lãi khoảng 600 triệu đồng.
Theo Bảo Hân/ Vietnamnet

>> xem thêm

Bình luận(0)