Nhiều doanh nghiệp (DN) vận tải cho biết ngày 21-3, giá xăng có giảm nhưng vẫn ở mức rất cao. Do đó, việc các DN vận tải có kê khai tăng giá cước vận tải thì cũng chưa thể bù được các chi phí.
Áp lực khi xăng dầu tăng giá
Anh Nguyễn Văn Đức, tài xế vận tải hành khách theo tuyến cố định TP.HCM - Phan Thiết, cho biết xăng dầu leo thang đã tác động rất lớn đến vận tải hành khách. Đơn cử, mới đây hãng xe mà anh Đức chạy đã tiến hành tăng giá cước vận chuyển từ 140.000 đồng lên 155.000 đồng/vé. Việc tăng giá vé này đa phần cũng được người dân ủng hộ. Dù vậy, DN hoạt động cũng chỉ mang tính chất cầm chừng chứ chưa đủ bù chi phí.
“Trước đó, nghe tin giá xăng dầu giảm mà cánh tài xế chúng tôi mừng, tuy nhiên giá xăng lại giảm rất ít (khoảng 600 đồng/lít), vẫn chưa thấm vào đâu. Việc bình ổn giá xăng dầu cũng phần nào giúp DN vượt qua giai đoạn khó khăn này” - anh Đức nói.
|
Các doanh nghiệp vận tải đang gặp khó khăn do sự biến động của giá xăng dầu. Ảnh: ĐÀO TRANG
|
Tương tự, chị Nguyễn Thị Quyên (quê Lâm Đồng) cũng cho biết giá vé từ TP.HCM về Đà Lạt cũng được điều chỉnh. Theo đó, giá cước này cũng được tăng tới 10% sau khi xăng dầu nhiều lần biến động. Có điều chị Quyên cũng khá thông cảm, bởi không chỉ chi phí đi lại mà các mặt hàng khác cũng đã tăng giá.
Trước những khó khăn về dịch, giá xăng dầu tăng cao, hãng xe Tư Viễn (tuyến TP.HCM - Quảng Trị) cho biết đơn vị đã phải cắt giảm số chuyến để chạy cầm chừng, nếu tiếp tục chạy thì càng thua lỗ. Thậm chí, hãng xe cũng phải bán hai chiếc xe để trả nợ ngân hàng và bù lỗ.
“Giá xăng giảm nhưng vẫn ở mức rất cao, rất khó cho DN vận tải. Nay dịch COVID-19 hành khách đi lại ngày một ít, nếu giá cước tăng cao, khách lại càng ít đi, khó DN nào cầm cự được. Theo đó, Chính phủ cần có các phương án để đưa giá xăng dầu về thấp nhất nhằm hỗ trợ người dân và DN” - đại diện hãng xe Tư Viễn cho hay.
Giá xăng tác động rất lớn đến DN vận tải
Đại diện hãng xe Phương Trang cũng cho rằng cơn ác mộng của các DN vận tải là giá xăng tăng cao kỷ lục và Phương Trang cũng không phải ngoại lệ. Áp lực này đã đè nặng lên chi phí vận hành, kinh doanh, khiến DN gặp rất nhiều khó khăn. Theo đó, hãng xe này cũng đã điều chỉnh giá cước vận chuyển để thích ứng với sự biến động này. Cụ thể, phía Phương Trang đã đề xuất xin tăng giá dưới 10% để đảm bảo chi phí vận hành.
Hãng xe này cũng cho biết việc tăng giá vé đã được công ty cân nhắc rất kỹ và nhận được sự chấp thuận từ cơ quan chức năng. Vì vậy, trong trường hợp có sự biến động về giá nhiên liệu thì phía công ty luôn xem xét để đảm bảo lợi ích từ phía người tiêu dùng.
Đại diện Bến xe Miền Đông (quận Bình Thạnh) cho biết: Xăng dầu chiếm khoảng 20%-30% cơ cấu giá vé trong hoạt động vận tải hành khách công cộng. Do đó, giá xăng tăng cao đã tác động rất lớn đến các DN vận tải, đặc biệt là trong thời điểm dịch COVID-19 như hiện nay. Không chỉ vậy, lượng hành khách sụt giảm so với những năm trước khiến nhiều DN điêu đứng và buộc phải tính toán đến việc điều chỉnh giá vé để cầm chừng.
“Hiện nay đã có 20 nhà xe đề xuất tăng giá vé, tỉ lệ tăng trung bình 26%” - đại diện Bến xe Miền Đông thông tin.
Tương tự, ông Trần Văn Phương, Phó Giám đốc Bến xe Miền Tây, cho biết đơn vị cũng nhận được kê khai tăng giá vé của nhiều đơn vị vận tải. Sau khi các DN kê khai điều chỉnh giá vé, đơn vị sẽ gửi đến Sở GTVT các tỉnh, thành. Trường hợp được chấp nhận thì nhà xe mới được tăng giá và niêm yết ở các quầy bán vé.
Ông Tạ Long Hỷ, Chủ tịch Hiệp hội Taxi TP.HCM, Giám đốc Taxi Vinasun, cho hay hiện nay Vinasun chưa tăng giá cước vận chuyển. Tuy nhiên, cũng như các DN vận tải khác, đơn vị đang phải gồng mình ứng phó. Phía Vinasun cũng có nhiều chính sách để hỗ trợ tài xế, tuy nhiên về lâu dài thì cần có bài toán để bình ổn giá xăng dầu.
“Trường hợp không có sự bình ổn giá xăng dầu thì lúc này các DN buộc phải tăng giá và người chịu thiệt chính là người dân” - ông Hỷ nhấn mạnh.