Doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh nhờ ứng dụng kinh tế số

Google News

Kinh tế số sẽ giúp doanh nghiệp tăng trưởng tốt khi Việt Nam hội tụ các điều kiện thuận lợi: cơ sở hạ tầng viễn thông hoàn thiện; dân số trẻ; tỉ lệ dân số sử dụng điện thoại thông minh, mạng Internet và mạng xã hội cao…


Doanh nghiep nang cao nang luc canh tranh nho ung dung kinh te so
Doanh nghiệp ứng dụng kinh tế số. Ảnh minh họa. 
Chuyển đổi số đang diễn ra rất nhanh
Sáng ngày 25/10, Diễn đàn “Nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp trong nền kinh tế số” do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp và VCCI tổ chức đã diễn ra tại Hà Nội. Tại diễn đàn, ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhấn mạnh, doanh nghiệp có vị trí quan trọng cho phát triển kinh tế số. Sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ số giúp doanh nghiệp tối ưu hóa quy trình, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.
Kinh tế số giúp doanh nghiệp có thể vượt qua những giới hạn cả về khoảng cách thời gian và khoảng cách địa lý để tìm kiếm, mở rộng thị trường cũng như đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách hàng.
Báo cáo nền kinh tế số 2022 do Google và Temasek thực hiện, chỉ ra tốc độ tăng trưởng kinh tế số tại Việt Nam luôn đạt hai con số trong giai đoạn 2019 - 2022 và nhanh nhất Đông Nam Á. Trong những năm tới, Việt Nam được đánh giá hội tụ nhiều điều kiện thuận lợi để tiếp tục duy trì đà tăng trưởng kinh tế số.
Theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông, ước tính tỷ lệ đóng góp của kinh tế số trong GDP tăng từ 11,9% (năm 2021) lên 14,3% (năm 2022) và 6 tháng của năm 2023 đạt gần 15%.
Trên thực tế, theo Tổng cục Thống kê, đến hết quý III/2023 cả nước đã có hơn 165.000 doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường, tăng 1,2% so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước cũng đang tăng trưởng ấn tượng, đạt hơn 497 tỷ USD, với cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 21,68 tỷ USD…
Thống kê trên cho thấy, chuyển đổi số đang diễn ra rất nhanh trên nhiều lĩnh vực, ngành nghề của nền kinh tế như thương mại, ngân hàng tài chính, du lịch, y tế giáo dục đến giải trí…, góp phần thúc đẩy kinh tế số phát triển mạnh mẽ. Kinh tế số đã và đang đóng vai trò quan trọng, thúc đẩy kinh tế Việt Nam phát triển nhanh, bền vững, bao trùm với mục tiêu trở thành quốc gia phát triển, thu nhập vào năm 2045.
Theo ông Trịnh Minh Anh, Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo Liên ngành Hội nhập quốc tế về kinh tế, Việt Nam ngày càng có nhiều công ty khởi nghiệp được thành lập và đạt kết quả kinh doanh ấn tượng trên các lĩnh vực thương mại điện tử, thanh toán trung gian trên nền tảng công nghệ QR Code, ví điện tử, các giải pháp ngân hàng điện tử…
Cần nắm bắt cơ hội
Bên cạnh kết quả đạt được, tại diễn đàn, đông đảo các chuyên gia kinh tế cho rằng, các doanh nghiệp cần nhanh chóng chuyển đổi số để nắm bắt cơ hội, tránh tụt hậu. 97% doanh nghiệp Việt Nam là vừa và nhỏ với trình độ công nghệ chưa cao, quy mô vốn và lao động nhỏ, gặp rất nhiều khó khăn khi vận dụng các mô hình hoạt động mới từ nền kinh tế số. Vì vậy, các doanh nghiệp cần có sự đầu tư bài bản. Chủ động ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong sản xuất kinh doanh, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh.
Doanh nghiep nang cao nang luc canh tranh nho ung dung kinh te so-Hinh-2
Diễn đàn Nâng cao năng lực cạnh tranh của DN trong nền kinh tế số - Ảnh: VGP 
Theo ông Trịnh Minh Anh, vấn đề cấp bách đặt ra là phải nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong nên kinh tế số để bắt kịp với tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế và sự phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, cũng như tránh tụt hậu về công nghệ.
Dưới góc độ DN, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) kiến nghị cần có những chính sách, cơ chế rõ ràng trong quản lý hồ sơ qua mạng, đấu thầu qua mạng, cũng như chính sách chuyển đổi số cho DN nhà thầu.
Để nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong nền kinh tế số, rất cần cả vai trò của Nhà nước và tinh thần chủ động, đổi mới, sáng tạo của cộng đồng doanh nghiệp.
Trong đó, chú trọng đẩy mạnh phát triển những lĩnh vực theo xu hướng số hóa (như năng lượng tự động, hệ thống giao thông vận tải, đào tạo từ xa, quản lý hồ sơ bệnh án - điều trị bệnh trực tuyến, hệ thống quản lý nông - lâm - ngư nghiệp từ xa, thương mại điện tử được chuyển đổi số…).
Để làm được những điều này, các cấp quản lý nhà nước cần chủ động hoàn thiện hệ thống hạ tầng thanh toán số song song với việc thống nhất, đồng bộ phương thức thanh toán không dùng tiền mặt để giao dịch trên toàn quốc.
Tại diễn đàn, lãnh đạo VCCI cũng như chuyên gia kinh tế đã đưa ra khuyến nghị, đồng thời với sự hỗ trợ của Chính phủ, các bộ, ngành, doanh nghiệp cần chủ động đầu tư cải tiến công nghệ, nghiên cứu, học hỏi và ứng dụng những mô hình, phương thức kinh doanh mới, loại bỏ những yếu tố lạc hậu, không còn phù hợp, ứng dụng cách thức mới để phát triển nhanh hơn. Mỗi doanh nghiệp nên có phương thức, hướng đi riêng và cách thức chuyển đổi sao cho phù hợp.
PV

>> xem thêm

Bình luận(0)